Số phận các đồng tiền khi Fed tăng lãi suất
Vào ngày 16/3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động chiến dịch nâng lãi suất quyết liệt nhằm kìm hãm lạm phát. Từ đó đến nay, sau 11 lần điều chỉnh tăng, giới hạn trên của lãi suất Quỹ Liên bang đã được đẩy từ khoảng 0,25% lên 5.5% - mức cao nhất trong 22 năm.
Lãi suất cao thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ, lãi suất tiền gửi ngân hàng và khiến USD trở nên ngày càng hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Kết quả là, nhu cầu USD và kéo theo đó là giá của đồng tiền này đã tăng lên nhanh chóng.
Cùng lúc, nhiều quốc gia trên thế giới đối mặt với đa khủng hoảng, từ giá nhiên liệu, lương thực cho tới lạm phát, xung đột ... khiến tỷ giá suy yếu nhanh chóng. Theo thống kê, kể từ 16/3/2022 đến 28/8/2023, trong số 30 đồng tiền được khảo sát, chỉ có 5 đồng tăng giá so với USD. Trung bình, kể từ 16/3/2022, 30 đồng tiền kể trên đã mất giá 9,4% so với USD.
Từ khi Fed khởi động chiến dịch thắt chặt, tiền đồng (VND) của Việt Nam đã sụt giảm 5,1% so với USD, thấp hơn mức bình quân của 30 quốc giá được khảo sát. Đồng thời, VND cũng có khả năng chống chịu tốt hơn nhiều đồng tiền trong khu vực, chẳng hạn như rupiah (Indonesia), peso (Philippine), ringgit (Malaysia), kip (Lào) hay thậm chí cả nhân dân tệ (Trung Quốc).
Peso (Argentina), lira (Thổ Nhĩ Kỳ) và kip (Lào) đã giảm lần lượt 68,7%, 44,7% và 41,5% so với kể từ khi Fed tăng lãi suất, đứng đầu trong danh sách những đồng tiền mất giá sâu nhất. Trong khi đó, chỉ có hai đồng ghi nhận tỷ giá so với USD tăng trưởng với tốc độ hai con số trong hơn nửa đầu năm, cụ thể là franc Thụy Sỹ và peso (Mexico).
Việc đồng tiền của từng nước tăng hay giảm so với USD đến từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như lạm phát, chính sách tiền tệ nghịch chiều, thâm hụt thương mại hay các biện pháp trừng phạt.
Chính sách tiền tệ ngược với Fed
Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam hay Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia tiêu biểu cho xu hướng chính sách tiền tệ ngược với Fed. Trong khi ngân hàng trung ương (NHTW) của Mỹ 11 lần thắt chặt kể từ tháng 3 năm ngoái, các quốc gia kể trên lại giữ nguyên lãi suất hoặc nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế.
Nhật Bản tiếp tục kiên định với lãi suất chính sách ở mức -0,1% đã được duy trì từ đầu năm 2016. Quyết định này khiến cho đồng yen (JPY) mất giá tới 19% kể từ khi Fed khởi động chiến dịch thắt chặt. Gần đây, NHTW Nhật Bản (BOJ) đã có những động thái báo hiệu khả năng chuyển dịch chính sách, khi thông báo sẽ cân nhắc điều chỉnh chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).
- TIN LIÊN QUAN
-
Thước đo sức mạnh của đồng yen neo gần mức thấp nhất kể từ năm 1970 31/08/2023 - 08:46
Tuy nhiên, bất chấp những thay đổi có khả năng làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, đồng yen chỉ phục hồi trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, sau đó lại rơi tự do khi lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ vọt tăng. Hiện tại, tỷ giá JPY/USD đang rất gần với đáy hồi tháng 10 năm ngoái.
Trước nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc và Việt Nam đã nới lỏng chính sách tiền tệ, chấp nhận đối mặt với nguy cơ khiến đồng tiền suy yếu. Trung Quốc hạ lãi suất hai lần kể từ khi Fed bắt đầu chiến dịch chống lạm phát, trong khi Việt Nam đã trải qua giai đoạn thắt chặt vào cuối năm 2022 và bắt đầu nới lỏng vào cuối quý I/2023.
Trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ tương đối đặc biệt so với Việt Nam, Nhật Bản hay Trung Quốc. Quốc gia này ghi nhận tăng trưởng GDP ở mức 5,6% vào năm 2022, đồng thời nền kinh tế đang trải qua lạm phát hai con số. Tuy nhiên, thay vì việc nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ (TCMB) lại theo đuổi chính sách tiền tệ phi truyền thống và liên tiếp hạ lãi suất.
Mãi tới tháng 6/2023, TCMB mới bắt đầu mạnh tay thắt chặt. Hiện lãi suất chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức 25%, thuộc nhóm những quốc gia có lãi suất cao nhất trên thế giới.
Lạm phát
Trong 30 đồng tiền được khảo sát, peso của Argentina (ARS) ghi nhận sự sụt giảm sâu nhất so với USD kể từ khi Fed bắt đầu chiến dịch thắt chặt. ARS đã giảm tới 68,7% so với USD từ ngày 16/3. Hiện nay, theo tỷ giá của NHTW Argentina, một USD đang đổi được 350 ARS. Tuy nhiên, tại chợ đen, một USD có thể đổi tới 750 ARS.
Argentina đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát thuộc hàng cao nhất trên thế giới, khủng hoảng kinh tế kéo dài hàng thập kỷ và vỡ nợ trái phiếu. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang nợ Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) hàng chục tỷ USD và đang trong quá trình đàm phán để hoãn thanh toán.
Những cuộc khủng hoảng trên đã khiến tỷ giá ARS/USD liên tục đi xuống kể từ năm 2018 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ đầu năm 2022 đến nay, NHTW của Argentina đã nâng lãi suất từ 40% lên 120%, tuy nhiên, động thái này vẫn chưa thể ngăn cản đà giảm của đồng ARS.
Thâm hụt thương mại, xuất khẩu suy yếu
Lào, Nam Phi, Ấn Độ hay Philippines là những quốc gia đang đối mặt chi phí nhập khẩu gia tăng, tạo áp lực lớn lên tỷ giá. Đồng kip lào (LAK) đã mất tới 41,5% giá trị so với USD kể từ ngày 16/3. Trong cùng quãng thời gian trên, rand của Nam Phi (ZAR), rupee của Ấn Độ (INR) và peso của Philippines (PHP) lần lượt giảm 19,8%, 8,1% và 8,1% so với USD.
Giá năng lượng, lượng thực tăng lên trong năm 2022 và những tháng gần đây đã khiến chi phí nhập khẩu tăng lên, trong khi nền kinh tế toàn cầu yếu khiến hoạt động xuất khẩu của nhiều quốc gia gặp khó khăn. Đồng LAK gặp khó khăn đặc biệt khi Lào đang phải trả khoản nợ nước ngoài lớn và dự trữ ngoại hối hạn chế. Trong khi đó, tình hình chính trị bất ổn tại Nam Phi khiến triển vọng kinh tế xấu đi, tác động hơn nữa tới tỷ giá.
Hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ và Philippines đã chậm lại trong 6 tháng đầu năm nay, có thể tạo thêm áp lực lên đồng nội tệ. Tuy nhiên, nhờ giá năng lượng đi xuống, cán cân thương mại của Ấn Độ đã ít thâm hụt hơn so với năm ngoái, làm chậm lại đà sụt giảm của INR.
Những yếu tố khác
Đồng dollar Australia (AUD) cũng ghi nhận mức sụt giảm 11,8% kể từ khi Fed khởi động chiến dịch nâng lãi suất. Ngoài việc khoảng cách giữa lãi suất chính sách của Fed và NHTW Australia ngày càng lớn, tỷ giá của AUD suy yếu còn đến từ sự phục hồi kinh tế yếu ớt của Trung Quốc.
Tân Đài tệ của đảo Đài Loan (TWD) và won của Hàn Quốc (KRW) cũng bị mất giá mặc dù đã đồng pha với Fed trong quá trình thắt chặt. Hai đồng tiền này suy yếu do một số nguyên nhân, từ khoảng cách ngày càng rộng giữa lãi suất chính sách của hai nước với lãi suất của Fed, cho tới triển vọng kinh tế xấu đi.
Tại đảo Đài Loan và Hàn Quốc, nhu cầu chip bán dẫn, thiết bị điện tử, máy tính hay điện thoại toàn cầu hạ nhiệt ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu. Ngoài ra, Hàn Quốc còn ghi nhận thâm hụt thương mại liên tiếp từ tháng 3/2022 đến 5/2023.
Đồng tiền của Nga (RUB), châu Âu (EUR) và Anh (GBP), lại là nạn nhân một phần, hoặc trực tiếp từ cuộc xung đột Ukraine. Đồng RUB từng cắm đầu ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, nhưng sau đó đã nhanh chóng phục hồi nhờ những chính sách khẩn cấp của NHTW Nga (CBR), giá năng lượng tăng vọt hỗ trợ xuất khẩu và hoạt động nhập khẩu đình trệ.
Tuy nhiên, sang năm 2023, giá năng lượng đã đi xuống ảnh hưởng tới xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu đã tăng trở lại khi Nga tìm kiếm được nguồn cung thay thế và việc các công ty rút khỏi thị trường nước này khiến cho đồng RUB suy yếu.
Trong năm 2022, EUR và GBP cũng chịu áp lực lạm phát lớn khi xung đột Ukraine bùng nổ. Cuối tháng 9/2022, việc chính phủ Anh công bố chính sách tài khóa mới đã đẩy GBP xuống mức thấp kỷ lục sao với USD. Sau đó, chính phủ mới của nước Anh đã phải hủy bỏ gần như hoàn toàn những chính sách trước đây, giúp đồng GBP phục hồi.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chịu tác động trực tiếp hơn từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Lạm phát, khủng hoảng năng lượng và sự không chắc chắn trong nền kinh tế châu Âu đã khiến các nhà đầu tư tháo chạy đến những nơi an toàn hơn, cụ thể là nước Mỹ. Ngoài ra, EUR còn suy yếu vì NHTW châu Âu (ECB) chậm chân trong việc tăng lãi suất so với Fed.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023, EUR đã có sự phục hồi, tăng 1,5% so với USD khi ECB mạnh tay nâng lãi suất hơn Fed và nền kinh tế khu vực thoát khỏi nguy cơ suy thoái.