Phó Thống đốc: Giảm lãi suất là bức thiết nhưng giảm quá sẽ 'mất' tỷ giá, ảnh hưởng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam
"Nỗ lực giảm lãi suất" là thông điệp được nhà điều hành cùng các doanh nghiệp đưa ra kỳ vọng với các ngân hàng tại Hội thảo tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 22/8.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết bên cạnh một số lãi suất được NHNN quy định mức lãi suất trần, còn lại các ngân hàng thương mại (NHTM) được tự chủ về mặt lãi suất theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, dù không bị pháp luật hạn chế về lãi suất trần, nhưng các NHTM vẫn phải lưu ý vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với cộng đồng.
Bên cạnh việc giảm lãi suất, NHNN cũng yêu cầu các NHTM phải cắt giảm các loại phí, cắt giảm thủ tục,...Phó Thống đốc cho biết dự kiến cuối tuần này hoặc đầu tuần sau NHNN sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về lãi suất và phí đối với từng nhóm ngân hàng, bởi vì đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào của doanh nghiệp.
"Hôm qua tôi nhắn tin cho chủ tịch của hai NHTM cổ phần lớn. Tôi nói nghe các ông nói trên tivi nhưng đến khi doanh nghiệp họ phản ánh lãi suất cho vay từng này. Người ta cứ nói mãi rằng “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi mà vay", ông Tú thuật lại. Sau khi nhận được tin nhắn trong đêm, hai vị chủ tịch của hai ngân hàng này đều hứa “sẽ kiểm trả và rà soát lại”.
Những bài toán khó của ngành ngân hàng hiện nay
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng bày tỏ sự thông cảm với các NHTM bởi chính các ngân hàng cũng có cái khó, bởi bản chất ngân hàng vẫn là doanh nghiệp. Tiền cho vay không phải là của ngân hàng mà là tiền huy động của người dân, nên không thể cứ cho vay thoải mái dẫn đến mất thanh khoản, rồi trở thành gánh nặng của Nhà nước.
Vừa hạ lãi suất vừa đảm bảo ổn định tỷ giá; vừa mở rộng tín dụng nhưng phải đảm bảo chất lượng nợ xấu ; giảm lãi suất vay nhưng không giảm nhiều lãi suất huy động,... là những bài toán khó mà các ngân hàng phải tìm được điểm cân bằng.
Phó Thống đốc phân tích giảm lãi suất là bức thiết nhưng giảm lãi suất quá sẽ dẫn đến mất tỷ giá. Mất tỷ giá sẽ ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư, quyền lợi của Chính phủ khi đi vay nợ nước ngoài; doanh nghiệp, người dân nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến đồng tiền nội tệ mất giá mạnh hơn, cả xuất nhập khẩu cũng bị đảo lộn.
"Do đó phải giữ tỷ giá, mà muốn giữ thì lãi suất phải hợp lý. Nếu lãi suất mà hạ nữa thì không ai gửi ngân hàng mà quay ra giữ USD, thế là mất tỷ giá. Nếu như không có niềm tin thì còn ai bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam. Người ta có thể sẽ rút vốn về nước, chính sách thay đổi họ sẽ tính toán lợi ích ngay”, ông nói.
Cùng với đó, muốn tăng trưởng tín dụng mà sợ nợ xấu thì không được mà thả phanh tín dụng cũng không ổn vì vấn đề không chỉ nợ xấu mà còn là an toàn tài chính quốc gia. Theo Thống đốc, đã có quá nhiều bài học, thậm chí có những bài học đau đớn như SCB, hay ba ngân hàng 0 đồng dù được cơ cấu nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn đầu.
Một trong những bài toán khó nữa của các ngân hàng là giảm lãi suất cho vay nhưng phải hạn chế giảm lãi suất huy động. Theo Phó Thống đốc, bình thường lãi suất cho vay và huy động chênh 3% là đủ cho ngân hàng cân chi phí, đảm bảo an toàn tài chính. Nếu hạ lãi suất huy động quá thì người gửi tiền sẽ kêu thiệt thòi. Giả sử lạm phát 3 - 4% thì lãi suất huy động ít cũng phải 5 - 6% thì người gửi tiền mới có lãi suất thực dương 2 - 3%. Do đó, việc cân đối mức giảm lãi suất huy động cũng là điều rất khó mà các ngân hàng đang phải xử lý.
Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cơ chế linh hoạt, hợp lý và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Phó Thống đốc nhấn mạnh hơn về yếu tố "phù hợp" trong việc điều hành trong thời gian qua: “Nếu theo thông lệ quốc tế hay theo lý thuyết, chắc không ai điều hành như chúng tôi vừa qua, lãi suất cả thế giới lên riêng có ba nước trong đó có Việt Nam lại giảm. Ngay cả Trung Quốc cũng giảm lãi suất sau Việt Nam".
Ông cho hay nếu như điều hành như các nước thì có lẽ đã không giữ được tỷ giá VND như hiện nay. Việt Nam ngoài điều hành chính sách thì còn yếu tố rất quan trọng là lòng tin, kỳ vọng của thị trường.
Theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước được dự báo tiếp tục có nhiều bất định, chúng ta sẽ còn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức từ nhiều phía, thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phản ánh không ít khó khăn.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục có sự chung tay, đồng sức, đồng lòng, và sự nỗ lực hơn nữa của các bộ, ngành và các chủ thể trong nền kinh tế để giúp cho khu vực doanh nghiệp phục hồi ổn định và tiếp tục phát triển.