Cầu tín dụng yếu dù lãi suất giảm, hạ thêm lãi suất chưa chắc mang lại hiệu quả mong muốn
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Xu hướng này phản ánh nhu cầu tín dụng và hoạt động đầu tư đang yếu đi do hoạt động kinh tế bị suy yếu.
Vì nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm, WB cảnh báo cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.
Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7.
Tăng trưởng tín dụng thấp không phải là vấn đề mới. Nguy cơ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế bị chậm lại đáng kể được cảnh báo nhiều ngay từ những tháng đầu năm.
"Tín dụng không ra được, cho thấy một dấu hiệu là cầu rất yếu", TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định ngay sau khi có số liệu tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm.
Mới đây, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cũng nhận định Việt Nam đang trải qua giai đoạn có thể nói là gần kề trạng thái "suy kiệt tín dụng", giai đoạn tín dụng tăng quá chậm so với mức cân bằng để kinh tế phát triển.
Nggoài vấn đề thiếu vốn trong nền kinh tế gây khó khăn cho sự phục hồi, CEO của WiGroup cho rằng thị trường hiện tại còn đang bị vướng vào tâm lý "thắt lưng buộc bụng". Tình trạng này đóng góp rất lớn từ sự suy giảm giá tài sản tài chính như bất động sản và chứng khoán trong thời gian vừa qua.
"Do đó, việc tín dụng khơi thông và hỗ trợ phục hồi tài sản tài chính mặc dù là không giải quyết được bài toán phát triển sản xuất nhưng cũng sẽ giúp phục hồi tâm lý tiêu dùng và kích thích lại động lực sản xuất nhanh hơn. Xét về tổng thể dài hạn thì "Hiệu ứng của cải" sẽ làm kinh tế thực và thị trường tài chính vẫn có mức độ liên thông", ông Trần Ngọc Báu cho hay.
Nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và giải quyết áp lực trên bảng cân đối của khu vực ngân hàng, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành. Trong tháng 3, Chính phủ ban hành quy định cho phép tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp và tạm hoãn thi hành các quy định bổ sung về phát hành được ban hành trước đó, qua đó làm giảm áp lực ngắn hạn cho bên vay và loại bỏ khó khăn trong việc đảo nợ những trái phiếu đáo hạn.
Đến tháng 4, NHNN tái ban hành các biện pháp tái cơ cấu thời gian trả nợ (trước đó đã được áp dụng lần đầu trong giai đoạn đại dịch cho đến tháng 6/2022).
Để tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp, NHNN giảm chi phí vốn vay cho các lĩnh vực trên. Đồng thời, Chính phủ cũng nới lỏng các quy định liên quan đến việc các tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm nhẹ vấn đề thanh khoản trên thị trường trái phiếu.
Các biện pháp như cắt giảm lãi suất, nới lỏng hạn chế về thanh khoản, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và nhóm nợ giúp xử lý những khó khăn trên thị trường tín dụng trong ngắn hạn, tuy nhiên, các chuyên gia của WB lại cảnh báo điều này có thể làm tăng nợ xấu và tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi, làm dấy lên quan ngại về bất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng.
"Mặc dù tăng trưởng tín dụng giảm, nhưng tỷ lệ gộp dư nợ cho vay trên tiền gửi vẫn ở mức trên 100%, đồng thời bất cân đối về kỳ hạn trên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng vẫn đang gây quan ngại. Mặc dù hệ số an toàn vốn bình quân của khu vực ngân hàng (11,4% vào năm 2022) vẫn cao hơn mức an toàn tối thiểu, nhưng mức đệm dự phòng vốn tại một số ngân hàng thương mại quốc doanh lớn và ngân hàng tư nhân nhỏ còn thấp, cho nên năng lực hấp thụ các cú sốc hoặc nợ xấu gia tăng còn hạn chế", WB cảnh báo.