|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mỹ đứng trước nguy cơ lạm phát vòng hai khiến Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất, tỷ giá thêm phần áp lực

16:26 | 08/09/2023
Chia sẻ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 nhích tăng trở lại cùng với số liệu tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của Mỹ làm dấy lên lo ngại nguy cơ lạm phát vòng hai. Nếu trường hợp này xảy ra, thị trường dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa và giữ ở mức cao cho đến tháng 5/2024.

Các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, các nhà kinh tế ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào kịch bản "hạ cánh mềm" của Mỹ tuy nhiên nguy cơ lạm phát dai dẳng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn để ngỏ khả năng về việc tiếp tục tăng thêm lãi suất.

Theo cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất được Bloomberg thực hiện, các chuyên gia kinh tế đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ lên 1,8% so với cùng kỳ trong quý III/2023 từ mức dự báo 0,5% đưa ra hồi tháng 7.

Đồng thời, chuyên gia kỳ vọng rằng nền kinh Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý IV/23 thay vì dự báo “thu hẹp lại” trong dự báo trước đó. Như vậy, các nhà kinh tế ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào kịch bản "hạ cánh mềm" của Mỹ.

Chi tiêu của người tiêu dùng (chiếm khoảng 2/3 GDP) cho thấy đà tăng trưởng ổn định và là động lực chính kéo nền kinh tế. Trong đó, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,7% so với tháng trước trong tháng 7, đánh dấu chuỗi tăng 4 tháng liên tiếp và vượt dự báo của thị trường.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát kéo dài khiến Fed đã tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp mới nhất và để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất.

Hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 nhích tăng trở lại cùng với số liệu tăng trưởng mạnh hơn dự kiến của Mỹ làm dấy lên lo ngại nguy cơ lạm phát quay trở lại (lạm phát vòng hai).

Trong cuộc họp tháng 7, Fed đã quyết định nâng phạm vi mục tiêu cho lãi suất quỹ liên bang lên 5,25% - 5,5%. Fed nhấn mạnh quan điểm là các quyết định lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế ở thời điểm đó, nghĩa là Fed vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa.

Tuy nhiên, dự báo thị trường có phần tích cực hơn so với quan điểm của Fed. Theo đó, thị trường kỳ vọng Fed sẽ không có thêm một đợt tăng thêm lãi suất nào nữa trong năm 2023, và sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 5/2024.

Cần cẩn trọng với biến động tỷ giá trong giai đoạn tới. (Nguồn: VNDirect).

Trước kỳ vọng Fed có thể còn một lần tăng lãi suất nữa trước khi dừng lại, áp lực tỷ giá đã trên đà gia tăng trong tháng 7 và đầu tháng 8, khi tỷ giá USD/VND chạm mức 23.940 tại ngày 22/8 với mức tăng 1,5% so với cuối tháng 6 và 0,9% so với đầu năm.

Nguyên nhân là do sự chênh lệch lãi suất giữa VND và USD tiếp tục thu hẹp do lãi suất điều hành của Fed có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Sau động thái nâng trần nợ công, Chính phủ Mỹ đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thiếu hụt ngân sách, đẩy lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023, Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ gây áp lực lên đồng NDT.

Các chuyên gia từ VNDirect nhận định có sự tương quan mạnh mẽ giữa Việt Nam đồng và đồng NDT trong quá khứ và lạm phát trong nước có thể gia tăng từ cuối quý III/2023.

Tuy vậy, tỷ giá VND vẫn sẽ được hỗ trợ bởi hai yếu tố: Thặng dư thương mại duy trì mức cao, FDI và kiều hối ổn định, và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài dự kiến thực hiện trong nửa cuối năm 2023 sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ.

Chênh lệch lãi suất thu hẹp làm gia tăng áp lực lên tỷ giá. (Nguồn: VNDirect).

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).