Tỷ giá USD hôm nay (23/9) dứt chuỗi tăng liên tiếp 5 ngày đối với yen Nhật vì căng thẳng ở Triều Tiên
Bảng cập nhật tỷ giá ngoại tệ, giá dầu, vàng, và chứng khoán Mỹ. Tổng hợp: Tố Tố. |
Tỷ giá USD hôm nay (23/9) dừng ở 111,99 yen, giảm 0,43% so với yen Nhật vào lúc 6h00 (giờ Việt Nam)
Tỷ giá ngoại tệ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22/9), USD giảm so với yen Nhật vì căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên leo thang, dứt chuỗi tăng liên tiếp trong 5 ngày đối với đồng tiền an toàn.
Ngày hôm qua, Triều Tiên phát đi thông điệp có thể thử bom nhiệt hạch tại Thái Bình Dương, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ phá hủy quốc gia này.
Chỉ số USD, cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt, giảm 0,13% xuống 92,136 điểm.
Ngoài ra, đồng bảng Anh giảm so với USD và euro, sau khi Thủ tướng Anh Theresa May không truyền tải được thông điệp cụ thể về việc quốc gia này làm thế nào để duy trì tiếp cận với thị trường đơn nhất của châu Âu.
Đồng bảng Anh giảm 0,32% so với USSD xuống 1.3534 USD. Trong phiên giao dịch, cũng có lúc đồng bảng Anh xuống thấp nhất ở mức 1.349 USD.
Trong khi đó, Euro tăng 0,07% lên 1.1947 USD vì các nhà giao dịch không nhận thấy rủi ro từ cuộc bầu cử tại Đức vào ngày Chủ nhật. Thủ tướng Angela Merkel được dự báo sẽ giành chiến thắng cho nhiệm kỳ thứ 4 của mình.
Giá vàng phục hồi vì căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Triều Tiên
Hiện, giá vàng giao ngay dừng ở mức 1.297,1 USD/ounce, tăng 0,55% vào lúc 6h00 (giờ Việt Nam). Trong khi giá vàng giao tháng 12 tăng 0,51% lên 1.301,45 USD/ounce.
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, giá vàng phục hồi từ mức thấp nhất trong 4 tuần nhờ đồng USD giảm và giới đầu tư tìm đến tài sản an toàn khi xảy ra căng thẳng địa chính trị.
Mặc dù tăng trong ngày hôm qua, giá vàng giao ngay vẫn kết thúc tuần với mức giảm 1,5%, giảm nhiều nhất kể đầu tháng 7.
Giá dầu ghi nhận tăng tuần thứ 3 liên tiếp
Trên thị trường dầu, giá tăng trong ngày thứ Sáu vì giới đầu tư bỏ qua kết quả từ cuộc họp của OPEC, với các quốc gia sản xuất dầu thất bại trong việc đạt được quyết định kéo dài thời gian của thỏa thuận giảm sản lượng.
Bộ trưởng Năng lượng của Nga gợi ý rằng tháng 1 là thời gian sớm nhất để xem xét đến việc kéo dài cam kết của OPEC, vì các nhà chức trách sẽ có thời gian để đánh giá tình hình thị trường.
Hồi tháng 5, OPEC và các thành viên ngoài OPEC thống nhất kéo dài thời gian giảm sản xuất 1,8 triệu thùng dầu/ngày thêm 9 tháng, tới tháng 3/2018.
Ngoài ra, tổ chức công bố triển vọng lạc quan về việc tuân thủ cam kết, nhấn mạnh rằng các quốc gia sản xuất dầu tham gia thỏa thuận giảm sản lượng đã đạt mức kỷ lục tuân thủ tháng. Theo đó, tỷ lệ tuân thủ cam kết của OPEC và các nước ngoài OPEC tăng từ 94% trong tháng 7 lên 116% vào tháng 8.
Tại Mỹ, số liệu mới công bố cho thấy số lượng giàn khoan đang hoạt động tại quốc gia này tiếp tục giảm, gợi ý khả nằng thắt chặt sản xuất nội địa.
Công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan trong tuần tại Mỹ giảm 5 giàn xuống 744 giàn.
Dow Jones, S&P đánh dấu tuần tăng thứ 2 liên tiếp
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ số biến động trái chiều, vì cổ phiếu ngành viễn thông, dầu khí và công nghiệp tăng điểm, trong khi cổ phiếu ngành tiện ích, nguyên liệu cơ bản và hàng hóa tiêu dùng giảm.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch chỉ số S&P 500 tăng 0,06% lên 2.502,22 điểm; tăng ít hơn 0,1% trong tuần.
Dow Jones giảm 0,04% xuống 22.349,59 điểm nhưng ghi nhận tăng 0,4% trong tuần này. Trong khi, dù chỉ số Nasdaq tăng 0,07% lên 6.422,69 điểm trong ngày hôm qua, tuy nhiên vẫn kết thúc tuần với mức giảm 0,3%.