Tuyên bố dòng tiền qua BBI Mall không bao giờ cạn, BBI Việt Nam vẽ ra viễn cảnh hệ sinh thái khép kín
Giới truyền thông đang liên tục đưa tin về những biểu hiện bất thường trong hoạt động của BBI Mall, ứng dụng mua sắm tích điểm, hoàn tiền lên tới 100% của công ty BBI Việt Nam.
Ban lãnh đạo BBI Việt Nam tuyên bố họ muốn tạo dựng nên một môi trường thương mại lành mạnh trên ứng dụng BBI Mall.
"Mỗi một khách hàng hãy trở thành những đối tác tin cậy của BBi Việt Nam trong việc xây dựng nên một cộng đồng mua sắm thông minh, tích điểm an toàn", công ty nhắn nhủ.
Kẽ hở để thành viên trục lợi nhờ giao dịch ảo
BBI Việt Nam minh họa một giao dịch trong video mà họ công bố trên YouTube vào ngày 24/2. Trong ví dụ, họ giả sử bên bán và bên mua hoàn thành một giao dịch trị giá 1 tỉ đồng trên ứng dụng BBI Mall với mức chiết khấu 5% cho BBI Việt Nam.
Bên bán nhận 1 tỉ đồng từ khách hàng và chiết khấu 5% (tương đương 50 triệu đồng) cho BBI Việt Nam. Công ty sẽ hoàn trả khoản chiết khấu 5% cho người bán, đồng thời trả gấp 10 lần mức chiết khấu (50%) cho khách hàng dưới dạng tích điểm. Mỗi ngày tài khoản của khách hàng sẽ nhận 0,05% số tiền thưởng (500 nghìn đồng).
Một sự kiện do BBI Việt Nam tổ chức. Ảnh: BBI Việt Nam
Như vậy, nếu thành viên tạo hai tài khoản để tự tạo giao dịch ảo, với một tài khoản bán hàng và một tài khoản mua, họ sẽ hưởng cả mức chiết khấu 5% mà BBI Việt Nam hoàn trả người bán và mức tích điểm 50% giá trị giao dịch dành cho người mua.
Giả sử trị giá giao dịch ảo là 1 tỉ đồng và mức chiết khấu 5%, một thành viên sẽ hưởng tới 55% giá trị giao dịch, tương đương 550 triệu đồng. Nếu thành viên đề ra mức chiết khấu tới 80% hay thậm chí 100% trong giao dịch ảo, mức thưởng sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Một phóng sự của VTV 24 nêu rõ một người phụ nữ tên Phương được mời tham gia ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall. Người giới thiệu hướng dẫn chị lập 2 tài khoản bằng 2 số điện thoại khác nhau, sau đó tạo một đơn bán hàng ảo với giá trị 400 triệu đồng.
Đơn ảo tức là không có hàng hóa thật. Hai tài khoản của chị sẽ tiến hành mua và bán trên đơn.
Chị Phương sẽ chuyển 10% giá trị đơn hàng, tương đương 40 triệu đồng chiết khấu bằng tiền thật vào tài khoản ngân hàng của BBI rồi nhận 400 triệu tích điểm vào tài khoản trên ứng dụng. Số điểm thưởng sẽ được chuyển đổi thành tiền theo tỷ lệ 0,05%/ngày.
Thành viên của BBI Mall thao tác trên ứng dụng mua sắm. Ảnh: BBI Việt Nam
Dòng tiền không bao giờ cạn và hệ sinh thái tương lai
Trong một video mà BBI Việt Nam đăng trên kênh YouTube của họ ngày 29/7, công ty đã giải thích lí do dòng tiền qua ứng dụng mua sắm BBI Mall không bao giờ cạn.
Dòng tiền vào của BBI Việt Nam chính là chiết khấu theo tỉ lệ phần trăm của khách hàng sau khi tiêu dùng sản phẩm. Sau đó, BBI Việt Nam chuyển tiền về tài khoản của các thành viên theo tỉ lệ 0,05% mỗi ngày, tức là thấp hơn hàng trăm lần so với mức chiết khấu mà thành viên nhận từ mỗi giao dịch.
Vì tỉ lệ chuyển tiền về tài khoản thành viên (đầu ra) thấp hơn hàng trăm lần so với tiền vào (chiết khấu theo giao dịch), nên BBI Việt Nam khẳng định dòng tiền luôn dương. Ngoài ra, nếu thành viên rút tiền ra khỏi tài khoản để chi tiêu qua BBI Mall, họ lại tiếp tục đóng góp vào dòng tiền.
Vậy dòng tiền có thể cạn kiệt hay không? Nhân vật trong video khẳng định dòng tiền BBI Mall chỉ có thể cạn kiệt khi không còn người nào tiêu dùng. Viễn cảnh này bất khả thi vì chừng nào con người còn tồn tại, họ sẽ luôn phải tiêu dùng.
Với dòng tiền luôn dương, BBI Việt Nam sẽ làm gì? Họ sẽ dùng tiền để đầu tư vào bất động sản, du lịch, dịch vụ, bán lẻ, chữa bệnh. Cụ thể, công ty sẽ xây chung cư, siêu thị, khách sạn và nhiều dạng công trình khác. Khi đó, thành viên có thể dùng khoản tiền mà họ nhận từ quá trình tích điểm để mua chung cư, đi du lịch, chữa bệnh hay mua hàng.
Nhân vật trong video tuyên bố rằng, khi hệ sinh thái của BBI Việt Nam hình thành, thành viên sẽ không phải rút tiền khỏi tài khoản, mà có thể chi tiêu ngay những dịch vụ, sản phẩm trong hệ sinh thái.
'Bản chất hoạt động của BBI Mall là kinh doanh đa cấp bất chính'
Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó phòng Tranh tụng, công ty Luật TGS - (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định rằng công ty BBI Việt Nam đưa ra mô hình ứng dụng mua sắm online BBI Mall mang tên "thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử", nghe có vẻ phù hợp với xu hướng mua sắm qua mạng hiện nay nhưng thực tế đây chỉ là "vỏ bọc", bản chất của hoạt động này vẫn là kinh doanh đa cấp trái phép.
Hình thức kinh doanh đa cấp về bản chất là không xấu, theo luật sư Hùng, nhưng nếu biến tướng, hoạt động trái pháp luật sẽ trở thành kinh doanh bất chính.
Dấu hiệu để nhận biết đa cấp biến tướng gồm: Sản phẩm không tốt hay sản phẩm không có thật, không thể thấy hoặc không có giá trị giao dịch. Thay vì mục đích là bán hàng hóa, hoạt động đa cấp bất chính sẽ thu lại lợi nhuận chủ yếu từ việc tuyển thêm người tham gia, kích thích đầu tư nhằm đem lại nguồn thu cho các thành viên với những cam kết sẽ có khoản lợi nhuận cao.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó phòng Tranh tụng, công ty Luật TGS. Ảnh: TGS
Nghị định 40/2018/NĐ – CP được ban hành để quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Điều 3 Chương I qui đinh kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp là doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để bán hàng hóa. Người tham gia bán hàng đa cấp là cá nhân giao kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
"Hoạt động của công ty BBI Việt Nam hiện nay đang có dấu hiệu không nhắm tới việc bán hàng, kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích huy động để người sử dụng nộp tiền vào hệ thống nhằm hưởng lãi, quyền lợi ảo. Nói cách khác, công ty này đang có dấu hiệu lừa đảo", ông Hùng nhấn mạnh.