Tương lai thị trường streaming nhìn từ cú lao dốc không phanh của Netflix
Tuần qua, việc ông lớn streaming Netflix công bố kết quả kinh doanh ảm đạm khiến cuộc cạnh tranh giữa các công ty streaming lại được nhắc đến trên nhiều mặt báo.
Netflix cho biết hãng có thể sẽ mất khoảng 2 triệu người dùng trả phí trong vài tháng tới vì cạnh tranh tăng mạnh, thị trường Mỹ bão hoà và quyết định tăng giá dịch vụ trong lúc người dùng phải đối mặt với lạm phát.
Sau khi công bố thông tin trên, giá cổ phiếu của Netflix giảm tới 40%. Vốn hoá công ty tụt xuống mốc 97 tỷ USD từ đỉnh cao 300 tỷ USD ghi nhận hồi tháng 11 năm ngoái.
Cuộc đua nội dung
Kết quả kinh doanh ảm đạm của Netflix là một dấu hiệu cho thấy giai đoạn thử nghiệm của mảng streaming với các đặc điểm như tăng trưởng nhanh và đầu tư không giới hạn đã kết thúc.
Khi Netflix ra mắt dịch vụ streaming của mình tại Mỹ vào năm 2007, nó được nhìn nhận là một định dạng nội dung mới “giải phóng” người dùng khỏi chiếc TV truyền thống và chi phí truyền hình cáp đắt đỏ.
Ban đầu, người dùng Netflix chỉ được xem các nội dung có sẵn mà Netflix mua bản quyền từ các đơn vị sản xuất nội dung khác. Nhưng vào năm 2012, cùng năm Netflix ra mắt ở Anh, Netflix bắt đầu tự phát triển nội dung. Netflix làm thay đổi trải nghiệm nội dung với TV truyền thống bằng cách ra mắt toàn bộ các tập phim cùng lúc, điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể xem hết nội dung mà không cần đợi chờ.
Netflix trở thành một thành công lớn. Trong 10 năm, Netflix có được gần 222 triệu người dùng đăng ký ở 190 quốc gia, tăng hơn 750%. Cuối năm ngoái, dịch vụ này lần đầu có lãi.
Thế đang lên của Netflix được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ thông thoáng và thị trường vốn thuận lợi. Điều này cho phép các công ty có thể mạnh tay chi tiền miễn là các nhà đầu tư tin vào chiến lược của nó. Trong bối cảnh lãi suất thấp, các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm lợi nhuận sẵn sàng đầu tư vào Netflix, từ đó cấp vốn cho việc đầu tư vào nội dung của Netflix.
Từ năm 2018 đến năm 2021, Netflix đổ 55 tỷ USD vào sản xuất nội dung để cạnh tranh với các mạng nội dung và các stuido Hollywood khác. Động thái của Netflix kích hoạt đợt đầu mạnh vào nội dung của các công ty ở mảng streaming. Năm 2019, Amazon thậm chí chi tới 1 tỷ USD cho chỉ 1 chương trình TV.
“Một trong những lý do mọi người đầu tư mạnh trong thời gian từ năm 2017 đến năm 2019 là lý thuyết cho rằng trong vòng 2 – 3 năm tới, họ chỉ việc có thêm người dùng đăng ký mới”, cựu lãnh đạo một dịch vụ streaming lớn nói.
Thế nhưng, cuộc chạy đua nội dung không hề giảm tốc vì các công ty mới, trường vốn liên tục tiến vào thị trường. Trong khi đó, nhiều người phải ở nhà vì COVID-19 cũng làm số lượng người xem tăng mạnh. Các công ty truyền thông Mỹ tổng cộng đã chi tới 100 tỷ USD cho nội dung trong năm nay. Trong số này, 17 tỷ USD thuộc về Netflix.
Các nhà đầu tư "chuyển kênh"
Cho tới gần đây, Phố Wall vẫn ủng hộ việc đầu tư mạnh vào streaming. Tuy nhiên, tâm lý lúc này đã bắt đầu thay đổi. Tháng 2 năm nay, khi Paramount công bố dịch vụ streaming Paramount Plus, giá cổ phiếu của nó đã giảm tới 20% trong phiên giao dịch một ngày sau đó.
Phố Wall không tin việc tập trung vào streaming có thể cải thiện kết quả kinh doanh của Paramount. Dù vậy, với những gì Netflix công bố vào tháng này, một thực tế đã được xác nhận: cho dù nội dung tuyệt vời đến mức nào, các công ty streaming cũng không thể tạo ra được mức lợi nhuận như những gì các công ty phim và TV có ở thời kỳ trước đây.
“Streaming không phải một mô hình kinh tế như truyền hình cáp”, cựu lãnh đạo một dịch vụ streaming nói. “Mức phí để “sao chép” được thị trường truyền hình cáp thực sự lớn””, ông nói thêm.
Tuần này, Netflix công bố hàng loạt biện pháp để bù lại cho việc người dùng đăng ký giảm sút. Trong buổi chia sẻ với các nhà đầu tư, ông Spencer Neumann, giám đốc tài chính Netflix, nói rằng công ty “sẽ rút lại một số khoản tăng trưởng chi tiêu”. Dù vậy, Netflix vẫn khẳng định số tiền mà nó chi ra để sản xuất nội dung vẫn lớn hơn so với các đối thủ. Bên cạnh đó, Netflix cũng có thể đang cân răc ra mắt một gói nội dung với giá thấp hơn song kèm theo quảng cáo.
Bên cạnh đó, cải tiến lớn nhất mà Netflix cần thực hiện là nâng cao chất lượng nội dung, ông Reed Hastings, đồng sáng lập Netflix thừa nhận.
“Nội dung của Netflix, đặc biệt là các nội dung tiếng Anh, không tương xứng với mức độ đầu tư”, ông Rich Greenfield, một nhà phân tích tại LightShed, nói.
Nội dung là lĩnh vực mà Netflix cũng đang hứng chịu cạnh tranh lớn nhất từ các đối thủ, nhất là các công ty có nhiều danh tiếng và kinh nghiệm ở mảng giải trí như HBO, Disney, NBCUniversal và Paramount. Đó là chưa kể đến các công ty như Amazon hay Apple cũng không ngại chi tiền.
Ông Ted Sarandos, đồng CEO Netflix phụ trách nội dung, khẳng định Netflix đang có những “bộ phim phổ biến nhất và được xem nhiều nhất trên thế giới”. Ông nói thêm rằng Netflix vẫn là một “người mới” khi nhắc đến sáng tạo nội dung. “Chúng tôi mới làm điều này trong 10 năm, ít hơn các đối thủ khác tới 90 năm”, ông chia sẻ.
Thế nhưng, Phố Wall có vẻ đã hết kiên nhẫn. Một số nhà phân tích thúc giục công ty thay đổi chiến lược chi tiền cho streaming. Với việc Sony đang kiếm tiền bằng cách bán phim và chương trình TV cho các công ty streaming, ông Greenfield nhận định một số studio truyền thống cũng có thể sẽ từ bỏ mảng streaming và trở thành nhà cung cấp nội dung.