Tương lai của Twitter
Ngày đầu tiên nắm quyền công ty, tỷ phú Elon Musk đã "tống cổ" 4 nhân sự cấp cao của Twitter, trong đó có CEO Parag Agrawal. Một tuần sau đó, Twitter đã gửi email tới một nửa nhân sự công ty, thông báo rằng họ đã bị sa thải, dù rất nhiều người trong số họ đang làm việc ngày đêm để đáp ứng những yêu cầu của ông chủ mới.
Twitter cho biết công ty buộc lòng phải đi đến quyết định này vì tương lai tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, tỷ phú Elon Musk đã lên tiếng đổ lỗi các nhà hoạt động đang khiến nhà quảng cáo rời bỏ Twitter nhiều hơn.
Điều đó khiến doanh thu từ quảng cáo của mạng xã hội này sụt giảm mạnh, buộc vị tỷ phú phải đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ. Ông đang cùng các cộng sự bàn thảo mọi phương án để đưa công ty đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và có lãi, trong đó có kế hoạch thu phí tài khoản tick xanh.
Trên đây là những gì đã diễn ra một tuần qua tại Twitter. Trước mắt, mạng xã hội này sắp phải đối mặt với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ giữa kỳ và vấn đề kiểm duyệt thông tin sai lệch đang được lo lắng hơn bao giờ hết. Theo The Verge, động thái sa thải hàng loạt đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực của Twitter, trong đó có các nhóm liên quan đến sự tin tưởng và an toàn sản phẩm, chính sách, truyền thông, quản lý tweet, AI có đạo đức, khoa học dữ liệu, nghiên cứu, máy học và thậm chí là một số nhóm kỹ thuật lõi.
Twitter cũng đã sa thải hàng loạt vị trí quản lý như Arnaud Weber, Phó chủ tịch kỹ thuật sản phẩm tiêu dùng và Tony Haile, giám đốc cấp cao về sản phẩm giám sát công việc của Twitter với các nhà xuất bản tin tức.
Dường như mục tiêu cắt giảm chi phí cho Twitter của Elon Musk đang đi quá xa. Theo The Verge, các nhân sự ở lĩnh vực dịch vụ lưu trữ đám mây còn ở lại Twitter cảm thấy lo lắng về tương lai sắp tới. Họ lo ngại công ty sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì cơ sở hạ tầng quan trọng trong ngắn hạn. Một nhân viên giấu tên cho biết: “Điều tồi tệ sắp bắt đầu xảy ra".
Mây dông đang chờ
Trong một email gửi tới những nhân viên còn sót lại sau đợt sa thải lớn này, Twitter thông báo rằng trụ sở chính sẽ tạm thời đóng cửa và sẽ được mở lại vào ngày 7/11. Trong thời gian này, mọi biển hiệu cũng bị đình chỉ.
Công ty cho biết Elon Musk sẽ dành thời gian chia sẻ với nhân viên Twitter những ý tưởng về tương lai của công ty trong thời gian sớm nhất. Tuần tới, Twitter dự kiến sẽ đưa ra nhiều thông tin hơn nhằm giải đáp những hoài nghi của đội ngũ nhân sự.
Theo Reuters, Elon Musk đã chỉ đạo các nhóm của Twitter tìm cách tiết kiệm tới 1 tỷ USD chi phí cơ sở hạ tầng hàng năm. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Twitter có thể khó lòng đảm bảo các sự kiện có lưu lượng truy cập cao như Bầu cử giữa kỳ của Mỹ.
Công ty đang đặt mục tiêu tiết kiệm từ 1,5 triệu đến 3 triệu USD mỗi ngày từ máy chủ và dịch vụ đám mây. Twitter hiện đang lỗ khoảng 3 triệu USD mỗi ngày.
Việc cắt giảm cơ sở hạ tầng nghiêm trọng có thể khiến trang web và ứng dụng Twitter có nguy cơ ngừng hoạt động trong các sự kiện quan trọng khi người dùng đổ xô vào Twitter để tìm kiếm và chia sẻ thông tin.
Nền tảng truyền thông xã hội đang tìm hiểu xem có nên cắt bớt không gian máy chủ thừa được giữ lại để đảm bảo Twitter có thể xử lý lưu lượng truy cập cao hay không. " Elon Musk sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó để đáp ứng những mục tiêu này," một nhân sự giấu tên nói.
Tuy nhiên, có ý kiến quan ngại rằng lưu lượng truy cập của người dùng tăng lên có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nếu cơ sở hạ tầng không đủ khả năng đáp ứng.
Công ty Bot Sentinel, chuyên theo dõi hành vi trên Twitter đã phân tích hơn 3,1 triệu tài khoản hoạt động hàng ngày trên nền tảng này. Họ tin rằng khoảng 877.000 tài khoản đã bị ngừng hoạt động và 497.000 tài khoản khác đã bị đình chỉ từ ngày 27/10 đến 1/11. Con số này cao hơn gấp đôi so với con số thông thường.
Christopher Bouzy, người sáng lập Bot Sentinel cho biết: “Chúng tôi đã quan sát thấy sự gia tăng về số người hủy kích hoạt tài khoản của họ và cả Twitter cũng tạm ngưng tài khoản."
Số liệu của Bot Sentinel cho thấy nhiều tài khoản đã hủy hoặc bị tạm ngưng sau khi Elon Musk tiếp quản Twitter. Hiện, số người dùng của Twitter đạt ở mức khoảng 237 triệu.
Ông Bouzy cho biết: “Chúng tôi tin rằng sự gia tăng về việc ngừng hoạt động là kết quả của việc mọi người không hài lòng với việc Elon Musk mua Twitter và quyết định hủy kích hoạt tài khoản của họ để phản đối.
Điều này chắc chắn là một tín hiệu không vui với nền tảng này trong bối cảnh tỷ phú Elon Musk đang muốn Twitter kiếm tiền nhiều hơn. Twitter đang phải chịu khoản lãi 1 tỷ USD/năm từ các chủ nợ đã tài trợ cho thương vụ mua lại của Elon Musk. Do đó, vị tỷ phú liên tục thúc đẩy hoạt động kiếm tiền và đầu tiên là ý tưởng thu phí tài khoản tick xanh với mức giá 8 USD/tháng. Nhưng, nguồn thu từ Twitter Blue là chưa đủ.
Theo tờ Quartz, Elon Musk sẽ cần hơn 10 triệu người mua Twitter Blue để thanh toán khoản lãi vay 1 tỷ USD/năm. Hiện tại, Twitter có khoảng 400.000 người dùng có dấu tick xanh, tương đương 38 triệu USD/năm nếu tất cả những người này mua dịch vụ trên của Elon Musk. Như vậy, rất khó để Elon Musk có thể tăng số lượng đó lên 25 lần. Do đó, ông sẽ cần thêm nhiều ý tưởng kiếm tiền hơn.
Twitter như một công ty khởi nghiệp
Theo cây viết Christopher Mims của tờ The Wall Street Journal, Elon Musk đang coi Twitter như một startup. Và vấn đề của các công ty khởi nghiệp là đa phần đều thất bại, điển hình là các công ty khởi nghiệp công nghệ.
Elon Musk có thể tạo ra nhiều thay đổi to lớn với một công ty có quy mô nhỏ. Điều này có thể được chứng minh qua SpaceX, Tesla và PayPal. Nhưng, Twitter không phải là một công ty khởi nghiệp, đó là một công ty đã lớn mạnh và Elon Musk có thể sẽ thất bại nếu ông hành động quá nóng vội, thay đổi quá nhiều thứ cùng một lúc.
Trong quá khứ, Elon Musk đã tạo ra nhiều thành tựu mà người ta cho là không thể, nhưng Twitter là một loại thách thức hoàn toàn khác so với những gì ông đã đối mặt trước đây.
Hiện tại, Twitter có một núi vấn đề để giải quyết. Nhân sự bị cắt giảm hàng loạt, kết quả kinh doanh bết bát, các thuật toán phải thay đổi và điều chỉnh... nhưng hoạt động tái thiết của Elon Musk vẫn chưa thấy dấu hiệu tích cực giữa sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô.
Elon Musk với khả năng lãnh đạo của mình đã đưa hãng xe điện vô danh Tesla trở thành ông lớn trong ngành với giá trị vốn hóa vượt qua 1.000 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao, biến SpaceX thành công ty tư nhân đầu tiên đưa người lên vũ trụ. Vậy người giàu nhất hành tinh sẽ làm gì với bài toán Twitter?