Từng là 'cái nôi cho startup công nghệ', thời kỳ vàng son của Thung lũng Silicon dần trôi vào dĩ vãng
Sau nhiều năm đứng trên đỉnh cao danh vọng, còn được coi là “cái nôi của ngành công nghệ”, Thung lũng Silicon đang chìm trong đợt bán tháo tồi tệ nhất kể từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2008, theo NBC News.
Sự thoái trào của các công ty công nghệ
Sau khi đại dịch bùng phát, các công ty công nghệ đã trải qua thời gian bùng nổ, nhưng hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong số đó đã trải qua 6 tháng tồi tệ nhất với tư cách là các doanh nghiệp niêm yết.
Peloton, một startup về thiết bị tập thể dục, là minh chứng cụ thể cho sự lao dốc này. Giá cổ phiếu Peloton từng đạt đỉnh 163 USD/cổ phiếu vào cuối năm 2020, nhưng tính đến tháng 5 đã tụt dốc xuống còn 17 USD/cổ phiếu. Gần đây, tờ The Wall Street Journal đưa tin các Giám đốc điều hành của công ty đang tìm cách bán cổ phần thiểu số cho một nhà đầu tư bên ngoài.
David Sacks, một nhà đầu tư mạo hiểm ở San Francisco và là cựu Giám đốc điều hành của PayPal đã đăng một dòng tweet đề cập đến những ngày hỗn loạn của đầu những năm 2000: “Tâm lý của các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon đang rơi vào trạng thái bất ổn nhất kể từ sau bong bóng dot-com”.
Các công ty công nghệ thường dễ bị tổn thương trong thời kỳ suy thoái kinh tế, bởi vì hầu hết doanh nghiệp giai đoạn đầu không có lãi, thay vào đó, họ sống sót dựa vào các khoản đầu tư mạo hiểm, trang trải chi phí trong khi tập trung vào tăng trưởng nhanh. Những cách làm như vậy gặp khó khi nhu cầu tiêu dùng bắt đầu chậm lại.
Những công ty đã huy động được hàng triệu USD để trở thành “kỳ lân” trong 18 tháng qua gần đây bắt đầu gặp trục trặc. Những tên tuổi nổi bật có thể kể tới công ty chuyên video-clip nổi tiếng Cameo; ứng dụng giao dịch thị trường chứng khoán Robinhood; Thrasio, công ty mua và bán các thương hiệu của bên thứ ba trên Amazon; và cũng như ứng dụng làm việc nhóm Workrise.
Một số người đã bắt đầu sử dụng cụm từ “zombie unicorns” (kỳ lân thây ma) để chỉ các startup được đánh giá cao, nhưng đang lung lay và có thể cần các nhà đầu tư mới để giải cứu họ.
“Phần lớn điều này xảy đến với các công ty chưa bao giờ nghĩ rằng các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ ngừng rót vốn”, Dan Primack, một nhà báo chuyên về tài chính và công nghệ của Axios cho biết.
Các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ thận trọng hơn khi rót vốn
Sự lao dốc diện rộng đang khiến một số nhà quan sát tạm dừng và suy nghĩ về tình trạng chung của ngành công nghệ hiện tại. Tâm lý đã thay đổi: Môi trường kinh tế hiện nay tương đối bất ổn và các công ty công nghệ bắt đầu đứng trên một con dốc, theo miêu tả của nhà đầu tư mạo hiểm Dan Rose, giống như một “vực thẳm”.
Một nhà đầu tư công nghệ khác, Zach Coelius, chia sẻ rằng những năm gần đây đã chứng kiến sự bùng nổ trong nguồn vốn công nghệ. Tuy nhiên, sự bùng nổ này dường như đã đi tới hồi kết.
Trong một cuộc phỏng vấn, Coelius cho biết lãi suất thấp và lượng nhà đầu tư dồi dào đã giúp các doanh nhân công nghệ dễ dàng thành lập và phát triển doanh nghiệp trong thập kỷ qua. Điều này đã thay đổi trong vài năm gần đây.
“Các nhà đầu tư thường ký séc và rót tiền một cách nhanh chóng. Chính điều này đã hình thành tâm lý FOMO (lo sợ lỡ những cơ hội lớn). Mọi người đều nghĩ rằng phải thật nhanh chân, nếu không sẽ là người thua cuộc”, theo chia sẻ của Zach Coelius.
Ông nói thêm rằng áp lực bắt đầu gia tăng vào đầu năm nay, khi lãi suất bắt đầu tăng và các thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu lao dốc. Tình hình trở nên tồi tệ hơn sau mùa báo cáo tài chính quý I cũng như đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, khi các công ty công nghệ công bố những kết quả đáng thất vọng.
“Mùa báo cáo tài chính quý I thực sự đã cung cấp rất nhiều điều cho các nhà đầu tư. Hầu như tất cả công ty công nghệ lớn đều không đạt được kết quả giống như ước tính của các nhà phân tích, khiến tình hình trở nên tương đối tồi tệ”, Zach Coelius nói thêm.
Việc bán tháo bắt đầu vào mùa đông năm 2021 và kéo dài đến nửa đầu năm 2022 trong bối cảnh lo ngại về biến thể omicron và những bước đi mới của Cục Dự trữ Liên bang. Xung đột tại Ukraine, giá dầu tăng và lạm phát cao hơn đều là nguyên nhân dẫn đến việc các thị trường lao dốc. Một trong những ảnh hưởng nặng nề nhất đối với thế giới công nghệ đến vào cuối tháng 4, khi Amazon công bố kết quả quý I tệ hại và đưa ra dự báo ảm đạm về phần còn lại của năm nay.
Coelius cho biết, giờ đây, các startup công nghệ sẽ không thể huy động tiền dễ dàng như vậy, buộc họ phải tiết kiệm tiền mặt và thu hẹp các kế hoạch tăng trưởng. “Kiên nhẫn là yếu tố quan trọng ở thời điểm hiện tại. Bạn không cần phải căng thẳng về việc trở thành công ty phát triển nhanh nhất trên thế giới”, Zach Coelius nhấn mạnh.
Ông tin rằng việc cần làm của các startup coogn nghệ thời điểm hiện tại là tập trung vào việc cải thiện sản phẩm cũng như phát triển với tốc độ bền vững hơn.
Bill Gurley, đối tác chung của công ty đầu tư mạo hiểm Benchmark, cho biết một số công ty khởi nghiệp công nghệ trước đây không cảm thấy áp lực trong việc tạo ra lợi nhuận thì nay sẽ phải làn như vậy, đồng thời cần thận trọng hơn với các khoản chi phí.
Ngoài ra, việc các công ty công nghệ lớn cắt giảm hàng loạt nhân sự cũng khiến ngành công nghệ nói chung chịu ảnh hưởng, các nhà đầu tư đặt ra dấu hỏi về định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Ví dụ, Meta đã công bố kế hoạch tạm dừng tuyển dụng nhân sự chỉ vài ngày trước sự rời đi của COO Sheryl Sandberg. Ngoài ra, còn có rất nhiều công ty công nghệ khác tại Thung lũng Silicon cũng có kế hoạch tương tự.
Theo Bloomberg, ánh hào quang của Thung lũng Silicon, nơi được coi là “cái nôi cho startup công nghệ” rõ ràng là đang mờ dần. Dù vậy, ở đâu đó vẫn có những tín hiệu tích cực, giúp các công ty công nghệ có thể vững tin hơn. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp tại bang California hiện đang ở mức 2%, thấp nhất kể từ năm 1999.