|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tundra Vietnam tiếp tục bị rút quĩ trong tháng 11 kém khởi sắc, tháng 12 có khả quan trở lại khi nắm tỉ trọng lớn MSN?

15:50 | 09/12/2019
Chia sẻ
Tundra Vietnam Fund tiếp tục bị rút quĩ trong tháng 11 khi hiệu suất của quĩ sụt giảm 2,2%. Hai nhóm cổ phiếu kéo giảm hiệu quả đầu tư tháng vừa qua là Ngân hàng và Bất động sản. Tuần đầu tháng 12, quĩ ngoại này chứng kiến đợt sụt giảm gần 13,6% của cổ phiếu chiếm tỉ trọng thứ hai trong danh mục là MSN.

Tundra Vietnam Fund có tháng 11 tồi tệ nhất trong 6 tháng trở lại đây

Quĩ chuyên "đánh game" nâng hạng Tundra Vietnam Fund công bố báo cáo kết quả đầu tư tháng 11 kém tích cực. Cụ thể, giá trị tài sản ròng (NAV) của quĩ sụt giảm 2,2% (tính theo USD) trong tháng 11, cao hơn so với chỉ số tham chiếu với 1,2%. 

Đây là đợt sụt giảm NAV mạnh nhất của quĩ ngoại này trong 6 tháng trở lại đây, ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp. Kết quả đầu tư kém tích cực tháng vừa qua chủ yếu do tác động của cổ phiếu nhóm Ngân hàng (CTG và STB) và Bất động sản (DXG và LDG). 

Động thái bán ròng của khối ngoại tại cổ phiếu Tài chính và qui định siết chặt cho vay với nhóm Bất động sản là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gọi kí quĩ (margin calls) đối với nhà đầu tư cá nhân, Tundra Vietnam Fund đánh giá. 

Cụ thể, khối ngoại bán ròng 40 triệu USD tháng 11 và thanh khoản toàn thị trường bình quân ngày ở mức 206 triệu USD, tăng 12% so với trung bình tháng trước.

Song song với nhóm Ngân hàng và Bất động sản, cổ phiếu khác cũng tác động tiêu cực lên hiệu suất đầu tư của quĩ là FPT. Cổ phiếu này đã tăng lên mức cao nhất trong 12 năm nhờ việc chấp thuận vào ETF giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài (FOL ETF).

Không riêng FPT, động thái chốt lời các cổ phiếu Bluechip FOL diễn ra trên diện rộng, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11. Đây đều là những cổ phiếu có tỉ lệ sinh lợi tốt trong các tháng trước đó.

Ở chiều ngược lại, Tundra Vietnam Fund cho rằng quĩ này đã nắm giữ tỉ trọng thấp cổ phiếu Tiêu dùng thiết yếu (MSN, VNM), đây là hai mã có hiệu suất tương đối tích cực.

Hiệu suất đầu tư đạt 4,5% sau 11 tháng, Tundra Vietnam Fund tiếp tục bị rút ròng

Tu1

Hiệu suất đầu tư của Tundra Vietnam Fund. Nguồn: Tundra Vietnam Fund

Lũy kế đến hết tháng 11, hiệu suất đầu tư của Tundra Vietnam Fund đạt 4,5% (tính theo USD), thấp hơn đáng kể so với hiệu suất 10,7% của chỉ số tham chiếu (FTSE Vietnam TR). 

Với kết quả đầu tư không mấy tích cực, Tundra Vietnam Fund liên tục bị rút ròng. Số liệu tại ngày 30/11, tài sản dưới quyền quản lí (AuM) của quĩ tiếp tục giảm so với tháng 10 (45,3 triệu USD), xuống mức thấp nhất là 43,6 triệu USD. Thời điểm cao nhất, AuM của Tundra Vietnam Fund lên tới 225,8 triệu USD (tháng 4/2018).

Tháng 12 có khởi sắc trở lại khi Tundra Vietnam nắm tỉ trọng lớn MSN?

Trải qua hai tháng sụt giảm NAV liên tục, liệu Tundra Vietnam Fund có cải thiện hiệu suất trong tháng cuối cùng năm 2019 đầy biến động? Nhìn vào danh mục đầu tư của quĩ này thì triển vọng trong tháng 12 không mấy khả quan. 

A4

Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất danh mục của Tundra Vietnam Fund. Nguồn: Tundra Vietnam Fund

Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất của Tundra Vietnam Fund, FPT và MSN là hai mã chiếm tỉ trọng lớn nhất, lần lượt là 8,6% và 5,7%. Tháng 11, giá hai cổ phếu này giảm 2,6% và 5,7%. Tỉ lệ giảm giá của mã MSN chỉ đứng sau cổ phiếu DXG với 8,4%.

Nối tiếp đà lao dốc trong tháng 11, cổ phiếu MSN của Masan Group tiếp tục giảm giá mạnh trong tháng 12. Đóng cửa phiên giao dịch 9/12, cổ phiếu MSN ở 60.500 đồng/cp, giảm gần 13,6% so với thời điểm cuối tháng trước. Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu MSN giảm sâu là động thái bán ròng của khối ngoại. Tuần giao dịch (2 - 6/12), cổ phiếu MSN bị bán ròng gần 418 tỉ đồng, dẫn đầu sàn HOSE.

Với việc nắm giữ tỉ trọng lớn cổ phiếu MSN, nếu mã này không có nhịp hồi phục trong những phiên giao dịch còn lại của tháng 12, hiệu suất đầu tư của Tundra Vietnam Fund có thể bị sụt giảm đáng kể.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực trong danh mục 10 mã chiếm tỉ trọng lớn của Tundra Vietnam Fund đến từ hai cổ phiếu Thép là HSG và HPG. Hai cổ phiếu này tăng giá mạnh nhất trong danh mục của quĩ ngoại này trong tháng 11. Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 12, hai cổ phiếu HSG và HPG tiếp tục thu hút dòng tiền trên thị trường và giao dịch khởi sắc.

Trở lại đánh giá tổng quan chung môi trường đầu tư, nhận xét của Tundra Vietnam đang cho thấy sự kì vọng không lớn của quĩ ngoại này.

Bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam phát đi nhiều tín hiệu trái chiều, Tundra Vietnam Fund bình luận.

Theo đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (Purchasing Manager Index - PMI) tăng lên 51 từ 50 trong tháng 10. Điều này cho thấy sản lượng và đơn hàng mới cải thiện không đáng kể.

Bên cạnh đó, vốn FDI đã giải ngân tăng 6,8% so với cùng kì năm ngoái, đạt 17,6 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm. Trong khi, vốn FDI đăng kí giảm 11,4% xuống còn 20,5 tỉ USD. Sự suy giảm vốn FDI này đến từ nhóm Bất động sản trong bối cảnh lãnh vực sản suất đang bão hòa. 

Một số yếu vĩ mô khác là lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát và tăng 3,5% so với cùng kì năm ngoái. Việt Nam đạt thặng dư thương mại 9,1 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 7,8% so với cùng kì năm ngoái. Tổng giá trị xuất nhập khẩu vượt 500 tỉ USD, tương đương 200% GDP.

Phan Quân