|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hàng loạt quĩ qui mô vừa bị rút ròng mạnh khỏi TTCK Việt Nam: Viễn cảnh buồn khi Dragon Capital, VinaCapital cũng đang đầu tư thua xa VN-Index

19:23 | 27/11/2019
Chia sẻ
Với năm 2019 đầy biến động, các quĩ ngoại đang đối mặt với thách thức khi có hiệu suất thấp hơn thị trường (underperformance), đơn cử như các quĩ lớn VEIL, VOF hay các quĩ qui mô vừa như Tundra Vietnam Fund, Vietnam Holding Limited.

2019 viết tiếp câu chuyện "khó nhằn" của chứng khóan Việt?

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2018 khó khăn khi VN-Index lao dốc ngay sau thời điểm trở lại mốc đỉnh lịch sử của 10 năm về trước là 1.204,33 điểm vào tháng 4. Tưởng chừng thị trường khởi sắc trở lại trong năm 2019 với tín hiệu hồi phục mạnh vào quí đầu năm, nhưng mọi thứ khó hơn khi VN-Index đột ngột lao dốc khi "năm lần, bẩy lượt" chinh phục mốc kháng cự tâm lí 1.000 điểm.

Đáng chú ý hơn, chỉ trong 12 phiên giao dịch (7 – 22/11), VN-Index mất đến 57,21 điểm từ mức cao nhất 1.028,45 điểm ngày 7/11. Cú lao dốc trong ngắn hạn này xóa tan chuỗi tăng điểm của VN-Index trong 6 tháng liên tiếp.

Cùng với đà lao dốc mạnh của thị trường là việc dòng tiền lớn bị rút ròng. Trong phiên giảm điểm mạnh ngày 21/11, khối tự doanh của công ty chứng khoán bán ròng 807 tỉ đồng, tương ứng khối lượng trên 22 triệu đơn vị. Hoạt động bán ròng tập trung vào nhóm VN30 trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 11 của chỉ số này.

Động thái trên khiến không ít nhà đầu tư liên tưởng đến khả năng VN30 bị thao túng trong ngày đáo hạn phái sinh hoặc một quĩ ETF nào đó tham chiếu VN30 bị rút ròng. Nhưng điều này vẫn đang dừng lại là nghi vấn của nhà đầu tư và chưa có một cơ sở nào để kết luận.

VNI

Diễn biến các chỉ số thị trường kể từ đầu năm 2019. Nguồn: VNDirect

Trở lại câu chuyện thị trường, chỉ còn hơn một tháng nữa là khép lại năm 2019 đầy biến động. Đóng cửa phiên giao dịch 27/11, VN-Index ở 978,17 điểm, tăng 85,63 điểm so với đầu năm, tương ứng tỉ lệ tăng 9,59%.

Nếu chỉ nhìn vào VN-Index và mức tăng điểm, nhà đầu tư chắc hẳn khó hình dung về việc những cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử được thiết lập vào tháng 4/2018 khi VN-Index vượt 1.200 điểm như các mã FPT, VCB, MWG, PHR. 

Sự phân hóa mạnh của thị trường cũng khiến không ít nhà đầu tư "lỡ nhịp" với tâm lí "nước lên, bèo lên" hay việc dự đoán các cổ phiếu sẽ tăng theo nhóm tạo nên sóng ngành như diễn biến của những năm trước đó.

Thậm chí, cùng là cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành ngân hàng, trái ngược với việc VCB liên tục phá đỉnh, mã TCB của Techcombank lại vẫn đang "dò đáy" mặc dù có kết quả kinh doanh khởi sắc.

Gần một tháng nữa hết năm 2019, Dragon Capital và VinaCapital đang buồn

Sự phân hóa mạnh của cổ phiếu bluechip không chỉ là thách thức với nhà đầu tư cá nhân mà còn là trở lại với hàng loạt các tổ chức, đặc biệt là các quĩ ngoại mặc dù sở hữu hàng chục mã trong danh mục. Tính đến ngày 27/11, hàng loạt các quĩ ngoại đang có hiệu suất thấp hơn (underperform) so với thị trường chung (tham chiếu VN-Index).

VEIL

Hiệu suất đầu tư của VEIL tính đến ngày 21/11. Nguồn: VEIL

Người viết tổng hợp dữ liệu từ Bloomberg tại ngày 26/11, hiệu suất đầu tư của Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) – thành viên của Dragon Capital đạt 7,22% kể từ đầu năm, thấp hơn khoảng 2,3% so với VN-Index. 

Được biết, VEIL là quĩ có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị tài sản ròng (NAV) khoảng 1,15 tỉ bảng Anh (hơn 1,51 tỉ USD) tính đến ngày 25/11, lớn nhất tại Việt Nam.

Với quy mô NAV như hiện nay, phí quản lí quĩ của VEIL ở mức 2%. Nếu trừ đi phí quản lí này, tạm tính lợi suất mà nhà đầu tư của VEIL nhận về khoảng 5,2%, thấp hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm kì hạn 1 năm tại Việt Nam (khoảng 7 – 8%).

Điều đáng nói hơn là với mức hiệu suất như vậy, VEIL chấm dứt chuỗi 4 năm chiến thắng VN-Index liên tiếp 2014 – 2018.

Cùng với Dragon Capital, một quĩ ngoại quen thuộc của nhà đầu tư trên thị trường là VinaCapital cũng chứng kiến kết quả đầu tư không mấy khả quan.

Cập nhật dữ liệu từ Bloomberg tại ngày 26/11, hiệu suất của quĩ lớn nhất nhóm VinaCapital - VinaCapital Vietnam Opportunity (VOF) cũng chỉ đạt khoảng 2,7% kể từ đầu năm nay, thấp hơn đáng kể so với hiệu suất của VN-Index.

Với qui mô tài sản khoảng 723 triệu bảng Anh (tương đương 935 triệu USD), phí quản lí quĩ của VOF là 1,5%. Như vậy, nhà đầu tư của VOF tạm tính nhận về khoảng 1,2%. Lợi suất này thấp hơn lợi suất phi rủi ro, tạm tham chiếu bằng lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kì hạn 1 năm (1,969% - số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam tại ngày 27/11).

Kết quả trên chắc hẳn nhiều nhà đầu tư không mong muốn khi lựa chọn một đơn vị chuyên nghiệp như VinaCapital.

Kết quả kém khả quan, quĩ ngoại qui mô vừa liên tục bị rút ròng

Không riêng Dragon Capital và VinaCapital, các quĩ ngoại qui mô vừa trên thị trường cứng khoán Việt Nam cũng đang có hiệu quả đầu tư thấp hơn chỉ số tham chiếu (benchmark). 

Tundra

Hiệu suất đầu tư theo tháng của Tundra Vietnam Fund. Nguồn: TVF

Điển hình, quĩ chuyên "đánh game" nâng hạng - Tundra Vietnam Fund đạt hiệu suất đầu tư 6,9% tính đến cuối tháng 10, thấp hơn hiệu suất chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam (12%).

Với kết quả không mấy khả quan này, Tundra Vietnam Fund nhiều khả năng tiếp tục có năm thứ 6 liên tiếp đạt kết quả thấp hơn so với tăng trưởng bình quân thị trường chứng khoán Việt Nam (tham chiếu VN-Index).

Trước đó, năm 2017 chứng kiến hiệu suất tốt nhất với 39,2% kể từ khi quĩ ngoại này đầu tư vào TTCK Việt Nam tháng 5/2014. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận này vẫn thấp hơn mức tăng 52,75% của VN-Index.

VN32

Với kết quả đầu tư không mấy tích cực, Tundra Vietnam Fund liên tục bị rút ròng. Số liệu tại ngày 31/10, tài sản dưới quyền quản lí (AuM) của quĩ giảm xuống mức thấp nhất là 45,3 triệu USD. Thời điểm cao nhất, AuM của Tundra Vietnam Fund lên tới 225,8 triệu USD.

Cùng với sụt giảm về AuM, danh mục đầu tư của Tundra Vietnam Fund chỉ còn 35 cổ phiếu, giảm 5 mã so với thời điểm đầu năm. Tháng 2/2018, danh mục của Tundra Vietnam lên tới 46 cổ phiếu.

VHN

Trạng thái liên tục underperfomance của Vietnam Holding. Nguồn: VHL

Quĩ ngoại khác theo trường phái đầu tư giá trị là Vietnam Holding Limited cũng đang bị rút ròng trong bối cảnh hiệu suất đầu tư liên tục thấp hơn so với chỉ số tham chiếu. 

Ghi nhận tại ngày 31/10, số chứng chỉ quĩ của quĩ ngoại Vietnam Holding Limited đạt 51,01 triệu ccq, thấp hơn số 53,6 triệu ccq thời điểm đầu năm nay. Như vậy, quĩ này bị rút ròng gần 2,6 triệu ccq trong 10 tháng đầu năm.

Mức lợi suất của Vietnam Holding Limited đạt được khoảng 6,5% trong 10 tháng đầu năm, với phí quản lí quĩ 1,5%, nhà đầu tư của Vietnam Holding Limited tạm ghi nhận đang "thua" gửi tiết kiệm ngân hàng tại Việt Nam.

Cùng tình trạng với hai quĩ đóng trên, quĩ mở Vietnam Phoenix Fund Limited (Class A) cũng bị rút ròng trong 10 tháng đầu năm nay. Thời điểm 31/1, số chứng chỉ quĩ của Vietnam Phoenix Fund Limited (Class A) là 169,8 triệu ccq, giảm xuống còn 84,7 triệu ccq vào cuối tháng 10.

Trao đổi với người viết, một vị chuyên gia có nhiều năm tư vấn quĩ ngoại cho biết, trạng thái sinh lời thấp hơn thị trường (underperformance) khiến các quĩ khó huy động vốn từ các cá nhân và tổ chức để đầu tư vào thị trường Việt Nam, thậm chí là bị rút ròng. Khi bị rút ròng, áp lực bán ra từ các quĩ quay trở lại tác động tiêu cực lên thị trường.

Do đó, việc rút ngắn khoảng cách giữa hiệu suất đầu tư và các chỉ số tham chiếu của các quĩ ngoại là vấn đề cần quan tâm. Từ giờ cho đến hết năm 2019 chỉ còn hơn một tháng nữa, bài toán về hiệu suất đầu tư chắc hẳn sẽ làm "đau đầu" với các quĩ ngoại?

Phan Quân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.