Tuân thủ Basel II: M&A ngân hàng sẽ có sự chuyển biến
"NHNN tiếp tục thúc đẩy việc mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện các TCTD thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn", đó là một trong những giải pháp cơ cấu lại ngân hàng được nêu ra tại Đề án 1058 về cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Trong năm 2018, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng tương đối im ắng. Câu hỏi đặt ra là liệu năm 2019, M&A ngân hàng có sôi động hơn? Xung quanh vấn đề này, Thời báo Ngân hàng đã có trao đổi nhanh với TS-LS. Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight.
Theo ông, một trong những vấn đề then chốt của hệ thống ngân hàng năm 2019 là gì?
Đó là tăng vốn. Theo quy định, đến năm 2020 các ngân hàng phải đảm bảo mức vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Thông tư 41 đòi hỏi các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% theo tiêu chuẩn mới, khiến tất cả các ngân hàng phải thay đổi cách tính toán để phù hợp với quy định.
Với việc gia tăng về dự phòng rủi ro, khả năng cao là không ít ngân hàng sẽ có tỷ lệ an toàn vốn tính theo Thông tư 41 dưới 8%, thậm chí thấp hơn. Đây là rủi ro của cả hệ thống. Đây cũng là thời điểm mà các ngân hàng buộc phải có phương án tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR theo quy định mới.
Vậy có thể xem đây là cơ sở dự báo cho việc M&A sẽ sôi động hơn thời gian tới?
Điều này không sai. Việc các ngân hàng phải áp dụng theo chuẩn mực vốn của Basel II là áp lực rất lớn, nhưng cũng là động lực để nhiều nhà băng phải nghĩ tới bài toán sáp nhập để lớn mạnh hơn. Từ cách đây vài năm, cơ quan điều hành đã có gợi ý tới khả năng toàn hệ thống chỉ cần 15 - 17 ngân hàng có quy mô tương đối lớn và có sức khoẻ tài chính vững vàng là đủ.
Nhưng trên thực tế, hiện nay số lượng ngân hàng trong hệ thống vẫn còn khá nhiều. Câu chuyện tuân thủ theo các chuẩn mực an toàn vốn của Basel II, chỉ cần thực hiện đúng lộ trình đã đề ra, chắc chắn sẽ khiến hệ thống tự động có sự sàng lọc, mà không cần tới biện pháp hành chính. Những ngân hàng nhỏ không đủ nội lực đáp ứng được yêu cầu về vốn sẽ phải tính tới phương án sáp nhập.
Vì vậy tôi cho rằng, M&A ngân hàng từ năm 2019 sẽ có sự chuyển biến nhiều hơn so với 2 - 3 năm vừa qua.
Về lâu dài, để khiến hoạt động M&A ngân hàng thật sự hiệu quả hơn, theo ông cần tới điều gì?
Các hình thức M&A trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay ở Việt Nam còn đang rất giới hạn. Ví dụ, pháp luật Việt Nam quy định các NHTM chỉ được phép sáp nhập, hợp nhất. Nếu thực hiện mua lại một TCTD khác thì NHTM chỉ được mua toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, mà không được mua lại một ngân hàng khác.
Trong khi đó, pháp luật ở nhiều quốc gia khác, như trường hợp luật của Canada, không có giới hạn về điểm này khi cho phép các loại hình doanh nghiệp khác được phép mua một phần hay toàn bộ cổ phần của các ngân hàng (có sự cho phép của Thống đốc NHTW Canada).
Đến một thời điểm, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu pháp luật các nước, để có những thay đổi phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Một trong số đó là việc xem xét và tính toán để ngân hàng không nhất thiết phải sáp nhập 100%, mà có thể nhận sáp nhập từng phần, như tại pháp luật của nhiều quốc gia khác có quy định.
Đơn cử như nếu trong một thương vụ ngân hàng A mua ngân hàng B - có quy mô nhỏ hơn: hoạt động tín dụng của ngân hàng B không thật sự tốt thì ngân hàng A sẽ tạm thời bỏ qua, nhưng mảng thu dịch vụ phát triển tốt thì ngân hàng A có thể chỉ sáp nhập mảng dịch vụ trước, sau đó mới tính tới việc tái cấu trúc dần để nhận sáp nhập hoàn toàn ngân hàng B, không cần phải sáp nhập hoàn toàn cùng một thời điểm.
Việc M&A từng phần nhằm mục đích đẩy nhanh tốc độ của hoạt động M&A và gia tăng giá trị của mỗi thương vụ M&A. Khi vận hành theo đúng cơ chế thị trường, hoạt động M&A sẽ sôi động và các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ có cơ hội để cải thiện sức khoẻ của mình.
Xin cảm ơn ông!