Tuân thủ Basel 2: Chỉ tăng vốn thôi là chưa đủ!
Ảnh minh hoạ
Theo đó, bên cạnh rủi ro tín dụng, các ngân hàng còn phải có đủ vốn để xử lý cả rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Chính vì vậy, mặc dù hiện CAR của các ngân hàng đều ở trên ngưỡng tối thiểu theo quy định hiện hành là 9%, song nếu tính theo Thông tư 41, sẽ có không ít nhà băng không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu. Tăng vốn được xem là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để các nhà băng có thể nhanh chóng đảm bảo CAR theo chuẩn basel 2, bởi việc thu hẹp quy mô tài sản là điều mà các nhà băng không hề muốn vì nó sẽ ảnh hưởng tới vấn đề doanh thu, lợi nhuận.
Đó chính là lý do tăng vốn điều lệ luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của các nhà băng trong mấy năm gần đây. Lấy ví dụ hoạt động của khối NHTMCP. Năm 2018 vừa qua đã chứng kiến làn sóng tăng vốn mạnh mẽ của các ngân hàng trong khối cổ phần.
Trong đó ấn tượng nhất phải kể tới Techcombank khi trong năm qua vốn điều lệ của nhà băng này đã tăng gấp 3 lần lên 35.000 tỷ đồng. Hay như VPBank cũng đã tăng vốn điều lệ 10.500 tỷ đồng lên 25.300 tỷ đồng; MB cũng tăng vốn điều lệ hơn 3.400 tỷ đồng lên 21.600 tỷ đồng…Theo đó, bên cạnh rủi ro tín dụng, các ngân hàng còn phải có đủ vốn để xử lý cả rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.
Chính vì vậy, mặc dù hiện CAR của các ngân hàng đều ở trên ngưỡng tối thiểu theo quy định hiện hành là 9%, song nếu tính theo Thông tư 41, sẽ có không ít nhà băng không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu. Tăng vốn được xem là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay để các nhà băng có thể nhanh chóng đảm bảo CAR theo chuẩn basel 2, bởi việc thu hẹp quy mô tài sản là điều mà các nhà băng không hề muốn vì nó sẽ ảnh hưởng tới vấn đề doanh thu, lợi nhuận.
Theo thống kê của NHNN Việt Nam, nếu như năm qua vốn điều lệ toàn hệ thống tăng thêm 63.909 tỷ đồng lên 576.338 tỷ đồng (tương đương tăng 14,47%), thì riêng vốn điều lệ của khối NHTMCP đã tăng tới 52.443 tỷ đồng lên 267.234 tỷ đồng (tương đương tăng 24,42%), cao gấp 8 lần tốc độ tăng vốn điều lệ của khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài và gấp 300 lần so với khối NHTM Nhà nước. Bên cạnh tăng vốn điều lệ, không ít ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Nhờ đó vốn tự có khối này cũng tăng 16,36% lên 338.183 tỷ đồng.
Song song với việc tăng vốn điều lệ và vốn tự có, để cải thiện hệ số CAR các nhà băng còn cố gắng tiết chế đà tăng trưởng tổng tài sản. Theo đó, trong năm qua tổng tài sản của các ngân hàng trong khối cổ phần chỉ tăng có 13,07% lên 4.554.977 tỷ đồng; thấp hơn nhiều mức tăng 17,62% của năm 2017 và cũng thấp hơn mức tăng trưởng vốn điều lệ và vốn tự có của khối này.
Thế nhưng bất chấp những nỗ lực trên, CAR của khối NHTMCP chẳng những không được cải thiện mà lại giảm xuống còn 11,24% vào cuối năm 2018 từ mức 11,47% của cuối năm 2017. Ngược lại, dù trong năm qua vốn điều lệ của khối NHTM Nhà nước hầu như bất động, chỉ tăng 0,08% lên 147.890 tỷ đồng; vốn tự có cũng chỉ tăng 5,48% lên 268.599 tỷ đồng; trong khi tổng tài sản tăng 6,42% lên 4.863.353 tỷ đồng. Thế nhưng, đến cuối năm 2018 CAR của khối này vẫn giữ nguyên như cuối năm 2017 là 9,52%.
Điều đó chỉ có thể được lý giải là do tài sản của khối NHTMCP có mức độ rủi ro lớn hơn nhiều trong năm qua. Cũng là điều dễ hiểu khi mà trong năm qua đã có không ít nhà băng thuộc khối này đẩy mạnh cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng… - những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao hơn, song cũng có mức độ rủi ro lớn hơn.
Thực tế đó cũng cho thấy, chỉ tăng vốn thôi là chưa đủ để giúp các nhà băng cải thiện hệ số CAR, nếu như họ không tích cực lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản theo hướng an toàn, hiệu quả hơn.
Ngay cả khi đã đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn (bao gồm cả việc đảm bảo đủ vốn cho rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường) thì các ngân hàng mới chỉ đáp ứng được trụ cột thứ nhất của Basel 2. Tức vẫn còn 2 trụ cột nữa đòi hỏi các ngân hàng phải tuân thủ, bao gồm trụ cột 2 là nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ…; và trụ cột 3 là tăng cường công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động của ngân hàng, tuân thủ kỷ luật thị trường.
Đó chính là lý do dù trong năm qua đã có khá nhiều ngân hàng tăng mạnh vốn điều lệ, thế nhưng đến cuối năm mới chỉ có 3 ngân hàng được công nhận là đã đáp ứng chuẩn Basel 2 là Vietcombank, VIB và OCB.
Chỉ còn chưa đầy 10 tháng nữa là Thông tư 41 sẽ chính thức có hiệu lực. Thời gian không còn nhiều, song cũng không phải là quá khó khăn để các ngân hàng có thể tuân thủ được các yêu cầu đặt ra của thông tư này. Vấn đề là các ngân hàng có dám hy sinh những lợi ích trước mắt (lợi nhuận trong ngắn hạn) để hướng tới một mục tiêu lâu dài hay không?