|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 8 - 12/6: Khối ngoại trở lại mua ròng sau ba tuần xả liên tiếp, rót 600 tỉ đồng vào chứng chỉ quĩ ETF nội

08:02 | 13/06/2020
Chia sẻ
Thống kê giao dịch trên HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 202 tỉ đồng cổ phiếu nhưng mua ròng 603 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua ghi nhận ba phiên giảm điểm và hai phiên tăng trước khi kết thúc tuần ở mức 863,52 điểm, giảm 22,70 điểm, tương đương 2,56% so với cuối tuần trước.

Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần qua đều giảm điểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí, nhóm cổ phiếu bất động sản và nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức giảm lần lượt 5,82%, 2,55% và 2,05%.

Tuy nhiên, khối lượng và giá trị giao dịch trung bình phiên tuần qua trên sàn HOSE đều tăng mạnh, mức tăng lần lượt là 31,24% và 23,91% lên 589 triệu cổ phiếu và 8.102 tỉ đồng mỗi phiên.

Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại đã quay đầu mua ròng hơn 418 tỉ đồng toàn thị trường tuần qua.

Khối ngoại gom hơn 600 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội trên HOSE

Thống kê giao dịch trên HOSE, NĐT nước ngoài mua ròng 397 tỉ đồng với khối lượng 21,4 triệu đơn vị. Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu và chứng chỉ quĩ ghi nhận giá trị mua/bán trái chiều.

Theo đó, khối ngoại xả 25,2 triệu cổ phiếu với giá trị bán ròng tương ứng 202 tỉ đồng nhưng mua ròng 52,1 đơn vị chứng chỉ quĩ với giá trị tương đương 603 tỉ đồng.

Về giá trị cụ thể, tại giao dịch chứng chỉ quĩ, dòng vốn ngoại đổ mạnh vào hai mã FUEVFVND và FUESSVFL lần lượt 524,45 tỉ đồng và 104,74 tỉ đồng.

Tuần 8 - 12/6: Khối ngoại rót 600 tỉ đồng vào chứng chỉ quĩ ETF nội, trở lại mua ròng toàn thị trường sau ba tuần xả liên tiếp - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Tại giao dịch cổ phiếu, khối ngoại tập trung rót vốn vào cổ phiếu VHM (280,65 tỉ đồng). Trong tuần, mã này ghi nhận giao dịch thỏa thuận 1,33 triệu đơn vị vào phiên 11/6, giá trị tương đương 103 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài gom dưới trăm tỉ cổ phiếu ngân hàng gồm VCB (89,26 tỉ đồng) và BID (44,15 tỉ đồng).

Mặt khác, mã KDC ghi nhận giá trị mua ròng 80,19 tỉ đồng. Liên quan đến cổ phiếu của Kido, phía nội bộ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Trần Lệ Nguyên mới đây thông tin mua vào 1,8 triệu cổ phần KDC trong thời gian từ ngày 8/5 – 5/6, nâng tỉ lệ sở hữu công ty lên 14,95% vốn điều lệ.

Cùng với đó, khối ngoại mua ròng cổ phiếu GAS (42 tỉ đồng), NLG (38,86 tỉ đồng), PHR (34,21 tỉ đồng) và PLX (32,4 tỉ đồng).

Diễn biến trái chiều, khối này tập trung áp lực bán ròng lên cổ phiếu HPG và CII lần lượt 136,26 tỉ đồng và 102,64 tỉ đồng.

Hoạt động bán ròng mạnh mẽ cổ phiếu Hòa Phát của khối ngoại bất chấp thông tin tích cực về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 với doanh thu hợp nhất dự kiến trong năm nay là 86.000 tỉ đồng, tăng trưởng 35% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế ước tính 9.000 tỉ đồng, tăng gần 19%.

Cùng chiều, cổ phiếu PDR ghi nhận giá trị bán ròng 95,31 tỉ đồng sau khi mã này bị loại khỏi danh mục FTSE Vietnam Index. Kết quả này đúng như dự báo của các công ty chứng khoán với nguyên nhân cổ phiếu không đáp ứng tiêu chí thanh khoản.

Cũng trong nhóm bất động sản, khối ngoại bán ròng mã TDH của Thuduc House (88,16 tỉ đồng). Mới đây, Thuduc House cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức trong tháng 6 với tổng giá trị chuyển nhượng gần 88 tỉ đồng.

Mặt khác, khối ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu MSN (77,36 tỉ đồng). Mã này xuất hiện giao dịch trao tay 3 triệu cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch 193 tỉ đồng phiên bán tháo gần 12.000 tỉ đồng ngày 11/6. Đồng thời, cổ phiếu này cũng giảm sàn trong phiên này trước áp lực bán cuối phiên.

Bên cạnh đó, khối ngoại thoái vốn khỏi mã VRE (71,05 tỉ đồng), PC1 (59,16 tỉ đồng), KBC (56,2 tỉ đồng), VJC (54,23 tỉ đồng) và VIC (43,65 tỉ đồng).

NĐT nước ngoài tập trung bán ròng SHB sau thông tin về kế hoạch "chuyển nhà" lên HOSE

Giao dịch trên sàn HNX, khối ngoại thoái ròng 61,4 tỉ đồng với khối lượng 6,9 triệu cổ phiếu. Hoạt động bán ròng của NĐT ngoại diễn ra tất cả phiên trong tuần.

Tuần 8 - 12/6: Khối ngoại rót 600 tỉ đồng vào chứng chỉ quĩ ETF nội, trở lại mua ròng toàn thị trường sau ba tuần xả liên tiếp - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Tại phía bán ròng, cổ phiếu SHB dẫn đầu với giá trị 37,15 tỉ đồng. Thông tin tích cực liên quan đến mã này, ngày 10/6, Ngân hàng SHB và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã kí kết thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Mặt khác, trong kì ĐHĐCĐ năm nay, SHB lên kế hoạch lãi gần 3.300 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2019. Đáng chú ý, SHB dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch chuyển sàn từ HNX sang HOSE.

Nói về lí do chuyển sàn, ban lãnh đạo SHB cho hay ngày 7/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 32 QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sáp nhập HNX và HOSE.

Ngoài ra, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi cổ phiếu PVS (13,66 tỉ đồng), SHS (11,38 tỉ đồng), ART (3,8 tỉ đồng), PGS (2,9 tỉ đồng) và SD6 (1,7 tỉ đồng). Một số mã chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại còn có THT, PVC, TNG và PVX.

Tại chiều mua ròng, cổ phiếu VCS thu hút NĐT nước ngoài gom gần 4 tỉ đồng, theo sau là LHC (1,9 tỉ đồng), AMV (1,6 tỉ đồng) và NTP (1,1 tỉ đồng). Khối ngoại còn mua ròng dưới 1 tỉ đồng các mã TIG, PVB, CEO, BVS, IDV, HHG.

Mục tiêu niêm yết trên HOSE năm 2020, VIB dẫn đầu phía mua ròng tại UPCoM

Tại thị trường UPCoM, hoạt động mua ròng diễn ra tất cả phiên tuần qua với tổng giá trị 82,7 tỉ đồng, tuy nhiên khối lượng bán ròng 349.758 cổ phiếu. Đà mua ròng của khối ngoại thu hẹp dần về cuối tuần.

Tuần 8 - 12/6: Khối ngoại rót 600 tỉ đồng vào chứng chỉ quĩ ETF nội, trở lại mua ròng toàn thị trường sau ba tuần xả liên tiếp - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Tương tự SHB, VIB cũng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm nay. Ngoài ra, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 tối thiểu 4.500 tỉ đồng, tăng hơn 10% so với năm trước.

Trong tuần qua, khối ngoại gom nhiều nhất cổ phiếu VIB (26 tỉ đồng), kế đến là ACV (24,1 tỉ đồng) và LPB (16,09 tỉ đồng). Cùng với đó, NĐT nước ngoài mua ròng trên 10 tỉ đồng mã VTP (11,6 tỉ đồng), OIL (11,1 tỉ đồng) và VEA (10,3 tỉ đồng). Cổ phiếu thu hút dòng vốn ngoại còn có MCH (7,7 tỉ đồng), FOX, VGI và MH3.

Ngược lại, UPCoM ghi nhận duy nhất mã KDF bị bán ròng 10,8 tỉ đồng. Trong khi đó, các cổ phiếu cùng chiều đều có giá trị bán ròng dưới 10 tỉ đồng. Đơn cử, khối ngoại xả NTC (6,6 tỉ đồng), NTC, VLC, MSR, KSH….

Ánh Hường