Tuần 8 - 12/11: Khối ngoại thu hẹp quy mô bán ròng, đẩy mạnh gom cổ phiếu ngân hàng
VN-Index dừng chân ở vùng đỉnh mới, khối ngoại giảm bán ròng
Thị trường trong nước mở cửa tuần bằng một phiên giao dịch thành công khi lượng cổ phiếu khổng lồ từ phiên giao dịch kỷ lục 3/11 về tài khoản. Trong 3 phiên tiếp theo, chỉ số lui về lấy đà tích lũy khi chỉ dao động trong biên độ hẹp trước khi bật tăng trong chiều thứ Sáu và dừng lại ở mức cao nhất trong tuần.
Khép lại tuần thứ 46 của năm 2021, VN-Index có thêm 16,86 điểm (1,16%), thiết lập đỉnh lịch sử mới tại 1.473, 37 điểm.
Tương tự, HNX-Index tăng 13,99 điểm (3,27%) lên mức 441,63 điểm, UPCoM-Index tăng 2,46 điểm (2,27%) đạt 110,66 điểm.
Dòng tiền ồ ạt ổ vào thị trường đưa giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 30.977 tỷ đồng, giảm 2,21% so với tuần kỷ lục trước đó nhưng vẫn tăng 28,56% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Sau khi bán ròng mạnh gần 2.000 tỷ đồng trong tuần trước, giao dịch nhà đầu tư ngoại có phần tích cực hơn khi chuyển mua ròng trong 3/5 phiên tại HOSE. Lũy kế trong tuần, nhóm này thu hẹp quy mô bán ròng xuống còn 1.163 tỷ đồng, trong đó bán qua khớp lệnh 912 tỷ đồng.
Sàn HOSE: Đẩy mạnh mua gom nhóm ngân hàng nhưng chốt lời nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn
Theo Fiintrade thống kê trên 18 nhóm ngành, giao dịch mua khớp lệnh chỉ diễn ra tại 7 nhóm cổ phiếu.
Cụ thể, nhà đầu tư ngoại vẫn tập trung mua gom 714 tỷ đồng cổ phiếu của các nhà băng. Quy mô giải ngân tăng mạnh hơn 2 lần so với trong tuần trước, đặc biệt trong phiên cuối tuần khi nhóm này giao dịch tích cực trở lại đẩy VN-Index lên mức đỉnh cao mới.
Nối tiếp, lực cầu trên 100 tỷ đồng còn được ghi nhận ở các nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt (117 tỷ đồng) và thực phẩm & đồ uống (113 tỷ đồng), trước khi rót ròng nhẹ hơn vào một số nhóm như hóa chất (34 tỷ đồng) và bán lẻ (33 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, giao dịch bán ròng vẫn chiếm ưu thế khi nhóm này duy trì rút ròng khỏi 11 nhóm cổ phiếu.
Chịu áp lực bán ròng mạnh nhất vẫn là nhóm bất động sản khi bị bấn ròng hơn 737 tỷ đồng, tăng gần 17%. Sau khi có nhịp điều chỉnh mạnh trong tuần trước, phần lớn các cổ phiếu bất động sản đã lấy lại điểm số đã mất khi tăng trương đối tích cực trong tuần.
Theo sau, nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng 510 tỷ đồng cổ phiếu ở nhóm dịch vụ tài chính, nối tiếp bán ròng 312 tỷ đồng cổ phiếu của các doanh nghiệp nhóm tài nguyên cơ bản. Nhìn chung, dòng vốn ngoại đang có xu hướng rút ròng khỏi những nhóm vốn hóa lớn trên thị trường cổ phiếu.
Bên cạnh đó, áp lực bán ròng còn tập trung ở các nhóm như xây dựng & vật liệu (119 tỷ đồng), dầu khí (108 tỷ đồng),...
Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán SSI là mã bị xả ròng nhiều nhất lên tới 374 tỷ đồng, tương đương 8,3 triệu đơn vị cổ phiếu. Cũng thuộc nhóm cổ phiếu chứng khoán, VND của Chứng khoán VNDirect bị bán ròng nhẹ hơn với 140 tỷ đồng.
Nối tiếp, dòng vốn ngoại tập trung rút ròng 317 tỷ đồng khỏi cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group). Phần lớn đến từ giao dịch thoái vốn của cổ đông ngoại Tael Two Partners khi quỹ này báo cáo đã bán khớp lệnh hơn 9,3 triệu cp PAN trong phiên 10/11 nhằm cơ cấu danh mục đầu tư, qua đó chấm dứt tư cách cổ đông tại PAN Group.
Là nhóm chịu áp lực rút ròng lớn nhất trong tuần, nhóm bất động sản góp mặt tại chiều mua với các đại diện NLG (189 tỷ đồng), DXG (180 tỷ đồng), NVL (111 tỷ đồng). Hai ông lớn của nhóm thép là HPG và HSG cũng bị rút ròng lần lượt 156 tỷ đồng và 124 tỷ đồng.
Trở lại chiều mua, khối ngoại rót tiền mua gom nhiều cổ phiếu của các nhà băng, với 4 đại diện góp mặt trong top10 mã được mua ròng nhiều nhất.
Cụ thể, cổ phiếu CTG dẫn đầu tại chiều mua với quy mô mua ròng lên tới 270 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại nối tiếp tìm đến STB (204 tỷ đồng), VCB (181 tỷ đồng), và HDB (99 tỷ đồng). Tuy vậy, phần lớn các cổ phiếu ngân hàng vẫn trong diễn biến đi ngang trong tuần qua với những phiên tăng giảm đan xen.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu vua, lực cầu trên 100 tỷ đồng cũng được ghi nhận ở các bluechips KDH (171 tỷ đồng) và MSN (125 tỷ đồng). Theo sau, nhóm này rót ròng nhẹ hơn vào một số cổ phiếu như GAS, PHR, VHM, KDC...
Tại HNX: Quy mô bán ròng tiếp tục thu hẹp
Tại HNX, khối ngoại mua vào với giá trị 104 tỷ đồng và bán ra với giá trị 127 tỷ đồng. Mặc dù duy trì xu hướng bán ròng 23,39 tỷ đồng, điểm tích cực là quy mô bán ròng đã giảm hơn 68% so với tuần giao dịch trước.
Trái ngược với lực cầu trong tuần trước, nhà đầu tư ngoại đảo chiều chốt lời 23,7 tỷ đồng cổ phiếu CEO sau 5 phiên tăng kịch biên độ. Nối tiếp, lực xả khối ngoại tìm đến các cổ phiếu HUT (11,5 tỷ đồng), PVS (7 tỷ đồng), HLD (6,2 tỷ đồng)...
Ở chiều mua, cổ phiếu THD của Thaiholdings là mã được giao dịch tích cực nhất với 18,4 tỷ đồng mua ròng. Dòng vốn ngoại theo sau rót ròng nhẹ hơn vào một số cổ phiếu, lần lượt là SHS (10,1 tỷ đồng), VCS (8,8 tỷ đồng), APS (4,3 tỷ đồng),...
Thị trường UPCoM: Tập trung bán ròng bộ đôi cổ phiếu QNS, HHV
Giao dịch của nhóm nhà đầu tư ngoại gần như tương đương với tuần trước khi bán ròng hơn 100 tỷ đồng tại UPCoM. Trong đó, giao dịch bán được đẩy mạnh ở hai cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi và HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả.
Cụ thể, lực xả được đẩy mạnh ở cả HHV và QNS đẩy quy mô rút ròng 2 mã này lên tới 83,6 tỷ đồng và 81 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lực cầu đối ứng giúp 2 cổ phiếu đều ghi nhận tăng điểm tích cực với 4/5 phiên tăng trong tuần.
Theo sau, lực xả nhẹ hơn xuất hiện ở một số cổ phiếu gồm VEA (13,2 tỷ đồng), RGC (6,7 tỷ đồng), TVN (3,5 tỷ đồng)...
Ở chiều mua, khối ngoại bất ngờ mua gom hơn 46 tỷ đồng cổ phiếu IDP của CTCP Sữa Quốc tế, tương đương hơn 329 nghìn đơn vị. Một số mã cũng ghi nhận giao dịch tích cực trong tuần là NTC (18,3 tỷ đồng), CLX (11,4 tỷ đồng), VTP (10,9 tỷ đồng)...