Tuần 7 – 11/8: NĐT cá nhân đẩy mạnh mua ròng hơn 1.300 tỷ đồng, tâm điểm SSI, ACB, VPB
VN-Index ghi nhận tín hiệu tạo đỉnh ngắn hạn trong tuần vừa qua quanh khu vực 1.250. Tuy nhiên, lực cầu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên cuối tuần đã giúp thị trường lấy lại được sắc xanh, đóng cửa trên vùng điểm 1.230.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index mở cửa tuần có được phiên giao dịch tích cực với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết tất cả các nhóm ngành giúp chỉ số chung bật tăng mạnh mẽ, tiệm cận lại khu vực 1.240. Tuy nhiên, lực cầu dần suy yếu, thay vào đó là sự gia tăng ở chiều bán chủ động khiến thị trường hụt hơi khi tiếp cận lại vùng điểm 1.250.
Áp lực bán mạnh vào 2 phiên ngày 9/8 và 10/8 khiến VN-Index mất điểm nhanh chóng lùi sát về 1.220. Trong phiên cuối tuần, chỉ số chung vẫn được cải thiện nhờ lực cầu đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VCB, STB tạo tiền đề tích cực giúp thị trường lấy lại sắc xanh. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.232,21 điểm, tăng 6,23 điểm, tương đương tăng 0,51% so với tuần trước.
Trước diễn biến rung lắc chưa rõ xu hướng, kịch bản dòng tiền qua kênh khớp lệnh tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi khối tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều bán ròng 226 tỷ đồng. Khối ngoại có hai tuần bán ra liên tiếp nhưng giá trị ròng tuần này tăng lên hơn 500 tỷ đồng. Tương tự, tổ chức trong nước duy trì bán ròng, trong khi NĐT cá nhân là bên mua ròng duy nhất.
NĐT là bên mua ròng duy nhất tuần VN-Index duy trì đà tăng
Trong tuần giao dịch vừa qua, nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh mua ròng 1.343 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 1.508 tỷ đồng.
Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chiếm ưu thế khi diễn ra tại 10/18 nhóm ngành. Cổ phiếu dịch vụ tài chính được mua ròng 875 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm ngân hàng (551 tỷ đồng), bất động sản (438 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (151 tỷ đồng), …
Giao dịch bên bán tập trung ở nhóm thực phẩm & đồ uống và tài nguyên cơ bản với quy mô lần lượt là 338 tỷ và 304 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm bán lẻ, công nghệ thông tin, dầu khí, du lịch & giải trí, ô tô & phụ tùng, y tế với giá trị thấp hơn.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI ghi nhận giá trị giao dịch ròng trên 469 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của khối ngoại và tổ chức trong nước.
Lực mua các cá nhân cũng tìm đến ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu với 372 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu ngân hàng như VPB (354 tỷ đồng), VCB (155 tỷ đồng), VIB (81 tỷ đồng), …
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở mã VIC với 426 tỷ đồng.
Kế tiếp, cá nhân trong nước cũng bán ròng các cổ phiếu như HPG (204 tỷ đồng), CTG (191 tỷ đồng), SSB (166 tỷ đồng), MSN (151 tỷ đồng), VNM (134 tỷ đồng). Cùng chiều, các cá nhân rút ròng dưới 100 tỷ đồng các mã HSG, MWG, EIB, MSB, SHB, STB, PTB, …
Nhà đầu tư cá nhân bán ròng khớp lệnh nhiều nhất là VIC, HPG, CTG, SSB, MSN. Có thể thấy nhà đầu tư cá nhân trong nước mua bán khá đối ứng với nhà đầu tư nước ngoài.
Tổ chức nội bán ròng khớp lệnh tuần thứ 4 liên tục, tâm điểm SSI, NVL, ACB
Giao dịch cùng chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội mua ròng 382 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 778 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 11/18 ngành, giá trị lớn nhất là dịch vụ tài chính với 554 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu bất động sản với 123 tỷ đồng.
Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước lại tìm đến cổ phiếu của các nhóm ngành như thực phẩm & đồ uống (46 tỷ đồng), dầu khí (39 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (25 tỷ đồng), du lịch & giải trí (22 tỷ đồng), …
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tập trung ở cổ phiếu SSB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á. Mã này ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 173 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội cũng mua ròng 137 tỷ đồng mã VIC.
Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn như EIB (83 tỷ đồng), VRE (63 tỷ đồng) và MSN (62 tỷ đồng).
Ở phía đối diện, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 233 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu NVL và ACB của cũng bị bán ròng lần lượt 214 tỷ đồng và 191 tỷ đồng. Danh mục top 5 rút ròng cũng có sự góp mặt của E1VFVN30 (160 tỷ đồng) & VPB (143 tỷ đồng).