|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 6 - 10/9: Tổ chức trong nước vẫn xả hơn 1.700 tỷ đồng VHM khi Vingroup báo bán xong 100 triệu cp

06:50 | 13/09/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index có thêm gần 11 điểm, tổ chức trong nước duy trì bán ròng 1.892 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, tâm điểm là giao dịch xả VHM cùng loạt cổ phiếu ngân hàng.

Khởi đầu tuần thuận lợi với phiên tăng gần 12 điểm, VN-Index tiến sát ngưỡng 1.350. Tưởng chừng ngưỡng này sẽ dễ bị chinh phục trong tuần nhưng đối mặt với áp lực chốt lời của nhà đầu tư, VN-Index đã chùn bước.

Cụ thể, chỉ số sàn HOSE có hai phiên giảm điểm vào ngày 8 và 9/9, đồng thời chạm vùng hỗ trợ 1.330. Khi thị trường tỏ ra khó khăn thì nhóm cổ phiếu bluechips đã lấy lại phong độ giúp VN-Index cân bằng trong hai phiên cuối tuần. Chỉ số đóng cửa tuần tại 1.345,31điểm, có thêm 10,66 điểm, tương đương tăng 0,7% so với mức đóng cửa cuối tuần trước.

Nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index có sự góp mặt của 2 cổ phiếu nhóm thép (HPG, HSG), 2 mã hàng không (HVN, VJC), 4 mã ngân hàng (VPB, TCB, TPB, BID), 1 cổ phiếu bán lẻ (MWG) và 1 đại diện đến từ nhóm chứng khoán (SSI).

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường, khối ngoại bán ròng khơp lệnh cả 5 phiên trong tuần, với tổng giá trị đạt hơn 2.644 tỷ đồng. Trong đó, VHM dẫn đầu danh sách bán ròng với gần 1.500 tỷ đồng, bỏ xa hai mã sau đó là SSI và VIC với giá trị bán ròng lần lượt là 459 và 440 tỷ đồng.

Giao dịch cùng chiều với NĐT ngoại, tổ chức trong nước cũng rút ròng 1.892 tỷ đồng khỏi thị trường, bất chấp nỗ lực nâng đỡ của khối tự doanh và NĐT cá nhân.

Tổ chức trong nước - Ảnh 1.

Giao dịch qua kênh khớp lệnh theo nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước chưa dừng xả cổ phiếu BĐS

Trong tuần 6 - 10/9, dòng tiền đầu tư của tổ chức trong nước vẫn duy trì như tuần trước đó với 8/18 nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhóm bất động sản chịu áp lực thoái vốn lớn nhất của khối này với 1.946 tỷ đồng. Tuần trước, dù chỉ giao dịch 3/5 phiên, cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc cũng đứng đầu danh sách các nhóm ngành bị tổ chức nội thẳng tay xả hàng.

Bất chấp những tín hiệu khởi sắc từ nhóm ngân hàng, cổ phiếu của các nhà băng đứng thứ hai về giá trị bán ròng với 406 tỷ đồng. Dòng tiền của tổ chức nội cũng rút khỏi các ngành công nghệ thông tin, xây dựng & vật liệu, hóa chất, bảo hiểm... Ngoài ra, tổ chức nội cũng chuyển hướng bán ròng nghẹ nhóm thực phầm & đồ uống.

Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước gom ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp với đại diện là các cổ phiếu vận tải, cảng biển. Như vậy, đã có sự thay đổi vị thế giao dịch của tổ chức nội ở nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp, họ quay đầu mua ròng 344 tỷ thay vì bán ròng 413 tỷ đồng trong tuần trước đó.

Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm cổ phiếu dẫn dắt như dịch vụ tài chính (đại diện là nhóm chứng khoán) và tài nguyên cơ bản (thép) với giá trị vào ròng lần lượt là 50 tỷ và 149 tỷ đồng.

Tổ chức trong nước - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tổ chức nội theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tập trung xả VHM cùng loạt mã ngân hàng

Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu VHM của Vinhomes bị NĐT tổ chức trong nước xả mạnh nhất với giá trị lên tới 1.765,5 tỷ đồng. Giao dịch bán mạnh mã này nhiều khả năng liên quan đến việc cổ đông lớn thoái vốn.

Cụ thể, Tập đoàn Vingroup vừa thông báo hoàn tất bán ra gần 100,5 triệu cổ phiếu VHM, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinhomes từ 69,66% xuống mức 66,66% vốn điều lệ.

Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận từ ngày 19/8 đến ngày 6/9, nhằm mục đích tăng nguồn vốn hoạt động và đầu tư vào công ty con. Ước tính tại mức giá bình quân trong thời gian diễn ra giao dịch là 109.200 đồng/cp, Vingroup đã thu về khoảng 10.973 tỷ đồng từ việc thoái bớt vốn tại công ty con.

Như đã đề cập bên trên, cổ phiếu của các nhà băng đứng thứ hai về giá trị bán ròng trong giao dịch của NĐT tổ chức trong nước tuần qua. Thống kê cho thấy, trong Top10 mã bị tổ chức nội rút vốn, có tới 5 đại diện đến từ nhóm ngân hàng gồm MBB (143,4 tỷ đồng), SSB (118,9 tỷ đồng), VPB (115,9 tỷ đồng), CTG (52,4 tỷ đồng) và VCB (37,5 tỷ đồng).

Ngoài ra, tổ chức trong nước cũng bán ròng dưới trăm tỷ các mã FCN, chứng chi quỹ FUEVFVND, IJC và MSN.

Tuần 6 - 10/9: Tổ chức trong nước vẫn xả hơn 1.700 tỷ đồng VHM khi Vingroup báo bán xong 100 triệu cp - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu NĐT tổ chức trong nước mua/bán ròng khớp lệnh trong tuần 6 - 10/9. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Top10 mã thu hút dòng vốn tổ chức trong nước, giao dịch APH nổi bật với giá trị vào ròng đạt 357,6 tỷ đồng. Hiện chưa có thông tin về tổ chức thực hiện giao dịch, tuy nhiên hoạt động gom cổ phiếu của An Phát Holdings diễn ra khá sôi động trong thời gian gần đây.

Cụ thể, ông Nguyễn Lê Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn An Phát Holdings cho biết đã mua thành công 1,6 triệu cổ phiếu APH trong thời gian từ ngày 18/8 đến ngày 7,9. Sau giao dịch ông Trung nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 4,45 triệu đơn vị, tương đương 2,2% vốn.

Tương tự, trong hai ngày 6, 7/9, ông Phạm Hoàng Việt, em trai Chủ tịch HĐQT Phạm Ánh Dương cũng mua khớp lệnh 600.000 cổ phiếu APH, qua đó tăng số lượng nắm giữ lên 3,45 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu là 1,7%.

Mới đây, FTSE Russell đã công bố danh mục định kỳ quý III của chỉ số FTSE Frontier Index. Theo đó, APH và 7 cổ phiếu Việt Nam (gồm THD, KDH, DGC, BWE, DHC, DGW, FTS)  được thêm mới vào rổ FTSE Frontier Index trong kỳ cơ cấu này.

Theo sau APH, dòng vốn tổ chức nội cũng giải ngân vào nhiều cổ phiếu midcaps khác như HSG (57,4 tỷ đồng), LPB (41,9 tỷ đồng), VIB (22 tỷ đồng). Danh sách mua ròng còn có sự góp mặt của TVB, HPG, VNM, TPB, NKG và VIC với giá trị 20 - 85 tỷ đồng.

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.