|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư cá nhân duy trì rót ròng khi VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm

18:56 | 12/09/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index tiếp tục tăng điểm (6 - 10/9), nhà đầu tư cá nhân tiếp tục rót ròng hơn 4.200 tỷ đồng tại HOSE. Giao dịch của các cá nhân chuyển biến tích cực khi tâm lý nhà đầu tư được cải thiện sau thông tin các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đang dần được xem xét nới lỏng.

Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua ròng khi chỉ số giữ được đà tăng điểm

Đóng cửa tuần (6 - 10/9), chỉ số duy trì đà tăng điểm trong tuần trước khi có thêm 21,45 điểm, tương đương 0,8% và dừng lại ở mức 1.345,65 điểm.

Mặc dù bật tăng mạnh trong phiên mở cửa tuần, đà tăng có phần "giảm tốc" khi áp lực bán lần lượt dâng cao khi chỉ số tiến gần vùng cản mạnh 1.350 điểm. Sau hai phiên giảm điểm trong thứ Ba và thứ Tư, VN-Index lấy lại tín hiệu tích cực sau khi các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt dần được nới lỏng.

Giá trị giao dịch bình quân trong tuần nhìn chung không chênh lệch nhiều so với tuần trước đó. Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 22.491 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,59% so với tuần trước đó.

Nhà đầu tư cá nhân duy trì rót ròng khi VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm - Ảnh 1.

Giao dịch của NĐT cá nhân theo tuần kể từ tháng 6 qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Thống kê giao dịch qua kênh khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân ghi nhận giao dịch tích cực trong cả 5/5 phiên giao dịch, trong đó lực mua lớn nhất tập trung trong 2 phiên cuối tuần khi tâm lý thị trường đồng loạt chuyển biến tích cực.

Theo đó, nhóm này mua ròng tổng cộng 4.619 tỷ đồng trên HOSE, mua qua khớp lệnh 4.298 tỷ đồng.Dòng tiền nhóm tự doanh cũng trở lại trên HOSE với quy mô mua ròng 108 tỷ đồng.

Trái chiều, khối ngoại và các tổ chức trong nước vẫn là hai lực xả chính với giá trị bán ròng lần lượt là 3.348 tỷ đồng và 2.179 tỷ đồng.

Nhà đầu tư cá nhân duy trì rót ròng khi VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Theo thống kê từ Fiinpro, các cá nhân trong nước mua ròng tại 11/18 nhóm ngành. Sau khi giảm nhẹ về quy mô giải ngân trong tuần trước do kỳ nghỉ lễ 2/9, nhóm bất động sản trở lại là "tâm điểm" thu hút lượng lớn lực cầu với hơn 3.850 tỷ đồng.

Dòng tiền duy trì tại nhóm thực phẩm & đồ uống hơn 539 tỷ đồng, gần như tương đương với quy mô rót vốn ròng trong tuần trước đó. Theo sau, cổ phiếu dịch vụ tài chính cũng quay lại thu hút 211 tỷ đồng sau tuần bán ròng trước đó.

Tại phía bán, cổ phiếu tài nguyên cơ bản với đại diện là nhóm thép chịu áp lực xả lớn nhất trong tuần. Giá trị rút ròng khớp lệnh tại nhóm này đạt 340 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền đảo chiều chốt lời hơn 280 tỷ đồng cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp sau tuần mua ròng trước đó.

Cùng chiều, dòng vốn cá nhân cũng rút ròng nhẹ hơn khỏi cổ phiếu của các nhà băng (30,1 tỷ đồng) ngay sau tuần được mua ròng trước đó.

Liên tục gom ròng cổ phiếu VHM trước ngày chốt quyền nhận cổ tức

Trong số 10 cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tại HOSE tuần qua, "anh cả" ngành bất động sản là Vinhomes (Mã: VHM) ghi nhận giao dịch tích cực nhất khi thu hút hơn 3.092 tỷ đồng.

Trước đó trong tháng 8, nhà đầu tư cá nhân đã rót ròng 4.387 tỷ đồng mua ròng cổ phiếu VHM. Như vậy, chỉ trong tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, VHM đã thu hút giá trị mua ròng bằng 70% trong cả tháng trước.

Lực cầu xuất hiện nhiều hơn khi gần đến ngày chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% vào ngày 15/9 tới đây. Dự kiến VHM sẽ phát hành 1 tỷ cổ phiếu để hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông, tăng tổng khối lượng niêm yết lên 4,35 tỷ đơn vị.

Đối ứng với lực cầu cá nhân là lực xả đến từ khối ngoại và tổ chức trong nước. Nhìn chung, giao dịch tại VHM vẫn xoay quanh câu chuyện thoái vốn của cổ đông lớn.

Nối tiếp VHM, dòng tiền cá nhân lần lượt tìm đến các bluechips VIC (459 tỷ đồng), SSI (368 tỷ đồng), VNM (269 tỷ đồng), MSN (184 tỷ đồng)...

Nhà đầu tư cá nhân duy trì rót ròng khi VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm - Ảnh 3.

Top 10 mã được mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần 16 - 20/8. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Ở phía rút ròng, giao dịch chủ yếu được ghi nhận tại cổ phiếu APH của An Phát Holdings. Mã này bị bán ròng 329 tỷ đồng, tương đương hơn 6,5 triệu đơn vị.

Tuần qua, giao dịch APH có phần "sôi động" khi Phó Chủ tịch HĐQT và em trai Chủ tịch HĐQT lần lượt báo cáo giao dịch lượng lớn cổ phiếu APH trong phiên 8/9. Tuy vậy, mã này không giữ được đà tăng và giảm điểm nhẹ trong hai phiên cuối tuần.

Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen theo sau bị bán ròng trên 227 tỷ đồng, nối tiếp, "ông lớn" HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng chịu lực xả hơn 48 tỷ đồng.

Ghi nhận trong tuần, một cá nhân là người nhà của thành viên HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đã hoàn tất bán ra 30.000 cổ phiếu trong phiên 10/9, ước tính thu về trên 1,32 tỷ đồng.

Hiện Hoa Sen đang phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ESOP (0,9% số cổ phiếu đang lưu hành) với giá 10.000 đồng/cp, gần bằng 25% thị giá cho người lao động. Số cổ phiếu này sẽ bị chuyển nhượng trong vòng 1 năm, từ ngày 15/9/2021 đến ngày 15/9/2022.

Nhóm ngân hàng tuần này có phần "hạ nhiệt" khi đóng góp tới 4 đại diện trong top10 mã bị rút ròng nhiều nhất, lần lượt là CTG, VCB, LPB, MBB. Mặc dù mua ròng SSI, các cổ phiếu VND, TVB và VCI là những đại diện nhóm công ty chứng khoán bị chốt lời nhẹ trong tuần.

Thảo Bùi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.