Tuần 25 - 29/10: Khối ngoại quay lại mua ròng sau gần 3 tháng, gom mạnh cổ phiếu ngân hàng, thép
Thị trường lên đỉnh lịch sử, khối ngoại chấm dứt 11 tuần bán ròng liên tiếp
Thị trường chứng khoán trong nước khép lại tuần giao dịch cuối tháng 10 ở mức kỷ lục mới, và là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6. Đà tăng mạnh trong phiên thứ Tư (27/10) đã đưa chỉ số bật tăng khỏi mức cản đi kèm với thanh khoản cải thiện đến hết phiên cuối tuần. Chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp góp phần cởi bỏ tâm lý e ngại của nhà đầu tư trong giai đoạn đi ngang trước đó.
VN-Index đóng cửa tuần thứ 44 của năm 2021 với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm điểm, có thêm 55.03 điểm (tương đương 3.96%) và dừng lại ở mức đỉnh mới 1.444,27 điểm.
Thanh khoản thị trường được cải thiện một phần đến từ giao dịch tái cơ cấu của các ETF. Thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 26.040 tỷ đồng, tăng 19% so với tuần trước đó và tăng 26,3% so với mức trung bình trong 5 tuần gần nhất.
Điểm sáng trong tuần là nhóm nhà đầu tư ngoại đã quay đầu mua ròng sau chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp. Sau phiên bán mạnh đầu tuần, khối ngoại đã giảm lực bán ròng trong phiên tiếp theo và chuyển mua gom trong ba ngày cuối tuần, góp phần đưa thị trường vượt lên đỉnh lịch sử. Lực cầu mạnh nhất xuất hiện trong phiên thứ Tư (27/10) với quy mô mua ròng 1.021 tỷ đồng,
Tại HOSE: Dòng tiền ngoại quay lại nhóm ngân hàng, thép, tâm điểm mua gom HPG sau 3 tuần bán ròng
Tại HOSE, khối ngoại mua vào với giá trị 8.525 tỷ đồng, đồng thời bán ra với giá trị 8.080 tỷ đồng. Với quy mô mua vào tăng hơn 20% so với tuần trước, trong khi chiều bán giảm mạnh giúp khối ngoại quay lại mua ròng sau 11 tuần liên tiếp với 445 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, nhóm này mua ròng 752 tỷ đồng.
Theo Fiintrade, tính riêng qua kênh khớp lệnh, cổ phiếu của các nhà băng bất ngờ được mua ròng mạnh nhất với 527 tỷ đồng. Trái ngược với tuần trước, sắc xanh quay trở lại chiếm chủ đạo trên nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch vừa qua (25/10 - 29/10) với 21/27 mã tăng giá, hai mã đứng tham chiếu và 4 mã giảm, giúp chỉ số giá ngành tăng 2,6%.
Nối tiếp, khối ngoại tập trung mua gom 266 tỷ đồng chứng chỉ quỹ trong tuần các quỹ ETF thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư tháng 10. Theo sau, các nhóm cổ phiếu thu hút dòng vốn ngoại lần lượt là điện, nước & xăng dầu khí đốt (337 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (297 tỷ đồng), thực phẩm và đồ uống (215 tỷ đồng)...
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu bị xả ròng nhiều nhất là nhóm bất động sản với giá trị 277 tỷ đồng. Đây có thể được xem là động thái chốt lời từ khối ngoại khi nhiều cổ phiếu ngành này đã tăng điểm mạnh trong tuần như IDJ, DIG, NLG, IDC, NDN, DRH...Nhóm này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi sau mở cửa nhờ đẩy mạnh đầu tư công và cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Bên cạnh đó, áp lực bán ròng còn tập trung ở các nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp (178 tỷ đồng), xây dựng và vật liệu (175 tỷ đồng), hóa chất (143 tỷ đồng)...
Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát có sự ngược dòng ngoạn mục khi được khối ngoại quay lại gom ròng sau 3 tuần xả ròng mạnh. Lực cầu xuất hiện trở lại sau khi Tập đoàn Hòa Phát báo lãi kỷ lục 10.350 tỷ đồng trong quý III, là quý lãi lớn nhất trong lịch sử hoạt động và tăng 170% so với cùng kỳ.
Chiếm vị trí thứ 2 trong danh mục mua ròng của nhà đầu tư ngoại là cổ phiếu GAS của PV Gas với 265 tỷ đồng. Với 3 phiên tăng điểm và 1 phiên tăng trần, GAS đã tăng hơn 11% giá trị trong tuần qua, đưa vốn hóa của GAS vượt 10 tỷ USD và là giá trị niêm yết lớn thứ 5 toàn sàn chứng khoán Việt Nam.
Là nhóm được mua ròng nhiều nhất trong tuần, có tới 3 cổ phiếu của các nhà băng góp mặt trong top10 mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất tuần qua, lần lượt là STB (243 tỷ đồng), CTG (231 tỷ đồng), VCB (146 tỷ đồng). Chứng chỉ quỹ FUESSVFL thu hút hơn 149 tỷ đồng mua ròng, bên cạnh đó, nhóm bất động sản với các đại diện VHM (238 tỷ đồng), DXG (212 tỷ đồng), KBC (119 tỷ đồng) cũng lần lượt hút vốn ngoại.
Tại chiều bán, cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long là mã bị xả ròng nhiều nhất từ các nhà đầu tư ngoại với quy mô đạt 625 tỷ đồng. Đối lập với khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân lại "mạnh tay" chi tiền mua gom mã này với giá trị lên tới 773 tỷ đồng. Theo sau, các mã cùng ngành bị bán ròng còn có VRE (246 tỷ đồng), NVL (69 tỷ đồng).
Nối tiếp, dòng vốn ngoại tập trung rút ròng khỏi các cổ phiếu VJC (440 tỷ đồng), PAN (271 tỷ đồng), VNM (103 tỷ đồng). Theo sau, lực xả dưới 100 tỷ đồng được ghi nhận ở các cổ phiếu DPM, CSV, PC1, NKG...
Tại HNX: Đẩy mạnh chốt lời TNG tại vùng đỉnh
Xu hướng bán ròng tại HNX được kéo dài khi khối ngoại mua vào với giá trị 62,44 tỷ đồng nhưng gia tăng bán ra với giá trị 231,05 tỷ đồng. Như vậy, quy mô bán ròng trong tuần là 168,6 tỷ đồng, gần gấp đôi so với tuần giao dịch liền trước.
Dẫn đầu tại chiều bán, cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG tiếp tục là mã bị bán ròng mạnh nhất 37,3 tỷ đồng. Tuy vậy, lực cầu đối ứng dồi dào giúp mã này vẫn tăng 8% giá trị sau một tuần và dừng lại ở vùng giá cao nhất trong lịch sử giao dịch 32.400 đồng/cp.
Cùng chiều, top5 cổ phiếu bị khối ngoại chốt lời nhiều nhất trong tuần qua còn có một số cái tên PVS (34,3 tỷ đồng), THD (27,3 tỷ đồng), HUT (13,9 tỷ đồng), TC6 (7,8 tỷ đồng).
Trái lại tại chiều mua, giao dịch diễn ra có phần kém sôi động khi không có mã nào được mua ròng với quy mô trên 5 tỷ đồng. Cụ thể, danh mục mua ròng lần lượt là CEO (3,2 tỷ đồng), NDN (2,9 tỷ đồng), VIG (1,9 tỷ đồng), ART (1,3 tỷ đồng), NBC (0,9 tỷ đồng).
Thị trường UPCoM: Mua ròng trở lại, tập trung ở giao dịch cổ phiếu ACG của quỹ ngoại
Có phần tích cực hơn, nhà đầu tư ngoại gia tăng mua gom tại thị trường UPCoM giúp nhóm này đảo chiều mua ròng 30,8 tỷ đồng, tập trung ở nhóm hàng gia dụng, sản xuất dầu khí.
Cổ phiếu ACG của CTCP Gỗ An Cường là mã được mua ròng nhiều nhất tuần qua với giá trị 57,7 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là giao dịch của quỹ ngoại VOF Investment Limited sau khi đăng ký mua vào 607.000 cổ phiếu từ ngày 21/10 đến ngày 19/11 nhằm cơ cấu danh mục đầu tư.
Nối tiếp, các mã được mua ròng nhẹ hơn lần lượt có BSR (12,5 tỷ đồng), VTP (7,9 tỷ đồng), ABI (5,8 tỷ đồng), PWA (4,4 tỷ đồng).
Trở lại chiều bán, giao dịch khối ngoại tập trung ở các cổ phiếu VEA (24,6 tỷ đồng), QNS (19,3 tỷ đồng), NTC (12,7 tỷ đồng), SIP (9,1 tỷ đồng), LTG (2,6 tỷ đồng)...