|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 25 - 29/1: Khối ngoại tranh thủ gom 1.570 tỷ đồng khi NĐT cá nhân hoảng loạn bán tháo

08:49 | 30/01/2021
Chia sẻ
Trong tuần thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh (25 – 29/1), nhà đầu tư đóng vai trò hỗ trợ thị khi mua ròng gần 1.570 tỷ đồng trên cả hai sàn và thị trường UPCoM. Trong đó, giá trị mua ròng trên HOSE và HNX lần lượt là 1.468 tỷ đồng và 31 tỷ đồng.

Tuần giao dịch (25 – 29/1), thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh với ba phiên giảm sâu liên tiếp (26 – 28/1). VN-Index mất hàng trăm điểm và vốn hóa thị trường bị "thổi bay" hàng chục tỷ USD chỉ sau ít phiên. Đáng chú ý nhất là phiên giảm điểm kỷ lục 28/1, VN-Index mất 73,23 điểm, tương đương mức giảm 6,67%. Phiên cuối tuần, thị trường hồi phục trở lại.

Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index ở 1.056,61 điểm, giảm 110,17 điểm, tương đương 9,44% so với tuần trước đó. Các mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số là VCB, GVR và CTG. Chiều ngược lại, MWG, VGC và OCB đóng vai trò trụ đỡ.

Ghi nhận mức giảm sâu hơn, HNX-Index mất 25,91 điểm tuần qua, tương đương 10,79%, đóng cửa tuần ở 214,21 điểm. Chỉ số giảm điểm trong 4/5 phiên tuần qua. SHS, SHB và THD là ba mã tác động lớn nhất đến đà giảm của thị trường.

Trong tuần giao dịch đen tối của thị trường chứng khoán Việt Nam, trái ngược với động thái tháo chạy của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối ngoại lại mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX, thị trường UPCoM.

Khối ngoại gom 1.468 tỷ đồng trên HOSE

Thống kê cụ thể, NĐT nước ngoài mua ròng 1.468 tỷ đồng trên sàn HOSE với khối lượng hơn 42,2 triệu đơn vị. Trong đó, giá trị mua ròng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ETF nội là 749,4 tỷ đồng và 497,6 tỷ đồng. Khối này bán ròng hơn 8,5 tỷ đồng chứng quyền tuần này.

Động thái trở lại mua ròng của khối ngoại tuần này là điểm sáng của thị trường. Tuần trước đó (18 – 22/1), NĐT nước ngoài bán ròng hơn 550 tỷ đồng trên HOSE, trong đó các cổ phiếu bị xả gần 1.043 tỷ đồng.

Khối ngoại tranh thủ gom 1.570 tỷ đồng trong tuần sóng gió của TTCK Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Top10 mã thu hút dòng vốn ngoại trong tuần qua, cổ phiếu MWG dẫn đầu với giá trị 840 tỷ đồng. Cổ phiếu MWG cũng đón nhận thông tin tức cực khi Thế Giới Di Động công bố báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2020 cho thấy cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng, bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh toàn cầu.

Cụ thể, trong năm 2020 MWG đạt 108.546 tỷ đồng doanh thu và 3.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và 2% so với năm 2019. Đáng chú ý, trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp chưa tháng nào ghi nhận lỗ.

Bên cạnh đó, khối ngoại còn mạnh tay rót vốn vào cổ phiếu VHM và NVL lần lượt 250 tỷ đồng và 220 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp liên quan là Vinhomes và Novaland cũng vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2020 tương đối tích cực. Đặc biệt, Vinhomes ghi nhạn tổng doanh thu thuần hợp nhất năm 2020 đạt 70.890 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt kỷ lục 27.839 tỷ đồng.

Cùng chiều, ghi nhận giá trị mua ròng trên trăm tỷ đồng còn có hai chứng chỉ quỹ FUEVFVND (216 tỷ đồng) và FUESSVFL (213 tỷ đồng). Cổ phiếu KBC cũng được khối ngoại mua ròng 135 tỷ đồng.

Mặt khác, dòng vốn ngoại tìm đến loạt cổ phiếu ngân hàng như STB (95 tỷ đồng), LPB (93 tỷ đồng), CTG (76 tỷ đồng), ngoài ra còn VCI (66 tỷ đồng).

Top10 cổ phiếu bị bán ròng, NĐT nước ngoài tập trung áp lực lên mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát (562 tỷ đồng) bất chấp những tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp này.

Cụ thể, năm 2020 đánh dấu nhiều kỷ lục mà Hòa Phát đạt được như lần đầu tiên Hòa Phát đạt mức sản lượng 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019; doanh thu hợp nhất 91.279 tỷ đồng, tăng 41%; lợi nhuận sau thuế 13.506 tỷ đồng, tăng 78%.

Ngoài ra, khối ngoại xả VNM (288 tỷ đồng), kế đến có VGC (161 tỷ đồng), GAS (112 tỷ đồng) và FCN (111 tỷ đồng).

Năm 2020 ghi nhận tình hình kinh doanh không mấy thuận lợi với PV GAS. Theo đó, tổng công ty đạt 64.150 tỷ đồng doanh thu thuần, 7.928 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 14% và 34% so với năm 2019. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 4 năm trở lại đây của doanh nghiệp.

Cùng chiều bán ròng, các cổ phiếu ghi nhận giá trị dưới trăm tỷ đồng như PLC (97 tỷ đồng), VRE (66 tỷ đồng), MBB (53 tỷ đồng), KDH (49 tỷ đồng) và VIC (42 tỷ đồng).

NĐT nước ngoài mua ròng 30,8 tỷ đồng trên HNX

Diễn biến tương tự, khối ngoại mua ròng 30,8 tỷ đồng trên sàn HNX trong tuần (25 – 29/1), tương ứng khối lượng 962.613 đơn vị. Hoạt động mua ròng diễn ra trong ba phiên cuối tuần trong khi khối này bán ra trong hai ngày đầu tuần. Trong phiên giảm điểm kỷ lục ngày 28/1, khối ngoại mua ròng 26,6 tỷ đồng trên HNX.

Khối ngoại tranh thủ gom 1.570 tỷ đồng trong tuần sóng gió của TTCK Việt Nam - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại phía mua ròng, khối này tập trung gòm NVB (35,7 tỷ đồng) và VCS (15,5 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các mã ghi nhận giá trị mua ròng trong tuần như SHS (8 tỷ đồng), SZB (7,5 tỷ đồng), ngoài ra còn PLC, BAX, IDV...

Ở chiều bán ròng, cổ phiếu SHB dẫn đầu với giá trị 43,5 tỷ đồng. Các mã còn lại trong top bán ròng đều ghi nhận giá trị dưới 10 tỷ đồng, đơn cử BVS (8 tỷ đồng), TNG, HUT, VIG. MBS...

Khối ngoại mua vào gần 71 tỷ đồng trên UPCoM trong tuần biến động

Tích cực hơn HNX, nhà đầu tư nước ngoài gom 70,7 tỷ đồng trên thị trường UPCoM nhưng bán ròng 624.444 đơn vị. Hoạt động mua ròng của khối ngoại diễn ra tất cả phiên trong tuần ngoại trừ ngày thứ Tư (27/1). Tâm điểm phiên 28/1, khối ngoại mua ròng gần 53 tỷ đồng.

Khối ngoại tranh thủ gom 1.570 tỷ đồng trong tuần sóng gió của TTCK Việt Nam - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Giao dịch cụ thể, khối ngoại rót vốn cho cổ phiếu ACV (21 tỷ đồng), VTP (20,5 tỷ đồng) và VEA (17 tỷ đồng). Cùng chiều mua ròng, cổ phiếu MCH ghi nhận giá trị 9,8 tỷ đồng, MML (8,4 tỷ đồng), kế đến là VGG, VGT, VGI, HC3, TWC.

Diễn biến trái chiều, dòng vốn ngoại rút ròng khỏi mã HIG (22 tỷ đồng), ngoài ra còn BSR (8,6 tỷ đồng), CTR, ADG, NTC, SGP. Một số mã khác cùng chịu áp lực bán ròng như ABC, KHB, HAC, IST.

Thu Thảo