Tuần 18-22/12: Thị trường giằng co, ROS tăng trở lại trong khi SAB giảm sâu
SAB giảm sâu trong khi ROS tăng trở lại, khối ngoại gom mạnh HPG
Tuần 18-22/12 mở đầu bằng phiên giao dịch tăng gần 23 điểm của VN-Index lên 958,06 điểm. Trong đó ngoại trừ SAB giữ giá tham chiếu thì nhiều mã vốn hóa lớn nhất HOSE đều tăng điểm, nổi bật ROS tăng trần. Góp sức lớn trong phiên giao dịch mở màn này đến từ nhóm dầu khí và ngân hàng.
Tuy nhiên, các phiên tiếp theo không duy trì được mạch tăng và giằng co quanh mốc 950 điểm. SAB là một trong những mã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường khi có đến 2 phiên giảm sàn vào ngày 19 và 20/12. Ngược lại, ROS đóng góp tích cực khi có nhiều phiên tăng trần.
Cuối tuần, SAB tăng trở lại cùng với sự khởi sắc của các mã nhóm dầu khí, bên cạnh một số mã trụ như VIC, VCB, CTG, MSN đã giúp VN-Index lấy lại mốc 950 điểm và đạt 952,32 điểm.
Số mã tăng giảm các phiên trong tuần khá cân bằng, các nhóm ngành có dấu hiệu phân hóa giữa các mã. Một cái tên nổi bật trong tuần đó là HPG với giá xanh trong tất cả các phiên. Không những vậy mã này còn được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên HOSE trong suốt tuần, góp phần lớn vào trạng thái mua ròng tuần này của khối ngoại.
Tuần 18-22/12 ghi nhận ROS tăng trở lại, SAB giảm sâu (ảnh minh họa) |
KPF tiếp tục nằm trong top tăng mạnh nhất
Trên HOSE, KPF (CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh) tăng mạnh nhất với 39,3% lên 20.550 đồng/cp. Mã này kéo dài sắc tím từ phiên giao dịch 7/12 đến nay. Tuần này đến lượt mẹ của một thành viên HĐQT đã bán ra cổ phiếu này.
ROS sau khi lọt top giảm mạnh nhất HOSE trong cả 2 tuần trước đó đã tăng trở lại và vào top những cổ phiếu tăng mạnh nhất với 18,3% lên 162.000 đồng/cp. Trong đó 3 phiên đầu tuần mã này đều tăng trần góp phần không nhỏ trong việc nâng đỡ thị trường.
Giống như vậy, VCB tăng 10,4% lên 50.800 đồng/cp và đóng góp tích cực vào chỉ số VN-Index tuần qua.
PXS (CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí) tăng 17,4% lên 8.910 đồng/cp. Ngày 20/12, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (Mã: PVX) thông báo xác nhận số tiền 102 tỷ đồng góp vốn trong đượt tăng vốn điều lệ PXS năm 2011 không nằm trong nguồn ứng hợp đồng EPC - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Top những cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất HOSE Tuần 18-22/12 |
Về phía những mã giảm mạnh nhất, CMG (CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC) giảm 30,2% xuống 31.800 đồng/cp với tất cả các phiên đều giảm sàn. Trước đó, mã này đã tăng hơn 3 lần từ đầu năm cho đến phiên 14/12.
Kế đến, SAB giảm 18,8% xuống 251.000 đồng/cp. Ghi nhận SAB giảm mạnh ngay sau phiên đấu giá thoái vốn từ SCIC và là nhân tố tác động tiêu cực nhất đến thị trường tuần qua.
Diễn biến các mã khác, TDG (CTCP Dầu khí Thái Dương) giảm 16,7% xuống 12.200 đồng/cp. PNC (CTCP Văn hóa Phương Nam) giảm 11,5% xuống 23.800 đồng/cp. Ghi nhận hai mã này đều trong top này tuần trước.
Giá cổ phiếu giảm gần 30%, lãnh đạo bán tháo tại Dầu khí Thái Dương |
Top những cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất HNX Tuần 18-22/12 |
Trên HNX, CAG (CTCP Cảng An Giang) dẫn đầu khi tăng 38% lên 15.200 đồng/cp. Kế đến, DL1 (CTCP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Công trình Công cộng Đức Long Gia Lai) tiếp tục nằm trong top khi tăng 35% lên 55.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, trong top có 3 mã thuộc nhóm dầu khí là PCG, PCN và PVB.
Về phía những mã giảm mạnh nhất, dẫn đầu là NDF (CTCP Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định) giảm 30% xuống 4.500 đồng/cp. Trong tuần, NDF đón nhận thông tin về việc chủ tịch HĐQT đã qua đời.
Sau khi nằm trong top tăng tuần trước thì GMX (CTCP Gạch ngói Gốm xây dựng Mỹ Xuân) đã giảm 19% xuống 28.700 đồng/cp. Ngoài ra, ALV, MST là những mã tiếp tục xuất hiện trong top giảm.
Top những cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất UPCoM Tuần 18-22/12 |
Trên UPCoM, dẫn đầu top tăng mạnh nhất là PEQ (CTCP Thiết bị Xăng dầu Petrolinex) với 60,3% lên 21.000 đồng/cp. Trong đó, riêng ngày 21/12 mã này tăng 40% do lần gần nhất có giao dịch trước đó cách đây một tháng vào 27/10.
Giống như vậy các mã ASD (CTCP Sông Đà Hà Nội), TAW (CTCP Cấp nước Trung An) tăng 40% và cũng ghi nhận giao dịch trở lại trong tuần qua sau thời gian dài không có giao dịch. Tuy nhiên thanh khoản rất thấp chỉ khoảng vài trăm đơn vị.
Mã giảm mạnh nhất, EFI (CTPC Đầu tư Tài chính Giáo dục) giảm nhiều nhất với 36,8% xuống 3.600 đồng/cp. Theo công bố thông tin của EFI, công ty đang có dấu hiệu thất thoát lớn về tài sản tại ngân hàng và công ty chứng khoán.
PTM (CTCP Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ ôtô PTM) sau khi dẫn đầu top giảm tuần trước thì tuần này tiếp tục giảm 18% xuống 5.900 đồng/cp.