Tuần 18 - 22/11: UPCoM đón tân binh xuất khẩu thủy sản sang châu Âu và Nhật Bản, thêm cổ phiếu rời sàn HNX
Doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm đông lạnh sang châu Âu và Nhật Bản giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 22.900 đồng/cp
Hôm nay (18/11), CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước sẽ đưa 7,2 triệu cổ phiếu THP lên thị trường UPCoM với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 22.900 đồng/cp.
Về lịch sử hình thành, tiền thân công ty là Xí nghiệp đông lạnh 32 thành lập vào năm 1987, được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 36 tỉ đồng. Từ khi hoạt động dưới hình thức CTCP, doanh nghiệp trải qua hai đợt tăng vốn lên 72,04 tỉ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 15/7, công ty có ba cổ đông lớn với tổng tỉ lệ sở hữu đạt 61% vốn điều lệ.
Trong đó, cổ đông lớn nhất là bà Nguyễn Thị Phi Anh, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty với tỉ lệ nắm giữ 45,67% vốn cổ phần. Bên cạnh đó, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT hiện sở hữu 10,16% và bà Lê Thị Minh Thảo, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc sở hữu 5,64% vốn điều lệ.
Nguồn: Bản TTTT của Thủy sản và Thương mại Thuận Phước
Thủy sản và Thương mại Thuận Phước hiện nắm giữ 100% vốn tại một công ty con là Công ty TNHH MTV Thủy sản An với vốn điều lệ đăng kí 5 tỉ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu, trong đó sản phẩm chính là tôm đông lạnh. Thực tế từ năm 2016 đến 2018, 100% sản lượng sản phẩm công ty là tôm, được sản xuất tại nhà máy đông lạnh Mỹ Sơn và Xí nghiệp đông lạnh 32.
Hiện nay công ty có hai vùng nuôi tại Huế và Bến Tre cung cấp nguyên liệu chế biến sản phẩm. Ngoài ra, công ty thu mua nguyên liệu từ các khu vực miền Trung như Quảng Nam, Quảng Trị và miền nam như Sóc Trăng…
Đáng chú ý, toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp được xuất khẩu với thị trường tiêu thụ chính là châu Âu (tỉ trọng sản lượng đạt trên 40%), theo sau là Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore.
Về kết quả kinh doanh những năm gần đây, năm 2017, công ty bị truy thu thuế chống bán phá giá hơn 943.077 USD, tương đương 22,04 tỉ đồng khiến lãi sau thuế trong năm bị điều chỉnh giảm đi còn 9,2 tỉ đồng.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp
Tuy nhiên, đến năm 2018, mặc dù doanh thu công tăng nhẹ 2,13% nhưng nhờ khoản lãi từ thanh lí bất động sản đầu tư khiến lãi sau thuế hợp nhất tăng mạnh gấp 10 lần cùng kì, đạ 92,5 tỉ đồng.
Đáng quan tâm, công ty duy trì tỉ lệ chi trả cổ tức tiền mặt tương đối ổn định qua hai năm gần đây. Cụ thể, tỉ lệ thanh toán cổ tức tiền mặt năm 2017 là 23% và cho năm 2018 là 25%. Các khoản chi trả cổ tức này đã được công ty hoàn tất.
Nguồn: Bản TTTT của Thủy sản và Thương mại Thuận Phước
Cập nhật KQKD nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần công ty đạt 898 tỉ đồng, tăng trưởng 139% so với nửa đầu năm ngoái. Theo đó, công ty thu về khoản lãi ròng 20,7 tỉ đồng, tương ứng tỉ lệ tăng 172% so với cùng kì.
Được biết, cho cả năm 2019, công ty đặt mục tiêu kinh doanh đi lùi so với năm 2018 với doanh thu thuần và LNST lần lượt là 2.200 tỉ đồng và 17 tỉ đồng. Như vậy, Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã vượt 22% chỉ tiêu lợi nhuận dù mới thực hiện 41% chỉ tiêu doanh thu năm.
Để đạt được mục tiêu trên, công ty đã có định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh tập trung vào các mặt hàng giá trị gia tăng như tôm sushi, nobashi, tôm tẩm bột… và đầu tư vào vùng nuôi nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu hay Nhật Bản…
Thêm một mã ngành nông nghiệp rời sàn HNX về UPCoM, giá tham chiếu 1.400 đồng/cp
Cùng ngày 18/11, gần 7,85 triệu cổ phiếu NDF của CTCP Chế biến Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Nam Định chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM sau khi bị hủy niêm yết trên HNX. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 1.400 đồng/cp.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cổ phiếu NDF sẽ bị hạn chế giao dịch từ hôm nay và chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Nguyên nhân là công ty chưa khắc phục được nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hủy niêm yết.
Trước đó, ngày 11/11, 7,85 triệu cổ phiếu NDF bị hủy niêm yết trên sàn HNX do công ty vi phạm nghiêm trong nghĩ vụ công bố thông tin.
Cuối tháng 7/2018, mã này từng bị tạm ngừng giao dịch do chưa công bố BCTC quí IV/2017, BCTC trong bốn quí năm 2018 và hai quí đầu năm 2019, BCTC kiểm toán năm 2017 và 2018, BCTC soát xét bán niên năm 2018 và 2019, BC thường niên năm 2017 và 2018, BC quản trị bán niên 2017, 2018 và 2019, BC quản trị năm 2017, 2018.
Được biết, Chế biến Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Nam Định tiền thân là Xí nghiệp Đông Lạnh Thịt xuất khẩu thuộc Sở Nông Lâm nghiệp Hà Nam. Năm 2000, công ty chuyển đổi thành CTCP Chế biến Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Nam Định với vốn điều lệ ban đầu 3,7 tỉ đồng.
Trải qua hai đợt tăng vốn, vốn điều lệ của công ty đạt 56,5 tỉ đồng vào năm 2014. Cùng năm, công ty đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX với mã chứng khoán NDF và giá tham chiếu phiên đầu tiên là 14.500 đồng/cp.
Tháng 6/2015, HNX chấp thuận cho công ty niêm yết bổ sung 2,2 triệu cp NDF. Theo đó, với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tổng giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn của Chế biến Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Nam Định là 78,54 tỉ đồng.
Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt; buôn bán nông – lâm sản nguyên liệu, động vật và thực phẩm; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản.
Theo BCTC quí III/2017, doanh thu lũy kế 9 tháng của công ty đạt 31 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kì; tuy nhiên LNST đạt hơn 11 tỉ đồng trong khi cùng kì ghi nhận khoản lỗ 3,2 tỉ đồng chủ yếu nhờ 26 tỉ đồng khoản thu nhập khác.