Từ vụ lừa đảo tiền ảo ở TP HCM: Cái giá của lòng tham mù quáng
Một vụ lừa đảo với hàng vạn “nạn nhân” và số tiền bay hơi lên đến cả chục ngàn tỷ đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã làm dư luận một phen rúng động. Rúng động vì số tiền quá lớn, hoạt động trong một thời gian dài với số lượng người tham gia quá đông. Nhưng nếu nhìn vào “cái gốc” của việc huy động tiền ảo là thông qua hình thức đa cấp thì … chuyện chẳng có gì đáng bàn bởi những vụ lừa đảo tương tự đã từng được cảnh báo nhưng vì lòng tham mù quáng, người ta vẫn tiếp tục lao vào.
Nhà đầu tư tập trung tại trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tố cáo bị công ty này lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỉ đồng. (Ảnh: plo.vn).
Khoan hãy nói về sự lỏng lẻo trong khâu kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, khoan hãy nói về chiêu thức lừa đảo tinh vi, ma mãnh của những kẻ cầm đầu. Ở đây, chỉ cần nhìn vào mức lợi nhuận khủng khiếp, thậm chí là phi lý thì người bình thường nhất cũng phải suy nghĩ khi đổ tiền đầu tư.
Có khi nào họ tự hỏi, công ty ấy kinh doanh gì mà lợi nhuận lên đến 48%/tháng, mặt hàng gì, sản phẩm gì mà sinh lời "siêu khủng" như vậy, trong khi, lãi suất ngân hàng cũng chỉ dao động từ 4,5 đến 7%/năm. Chưa kể, nếu huy động thêm người thân, chèo kéo thêm người tham gia cùng thì “nhà đầu tư” còn được hưởng thêm 8%/ (tức 56%/tháng). Tính sơ sơ, mức lãi suất thông qua đầu tư tiền ảo có thể gấp hàng trăm lần lãi suất ngân hàng. Thế là người người, nhà nhà, già trẻ, gái trai đua nhau lao vào cơn lốc tiền ảo với mong muốn “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhìn thấy tiền, đào thấy tiền mà không làm thì dại!
Hơn 3 vạn người đã chung một “niềm tin mù quáng” như vậy. Để rồi, khi tiền thật thành tiền ảo, khi những kẻ cầm đầu cao chạy xa bay, họ chẳng biết bấu víu vào đâu, chỉ biết than trời cho sự ngu muội của mình. Biết bao gia đình đã lâm vào cảnh bần hàn, tan cửa nát nhà, nợ nần chồng chất, anh em, họ hàng không nhìn mặt nhau… Hậu quả xã hội còn nặng nề hơn thế khi nhiều người chẳng thiết làm ăn, chỉ chăm chăm đi lôi kéo thêm người vào mạng lưới. Họ vừa là nạn nhân, vừa vô tình tiếp tay cho lừa đảo. Mặc dù các cơ quan chức năng không ít lần cảnh báo và không thừa nhận tính hợp pháp của đồng tiền này.
Kinh doanh đa cấp đã có mặt hàng trăm năm trên thế giới với mục đích là đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, không mất chi phí quảng cáo, không mất chi phí trung gian. Nhưng từ khi vào Việt Nam (gần 20 năm trở lại đây), biết bao vụ lừa đảo mang tên “đa cấp” đã diễn ra ở khắp các tỉnh, thành. Thay vì những sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng với giá cả phải chăng thì các công ty đa cấp lại tích cực “phát triển mạng lưới”. Cứ tham gia mạng lưới, cứ lôi kéo thêm nhiều người tham gia là có tiền, thậm chí rất nhiều tiền (theo lời hứa hẹn của các công ty đa cấp). Người về hưu tích cóp được ít tiền dưỡng già, người nông dân có tí tiền dự trữ, bác xe ôm chắt chiu những đồng tiền mồ hôi nước mắt… cũng “nghe người ta mách”, đổ cả vào đa cấp. Đành rằng, họ ít thông tin, bị lóa mắt bởi uy tín ảo, choáng ngợp bởi các hội thảo hoành tráng … nhưng đáng tiếc, cả những công chức nhà nước – những người có đầy đủ thông tin và sự tỉnh táo, cũng bị mê muội bởi “đồng tiền đa cấp”.
Hình ảnh các nghệ sĩ nổi tiếng bị lợi dụng tại các buổi hội thảo quảng bá và kêu gọi đầu tư tiền ảo. (Ảnh: Infonet).
Không thể cấm hoạt động kinh doanh đa cấp vì đó là quyền tự do kinh doanh nhưng rõ ràng, vẫn còn những lỗ hổng trong quy định của pháp luật cũng như công tác quản lý nhà nước về loại hình kinh doanh này. Một lượng tiền lớn thay vì chảy vào sản xuất kinh doanh, lại chảy vào túi những kẻ lừa đảo. Hàng vạn người trắng tay vì cả tin, không lẽ, các cơ quan chức năng hoàn toàn vô can?
Không thể cấm người dân “đổ tiền” vào đa cấp nhưng hết vụ lừa đảo này đến vụ lừa đảo khác dính dáng đến đa cấp, lẽ ra họ phải coi đó là “liều thuốc đắng” để hạn chế lòng tham của mình.