Từ việc xin từ chức tại VFF, nhìn lại dấu ấn bầu Đức đối với nền bóng đá Việt Nam
ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT HAGL |
Vào ngày 1/12 vừa qua tại Hà Nội, Hội nghị ban chấp hành và Đội hội thường niên của liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã được tổ chức. Nhiều vấn đề của bóng đá Việt Nam được bàn luận tại hội nghị này, trong đó có vấn đề giải quyết đơn xin từ chức của Phó chủ tịch kiêm phụ trách tài chính tại VFF của bầu Đức.
Theo thông tin mới nhất, việc xin nghỉ của bầu Đức vẫn chưa được thông qua do đa số các thành viên trong hội đồng đều muốn ông ở lại cùng với đó là việc nhiệm kỳ khóa VII (2014-2018) tại VFF vẫn còn 3 tháng nữa mới kết thúc.
Trong nhiệm kỳ khóa VII này, bầu Đức là Phó chủ tịch VFF với nhiệm vụ chính phụ trách về mảng tài chính. Dù có những phát biểu "nổ" nhưng ông lại là người thẳng thắn, nói đi đôi với làm. Là doanh nhân, ông nắm rõ những gì cần phải làm trong việc quản lý tiền bạc. Còn 3 tháng nữa mới hết nhiệm kỳ và sắp tới bóng đá Việt Nam sẽ tham gia một số giải động lớn quan trọng như vòng chung kết U23 châu Á vào đầu tháng 1/2018, thì việc VFF cần có một người đủ khả năng có thể quản lý được tài chính nhằm hỗ trợ cho việc tập huấn và thi đấu là hết sức cần thiết.
Việc xin từ chức này không phải đến những ngày gần đây mới được nhắc đến mà nó xuất phát từ tháng 9 vừa qua sau khi đội tuyển U22 Việt Nam thất bại ê chề tại Sea Games 29 tổ chức tại Malaysia, khi đó bầu Đức đã xin từ chức đúng như những gì mà ông phát biểu trước đây với truyền thông.
Người ta thường gọi ông với cái tên là "Đức nổ" do những câu nói và việc làm tưởng chừng như không giống ai. Kể đến gần nhất đó là tuyên bố hãy gọi ông là "Đức nổ" nếu lứa cầu thủ của Công Phượng không vô địch Sea Games hay trước đó ông từng nói rằng CLB của ông không cần huấn luyện giỏi. Năm 2015, ông đã làm một việc không giống ai khi đưa nguyên đội hình chỉ với những cầu thủ trẻ của lứa U19 HAGL với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, ... lên thi đấu tại giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam V-League.
Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG
Khi nhìn tiếp vào quá khứ xa hơn, bầu Đức là một trong những người tiên phong đưa đưa làn sóng các cầu thủ Thái Lan sang thi đấu tại Việt Nam, kết quả là đội bóng của ông - HAGL đã 2 lần liên tiếp vô địch V-League vào năm 2003, 2004.
Vào năm 2013, nhờ mối quan hệ của mình, ông đã mời được một trong những CLB bóng đá có đông đảo lượng fan hâm mộ nhất Việt Nam sang thi đấu giao hữu đó là Arsenal. Đây là dịp mà sức nóng từ giới truyền thông lan tỏa khắp cả nước, một loạt những hoạt động bên lề của đội bóng này đã diễn ra tạo sự thu hút lớn với người hâm mộ.
Nhắc đến Arsenal, không thể không nhắc tới học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG. Đây là học viện bóng đá mà bầu Đức đã đứng ra thành lập dưới sự hợp tác với CLB Arsenal vào năm 2007 và là học viện bóng đá đầu tiên tại Việt Nam. Theo quan điểm của ông, học viện này không chỉ là của riêng CLB HAGL mà còn là nơi ông mong muốn ươm mầm cho những thế hệ tương lai của bóng đá Việt Nam.
Cầu thủ Lương Xuân Trường và Nguyễn Tuấn Anh |
Thực tế cho thấy học viện này đã đem đến một thế hệ cầu thủ trẻ đầy tiềm năng cho bóng đá nước nhà. Những cầu thủ như Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường đã là cái tên "hot" khiến cho nhiều người phải nhắc tới.
Dù vẫn còn đó những tranh cãi về các cầu thủ thuộc lứa này nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng chính những cầu thủ trên đã là một chất xúc tác lớn, đem đến niềm tin cho người hâm mộ, thu hút được số lượng khán giả đến sân cũng như người xem trên truyền hình đông hơn.
Khoản lãi 5 tỷ đồng tạo ra từ bóng đá
Không dừng lại ở đó, bầu Đức còn chủ động liên hệ với các các CLB nước ngoài để đưa những cầu thủ này sang thi đấu, như cách nói của ông thì việc này không phải để giúp cho HAGL mạnh hơn mà là để giúp nền bóng đá Việt Nam có thêm nhiều hi vọng hơn trong tương lai.
Cũng từ lứa cầu thủ này mà CLB HAGL của bầu Đức đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi vào cuối năm 2014, nhận được tài trợ 15 tỷ đồng từ Nutifood, cộng thêm những khoản thu về quảng cáo, dịch vụ khác đã đem về cho đội bóng ước tính 5 tỷ đồng tiền lãi. Số tiền không quá lớn dành cho một đội bóng chuyên nghiệp nhưng đó là khoản lãi đầu tiên mà bầu Đức tạo ra từ bóng đá. Cần phải nhấn mạnh rằng, việc kiếm lời từ bóng đá tại Việt Nam là một điều hết sức khó khăn khi hầu hết các đội bóng đều chỉ sống dựa vào hầu bao từ các ông bầu.
Ông Đoàn Nguyên Đức và ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng). |
Thành lập VPF
Trên khía cạnh khác, vào cuối năm 2011, bầu Đức cùng với bầu Kiên (ông Nguyễn Đức Kiên - bầu Kiên, người đồng sáng lập ngân hàng TMCP Á Châu ACB) là hai thành viên chủ chốt trong việc thành lập CTCP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, nơi mà ông trở thành Phó chủ tịch.
Việc thành lập này với mục đích giúp chuyên nghiệp hóa hơn nữa cho bóng đá Việt Nam, cải tổ để V.League tốt hơn, các CLB mạnh hơn để trở thành nền tảng cho bóng đá trong nước phát triển. Tại đây, mọi CLB giải vô địch quốc gia bao gồm V-League và giải hạng nhất đều là những thành viên đóng góp vào vốn điều lệ của công ty, chiếm tới hơn 50% cổ phần tại VPF.
Sự hiện diện này đem đến sự sòng phằng giữa các CLB và ít nhiều làm giảm đi gánh nặng cho VFF đồng thời đã tạo nên một môi trường bóng đá tốt đẹp hơn dù rằng vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm. Trong đó, có các vấn đề mà ông là người gần như đơn phương độc mã đứng ra tranh luận như dấu hỏi về trọng tài, bạo lực sân cỏ hay việc tìm kiếm các nguồn tài trợ cho giải đấu. Ở đó, những lời nói của bầu Đức luôn gây chấn động dư luận mạnh mẽ khi chỉ đúng những mặt hạn chế của bóng đá Việt Nam.
Trên hết, mọi thứ không thể thay đổi một sớm một chiều, tâm huyết của ông cũng cần phải thêm rất nhiều yếu tố khác mới có thể đem lại thành công chung. Dù có yêu hay ghét thì không ai có thể bác bỏ những gì mà "Đức nổ" đã làm.