|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ Circle K quyết không nhượng bộ 7-Eleven, nói giá đề nghị mua đã cao lắm rồi

14:13 | 22/11/2024
Chia sẻ
Với sự giằng co giữa các bên liên quan, thương vụ này vẫn chưa có hồi kết. Couche-Tard - chủ sở hữu chuỗi  Circle K kiên định với mục tiêu sáp nhập toàn diện, trong khi Seven & i đang xem xét các lựa chọn khác.

Alimentation Couche-Tard, tập đoàn bán lẻ lớn của Canada, tiếp tục khẳng định mục tiêu mua lại toàn bộ cổ phần của Seven & i Holdings, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Tuy nhiên, lãnh đạo Couche-Tard tuyên bố sẽ không thực hiện một cuộc thâu tóm thù địch (hostile takeover), bất chấp sự phức tạp của thương vụ này, theo Nikkei Asia.

Hostile takeover (thâu tóm thù địch) là thuật ngữ trong tài chính dùng để mô tả việc một công ty hoặc tổ chức tìm cách mua lại quyền kiểm soát một công ty khác mà không có sự đồng ý của ban lãnh đạo công ty mục tiêu.

Quá trình này thường được thực hiện thông qua các phương pháp như tender offer (đề nghị mua cổ phiếu với giá cao hơn thị trường để thu hút cổ đông bán lại) hoặc proxy fight (vận động các cổ đông bỏ phiếu thay thế ban lãnh đạo hiện tại).

Mục đích của hostile takeover thường là khai thác giá trị tiềm năng chưa được phát huy hoặc tái cấu trúc để tăng lợi nhuận. Loại giao dịch này thường gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ban lãnh đạo công ty mục tiêu và có thể gây ra các tranh chấp pháp lý hoặc tài chính. 

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nhật Bản tại trụ sở gần Montreal, Chủ tịch điều hành Alain Bouchard khẳng định: "Chúng tôi không có ý định thực hiện một chiến lược thâu tóm thù địch. Điều này không nằm trong kế hoạch."

Tháng 7/2024, Couche-Tard đã đưa ra đề nghị mua lại Seven & i với mức giá 47 tỷ USD, tương đương 18,19 USD mỗi cổ phiếu, cao hơn 20% so với mức giá ban đầu. Tuy nhiên, phía Nhật Bản bác bỏ đề nghị này, cho rằng mức giá "định giá thấp nghiêm trọng" giá trị công ty.

Mới đây, Seven & i tiết lộ nhận được đề xuất tư nhân hóa từ gia đình sáng lập và một công ty quản lý tài sản đang nắm giữ 8% cổ phần. Thông tin này đẩy giá cổ phiếu tăng vọt, đóng cửa ở mức 2.556 yên (tương đương 16,55 USD) vào hôm 21/11, tăng 15% so với trước đó.

Trước động thái này, Alex Millar, CEO của Couche-Tard, khẳng định tập đoàn không có ý định nâng giá thương vụ. Ông cho biết: "Chúng tôi tin rằng đề nghị hiện tại đã rất hấp dẫn đối với tất cả các bên liên quan."

 Couche-Tard không có ý định nâng giá thương vụ. (Ảnh: NPR).

Millar nhấn mạnh, Couche-Tard quyết tâm sở hữu toàn bộ cổ phần của Seven & i, không có ý định trở thành cổ đông thiểu số. Ông chia sẻ: "Nếu sáp nhập, chúng tôi sẽ trở thành công ty bán lẻ doanh thu 150 tỷ USD, nằm trong top 5 nhà bán lẻ lớn nhất thế giới."

Lãnh đạo Couche-Tard cũng đánh giá cao giá trị của thương hiệu 7-Eleven, đặc biệt là mô hình cửa hàng tiện lợi với hệ thống phân phối đẳng cấp toàn cầu tại Nhật Bản. Millar nhận định: "Hệ thống của họ cung cấp hàng hóa tươi và nhãn hiệu riêng một cách liên tục. Kết hợp với năng lực số hóa của chúng tôi tại Bắc Mỹ, đây sẽ là một cơ hội tạo ra giá trị lớn."

Seven & i từng nêu rõ những thách thức đối với thương vụ, đặc biệt là các quy định chống độc quyền tại Mỹ. Tuy nhiên, Millar khẳng định đây không phải là trở ngại lớn, dù có thể phải bán một số cửa hàng tại các thành phố cụ thể. Ông cho biết: "Thị phần kết hợp giữa chúng tôi và Seven & i tại Mỹ chỉ khoảng 12%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định truyền thống."

Millar cũng đánh giá cao các thị trường khác của Seven & i, bao gồm Nhật Bản, Australia và Đông Nam Á. Ông nhấn mạnh: "Thương hiệu của họ mang tính biểu tượng trên toàn cầu và là một phần quan trọng trong chiến lược của chúng tôi."

Thành Vũ

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.