|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tư vấn muốn Long An đầu tư điện than: Lý lẽ có thuyết phục?

12:09 | 06/08/2018
Chia sẻ
Hai lý do cơ bản được Công ty cổ phần tư vấn điện 2 (PECC2) đưa ra để thuyết phục tỉnh Long An xây dựng nhà máy nhiệt điện bằng công nghệ đốt than đó là có giá thành rẻ và không ảnh hưởng đến môi trường do sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn (ultra super critical).

Thế nhưng, đây là lý lẽ liệu có thuyết phục khi các chuyên gia đã chứng minh điều ngược lại?

tu van muon long an dau tu dien than ly le co thuyet phuc

Chuyên gia cho rằng đầu tư điện nhiệt than không rẻ và công nghệ hiện đại vẫn không kiểm soát hết ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Trong khi quan điểm của tỉnh Long An muốn xây dựng nhà máy nhiệt điện được vận hành bằng công nghệ khí hóa lỏng, thì PECC2 muốn địa phương xây dựng nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ đốt than vì cho rằng có giá thành rẻ, trong khi nhiệt điện than sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn (ultra super critical) sẽ không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Liên quan đến vấn đề nêu trên, để có cái nhìn toàn diện và đủ thuyết phục, TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) liên quan vấn đề này.

Ông Trần Đình Sính cho biết, giá điện than hiện độ khoảng 7,5 xu Mỹ/kWh. “Nhưng, đó là mức giá người ta không tính đến những tác động về môi trường, xã hội và về kinh tế…”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Sính, nếu tính thêm những chi phí như nêu trên, thì mỗi kWh điện tốn thêm độ khoảng 5 xu Mỹ, tức giá điện than sẽ lên độ khoảng 12,5 xu Mỹ/kWh, trong khi đó, điện mặt trời khoảng 9,35 xu Mỹ. “Rõ ràng, điện than sẽ rất đắt so với các loại khác. Đấy là về giá”, ông nhấn mạnh.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ cũng nhấn mạnh, điện than nếu được tính toán một cách đầy đủ về những tác động đến môi trường, xã hội và kinh tế, thì sẽ không còn rẻ so với các loại điện khác.

Chẳng hạn, những tác động như làm giảm năng suất cây trồng vật nuôi, sụt giảm nguồn thu từ du lịch và nhiều ngành kinh tế khác là những thiệt hại rất lớn và nếu được tính toán vào giá thành, thì điện than sẽ không hề rẻ. “Đặc biệt, những hạt bụi phát tán từ nhiệt điện than có kích thước siêu nhỏ, mắt thường không nhìn thấy khi hít vào trong phổi, thì không có cách gì lấy ra được, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe”, ông Tuấn cho biết.

Đồng quan điểm, ông Sính cho biết, những hạt bụi mịn khi vào trong phổi, phế nan đã được chứng minh sẽ gây hàng loạt các căn bệnh về tim mạch, về hô hấp. “Chuyện người ta xây dựng nhà máy nhiệt điện than từ trước đến nay người ta chỉ tính chi phí xây dựng và chi phí nguyên liệu cho điện than thôi, chứ không tính chi phí môi trường và xã hội, cho nên, người ta nói rẻ, nhưng thật ra không hề rẻ như tôi đã nói ở trên”, ông Sính tái khẳng định.

Một điểm đáng lưu ý nữa, theo ông Sính, nếu so sánh thì xây dựng nhà máy nhiệt điện khí sẽ có lợi hơn rất nhiều so với nhiệt điện than, dù cũng phải gánh chịu phát thải ô nhiễm.

Cụ thể, khi đốt than phát điện, mỗi kWh điện sản xuất ra phát thải đến khoảng 1 kg khí CO2 và các chất độc hại khác có trong than như SO2, NOx. Trong khi đó, điện dùng khí mỗi kWh phát thải khoảng 0,5 kg CO2 và không phát thải bụi mịn vì không có chất rắn trong khí, không phát thải khí SO2, NOx và các chất độc hại khác vì đã được lọc sạch trước khi hóa lỏng và vận chuyển. “Đặc biệt, lượng tro xỉ khi thải ra và chôn lấp nó cũng tạo ra nhiều độc hại cho môi trường, sức khỏe, trong khi nhiệt điện khí không có cái đó”, ông cho biết.

Còn về lập luận sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn (ultra super critical) sẽ không gây ảnh hưởng đến môi trường, thì rõ ràng có thể nói đây chỉ là lập luận cũng chỉ nhằm “tạo sự an tâm" cho cho địa phương để dự án được thông qua.

Ông Sính cho biết, công nghệ điện than hiện nay ở Việt Nam đang sử dụng trong các nhà máy là công nghệ cận tới hạn (sub critical), chỉ có nhà máy Vĩnh Tân 4 sử dụng công nghệ siêu tới hạn (super critical).

Theo ông Sính, công nghệ siêu tới hạn (super critical) so với công nghệ tới hạn (sub critical) hiện nay, thì lượng than đốt sẽ giảm khoảng 5-7%, cho nên, lượng phát thải ( khí CO2, SO2, NOx,..) cũng giảm tương ứng. “Rõ ràng nó không nhiều”, ông nhấn mạnh và cho rằng với công nghệ trên siêu tới hạn (ultra super critical), thì cũng chỉ giảm lượng than sử dụng 7-10%, tức lượng phát thải cũng chỉ giảm thêm tương ứng so với công nghệ siêu tới hạn.

Được biết, tỉnh Long An được quy hoạch xây dựng Trung tâm nhiệt điện nằm tại huyện Cần Giuộc. Theo đó, tại đây sẽ phát triển 2 dự án nhà máy nhiệt điện, gồm nhiệt điện Long An I và Long An II với tổng công suất 2.800 MW, có tổng vốn đầu tư lên đến khoảng 5 tỉ đô la Mỹ.

“Nói chung, sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn, thì nó sẽ giúp lượng than sử dụng giảm đi khoảng 10% so với công nghệ siêu tới hạn hiện nay, tức phát thải cũng chỉ giảm được khoảng 10% thôi”, ông cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Sính, khi đầu tư công nghệ siêu tới hạn, thì mức giá thành đầu tư thiết bị sẽ tăng thêm 10-20% so với công nghệ cận tới hạn. “Còn công nghệ trên siêu tới hạn so với công nghệ siêu tới hạn giá thành đầu tư sẽ tăng thêm 40%”, ông cho biết.

Khi đó, giá thành đầu tư sẽ còn gia tăng khủng khiếp, chứ không hề rẻ như cách tính chưa được toàn diện về những tác động đến môi trường, kinh tế và xã hội như hiện nay. Trong khi đó, những vẫn đề ô nhiễm cũng chỉ giảm, chứ không thể kiểm soát triệt để.

Trung Chánh