Từ Starbucks Hàn Thuyên: Có nên đánh đổi lợi nhuận để lấy mặt bằng đẹp?
Vụ việc Starbucks Hàn Thuyên - cửa hàng Reserve đầu tiên của chuỗi cà phê Mỹ tại Việt Nam, đóng cửa đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên thị trường kinh doanh dịch vụ ăn uống (F&B). Starbucks Việt Nam nói sau khi cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố, họ “rất tiếc” khi buộc phải dừng hoạt động cửa hàng tại Hàn Thuyên sau 7 năm.
Dù không chia sẻ nguyên nhân, song theo nhiều nguồn tin, việc giá thuê mặt bằng tăng cao và không thể gia hạn hợp đồng góp phần đưa đến quyết định này của Starbucks. Như đã đưa tin, vị trí Starbucks Hàn Thuyên được chào thuê với giá 30.000 USD/tháng, tức khoảng 750 triệu đồng/tháng và 9 tỷ đồng/năm. Khách thuê phải đặt cọc 3-6 tháng tuỳ vào thời gian ký hợp đồng 5 hay 10 năm.
Đường Hàn Thuyên dài khoảng 300 m, điểm đầu từ Công xã Paris đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, là nơi có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Vị trí Starbucks Hàn Thuyên đối diện là công viên 30/4, gần nhà thờ Đức Bà và Hội trường Thống Nhất.
Thông thường, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành F&B đều cố gắng tìm kiếm những mặt bằng đẹp, đặc biệt là các thương hiệu mới bước vào thị trường. Họ sẵn sàng đồng ý trả mức giá cao để có mặt bằng như kỳ vọng.
Việc hiện diện tại vị trí “vàng” có thể giúp doanh nghiệp gia tăng nhận diện thương hiệu, giảm chi phí truyền thông, marketing và đồng thời giúp khách hàng biết tới nhanh hơn. Starbucks lựa chọn chiến lược này khi mới vào thị trường Việt Nam từ 2017.
Tuy nhiên, theo Savills, 80% thương hiệu thuê mặt bằng để kinh doanh, mà kinh doanh thì phải có lợi nhuận, nên họ sẽ cân nhắc giá thuê có phù hợp với mô hình doanh nghiệp để “đẻ lãi” hay không.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, cho biết sau giai đoạn COVID-19, các nhãn hàng gặp vấn đề khó khăn về nguồn vốn. Chính vì vậy, hiện nay họ không mở cửa hàng một cách đại trà mà trở nên khắt khe hơn khi tìm kiếm mặt bằng, tập trung vào các mặt bằng có vị trí đắc địa, mỗi cửa hàng có khả năng tự tạo ra lợi nhuận độc lập.
Phía Savills cho hay việc chi phí thuê quá cao có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận hoặc khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp. Do đó, cần phải xác định rõ ngân sách kinh doanh và đảm bảo rằng giá thuê mặt bằng là một phần hợp lý của ngân sách đó. Nếu giá thuê mặt bằng bán lẻ vượt quá ngân sách dự kiến, có thể cần phải đàm phán lại với chủ nhà.
“Bản thân các cửa hàng F&B đang giảm số lượng các cửa hàng mở theo chuỗi. Họ không cố gắng mở nhiều địa điểm như trước mà tập trung hơn vào những cửa hàng flagship có thể đáp ứng được khả năng nhận diện thu hút khách, vừa thuận tiện cho dịch vụ giao hàng”, bà Minh chia sẻ thêm.
Theo chuyên gia F&B chia sẻ trên blog iPOS.vn, các quán cà phê mở theo chuỗi, quy mô lớn với mức lãi trung bình trong ngành cà phê khoảng 20% - 25% tổng doanh thu thì ước tính doanh nghiệp cần mất đến hai năm mới có thể thu hồi vốn cho một mặt bằng đầu tư.
Việc Starbucks cắt giảm chi phí đầu tư mở chuỗi diễn ra trong bối cảnh doanh số của họ đang lao dốc trên toàn cầu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và thị phần mất dần vào tay các quán cà phê nhỏ lẻ,…
Theo bà Minh tại Savills Hà Nội, với những biến động khó lường từ tình hình kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp dịch vụ ẩm thực cần phải linh hoạt hơn bao giờ hết. Để đạt được tăng trưởng như kỳ vọng, những đơn vị này sẽ cần có nhiều kế hoạch kinh doanh khác nhau, từ việc tích hợp nhiều mô hình bán hàng đến việc tối ưu hóa công năng mặt bằng.
“Dù là nhà phố hay trung tâm thương mại, yếu tố địa điểm sẽ quyết định đáng kể sự thành công của hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, các doanh nghiệp F&B sẽ cần phải đưa ra những lựa chọn phù hợp với chiến lược của mình ngay từ ban đầu”, vị chuyên gia phân tích.
Ngoài yếu tố tài chính, động thái đóng cửa Starbucks Hàn Thuyên cũng có thể được nhìn dưới góc độ xu hướng lựa chọn mặt bằng đã thay đổi của các đơn vị trong ngành F&B. Theo Savills, trên thị thường xuất hiện một số doanh nghiệp đã bỏ qua mặt bằng ngoài phố để thuê những vị trí ít nổi bật hơn.
Xu hướng này xuất phát từ định hướng kinh doanh của khách thuê. Tuy không có được lợi thế về nhận diện thương hiệu, những mặt bằng kém nổi bật chi phí thuê hợp lý hơn. Đổi lại, các cửa hàng sẽ phải phụ thuộc 90% việc tiếp thị thông qua hình thức trực tuyến. Cách làm được đánh giá là phù hợp với mô hình kinh doanh hiện đại trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Ngoài ra, thay vì tính toán câu chuyện về vị trí trung tâm để đặt cửa hàng, hiện các nhãn hàng còn phải tính toán tới việc liệu địa điểm có khu vực đỗ xe không, có bị ảnh hưởng bởi việc cấm đường giờ cao điểm không hay có vị trí cho shipper đỗ xe lấy đồ hay không.
Do vậy, vị trí được ưu tiên hơn tại các khu vực đông dân cư, nhiều lối tiếp cận vào vị trí, chỗ để xe thuận tiện cho khách, không bị hạn chế bởi tuyến tàu điện ngầm đang xây dựng, hay cấm grab/taxi trong giờ cao điểm.
Còn theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc công ty tư vấn FnB Director, chia sẻ tại sự kiện về ngành F&B diễn ra mới đây tại TP HCM, mặt bằng vẫn luôn là câu hỏi phức tạp về tài chính dành cho những doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực.
“Đôi khi những mặt bằng thuê được không có không gian như kỳ vọng. Mặt bằng giá thuê đẹp lại chưa kinh doanh được, trong khi mặt bằng đủ đẹp thì giá thuê tăng gấp ba. Những doanh nghiệp nào đang mở mới hoặc làm chuỗi có thể thấy rõ điều này. Ngày hôm nay mọi người nghe nói mặt bằng bị trả nhiều, nhưng các anh chị đi tìm mặt bằng chắc gì đã săn được vị trí đúng ý mình”, ông Thanh nêu quan điểm.