Chủ chuỗi WinMart giảm lỗ: Thương vụ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang với Vingroup sắp ra trái ngọt?
CTCP Dịch vụ Thương mại tổng hợp WinCommerce - đơn vị vận hành chuỗi WIN/WinMart/WinMart+, vừa công bố thông tin tình hình tài chính nửa đầu năm 2024 cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động kinh doanh.
Theo dữ liệu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, 6 tháng đầu năm WinCommerce lỗ hơn 223 tỷ đồng, giảm so với khoản lỗ gần 382 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này phù hợp với thông tin Masan Group công bố trước đó là WinCommerce đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương trong tháng 6 và tháng 7 năm nay.
Ban lãnh đạo công ty cho biết trong thời gian tới WinCommerce sẽ tập trung vào mục tiêu đạt điểm hòa vốn lợi nhuận sau thuế đồng thời tăng tốc độ mở cửa hàng để đạt khoảng 100 cửa hàng mới mỗi quý, tăng cường vị thế ở khu vực nông thôn với mô hình WinMart+ Rural.
Hiện hệ thống bán lẻ này vận hành 3.673 điểm bán nhờ mở thêm 40 cửa hàng mới từ đầu năm và dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm.
Đây là một chỉ báo tích cực đối với WinCommerce - một trong ba đơn vị bán lẻ hiện đại có quy mô doanh thu lớn nhất Việt Nam. WinCommerce bắt đầu được chuyển giao từ Vingroup sang Masan Group vào cuối năm 2019.
Thời điểm trước khi về tay tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, số liệu từ báo cáo tài chính Vingroup cho thấy mảng bán lẻ đang tăng trưởng tốt về doanh thu, vượt mức 1 tỷ USD trong năm 2019, tuy nhiên chưa hề có lãi kể từ thời điểm chính thức vận hành năm 2014. Thậm chí, tổng số lỗ trước thuế lũy kế 5 năm lên tới con số gần 17.400 tỷ đồng.
Sau khi tiếp quản WinCommerce, để khắc phục tình trạng thua lỗ, nhiều cửa hàng hoạt động không hiệu quả, Masan Group đã mạnh dạn đóng cửa một loạt điểm bán.
Thời gian sau đó, Masan Group đã tiến hành những thay đổi trong hệ thống WinCommerce thông qua ba chiến lược chính đó là đóng cửa các điểm bán không đạt mục tiêu lợi nhuận, cải thiện danh mục sản phẩm và chính sách giá. Bắt đầu từ quý IV/2020, lần đầu tiên WinCommerce đạt EBITDA dương 16 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý II, vốn chủ sở hữu WinCommerce giảm 10% xuống 4.140 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 3,5 lần, tương đương tổng nợ phải trả xấp xỉ 14.500 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu khoảng 4.140 tỷ đồng.
Đánh giá về tiềm năng của WinCommerce, trong một sự kiện dành cho nhà đầu tư cuối tháng 6, ông Lê Bá Nam Anh - Giám đốc chiến lược và Phát triển tại Masan Group, nói:
“Từ khi mua lại siêu thị WinMart vào năm 2019, tới thời điểm này chúng tôi nhìn thấy dư địa ngành siêu thị hiện đại còn rất nhiều vì quy mô thị trường của kênh bán hiện đại là 7 tỷ USD - chiếm 12% của thị trường tiêu dùng bán lẻ Việt Nam có giá trị hơn 55 tỷ USD. Trong thời gian tới chúng tôi nhận thấy sự dịch chuyển từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại rất nhiều”.
Trong tương lai gần, Masan Group tiếp tục tập trung vào kênh bán lẻ offline bởi theo thống kê thương mại điện tử thực tế hiện chỉ chiếm dưới 5% doanh thu toàn ngành hàng nhu yếu phẩm. Do đó, đối với tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, kênh cửa hàng vật lý vẫn đóng vai trò quan trọng khi mang về 95% doanh thu.
Tại báo cáo về bán lẻ hiện đại Việt Nam, các nhà phân tích của Monitor tin rằng nếu thị trường Việt Nam phát triển như Indonesia - một quốc gia trong khu vực có nhiều đặc điểm tương đồng về dân cư, thói quen tiêu dùng, thì quy mô thị trường này được dự kiến tăng gấp 3 trong thập kỷ tới, tiến gần 20 tỷ USD.