Cơn sốt trà sữa dần hạ nhiệt
Số liệu từ Vietdata - nền tảng cung cấp dữ liệu vĩ mô, doanh nghiệp và nghiên cứu về nhiều lĩnh vực - cho thấy, kết quả kinh doanh của các thương hiệu trà sữa theo mô hình chuỗi ghi nhận phục hồi tốt trong năm ngoái so với 2021 - thời điểm đỉnh dịch Covid-19. Tuy vậy, so với 2022, doanh thu và lợi nhuận các chuỗi này có xu hướng đi lùi. Trong đó, Toco Toco, Koi Thé, Ding Tea và Bobapop là những thương hiệu kinh doanh kém hiệu quả.
Năm trước, Toco Toco sụt khoảng 77,5 tỷ đồng doanh thu và nới khoản lỗ thêm 58,5 tỷ. Thuộc nhóm định vị cao cấp nhất nhì thị trường, chuỗi Koi Thé cũng giảm doanh thu và lãi lần lượt 35,6 tỷ và 25 tỷ đồng. Cũng ghi nhận doanh thu giảm hai con số trong năm ngoái, nhưng lợi nhuận của Ding Tea (chủ yếu ở miền Bắc) và Bobapop (phần lớn tại phía Nam) lại không bị bào mòn nặng. Theo đó, Ding Tea mất 0,9 tỷ đồng, còn Bobapop cải thiện 1,1 tỷ lãi trước thuế.
Chia sẻ với VnExpress, ông Hoàng Tùng - chuyên gia dịch vụ thực ẩm và đồ uống (F&B) - nói thị trường trà sữa, đặc biệt tại một số thành phố lớn, cạnh tranh gay gắt. Các cửa hàng được mở ra với mật độ dày đặc, trong khi sức tiêu dùng của người dân không tăng. Điều này dẫn đến việc các quán phải đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá để thu hút khách, khiến doanh số giảm.
"Cơn sốt trà sữa đã hạ nhiệt khá nhiều so với thời kỳ bùng nổ trước đây", chuyên gia nhận định.
Theo quan sát của ông Tùng, phân khúc trà sữa cao cấp như Koi Thé hay The Alley, sẽ gặp những ảnh hưởng nhất định vì người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Trong khi đó, những thương hiệu vẫn tăng trưởng tốt do họ sở hữu các yếu tố cộng thêm để gia tăng giá trị, chủ yếu ở dòng sản phẩm mới (ví dụ trà đậm vị) hoặc không gian trải nghiệm.
Ngoài nguyên nhân từ sức mua, đại diện một thương hiệu có kết quả kinh doanh đi lùi trong năm trước, cho biết còn do doanh nghiệp chủ động thay đổi chiến lược. Với riêng chuỗi này, họ thực hiện "thay máu" thực đơn, san bằng mức giá về thấp ngang một số đối thủ trên thị trường để tăng tính cạnh tranh.
"Doanh thu giảm do chúng tôi hạ giá bán một số sản phẩm, trong khi thực tế sức mua trên toàn chuỗi vẫn ổn định", người này cho biết.
Để tăng cạnh tranh với mặt bằng giá bán trà sữa rẻ hơn, chuỗi này phải đánh đổi bằng biên lợi nhuận giảm xuống. Đại diện thương hiệu nói giá vốn vẫn giữ mức cao vì họ đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng, nhưng từ chối nêu con số hay tỷ lệ cụ thể. Ngoài ra, họ cũng gánh chi phí khá lớn trong giai đoạn đầu tái cấu trúc thương hiệu. Việc này ảnh hưởng đến lợi nhuận trước mắt nhưng doanh nghiệp tin sẽ đem đến "vị ngọt" trong tương lai.
Thực tế, nhu cầu sử dụng dịch vụ ăn uống bên ngoài giảm mạnh từ năm ngoái. Báo cáo mới đây của iPOS - nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho hơn 100.000 doanh nghiệp nhà hàng và quán cà phê - cho thấy 30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa nửa đầu năm nay.
Cũng theo báo cáo này, người dân giảm chi tiêu và tần suất tới quán cà phê (gồm trà sữa và các loại thức uống khác) trong 6 tháng đầu năm. Theo khảo sát 2.360 người tiêu dùng chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, có 41,7% người chỉ thỉnh thoảng uống nước tại quán. 32,3% người được hỏi đến quán với tần suất 1-2 lần mỗi tuần.
Tuy doanh số một số chuỗi giảm, chuyên gia Hoàng Tùng cho rằng dung lượng thị trường trà sữa vẫn mở rộng do sự xuất hiện của nhiều tên tuổi mới và thương hiệu cũ "lấn sân" sang các thị trường tỉnh, vùng ven. Do đó xét trên mặt bằng chung, thị trường này vẫn còn tiềm năng.
Nổi lên trong số đó là Mixue - chuỗi trà sữa và kem nhượng quyền đến từ Trung Quốc, một trong số ít thương hiệu ghi nhận kết quả kinh doanh tăng và đạt con số bứt phá. Số liệu từ Vietdata cho thấy công ty báo doanh thu hơn 1.257 tỷ đồng năm ngoái, gấp 2,6 lần so với năm trước đó. Chuỗi này cũng có lợi nhuận trước thuế cách biệt thị trường với 204 tỷ đồng, tăng 3 lần sau một năm. Mixue phát triển theo mô hình nhượng quyền với chi phí đầu tư dưới một tỷ đồng và mạng lưới đã vượt 1.500 cửa hàng vào cuối năm ngoái, sau 5 năm có mặt tại Việt Nam.
Thị trường còn ghi nhận thêm hiện tượng mới mang tên Phê La. Thương hiệu mới ghi nhận kết quả kinh doanh từ năm 2023, nhưng có gần 300 tỷ doanh thu và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu của hãng tốt hơn các chuỗi lâu đời như Gong Cha, Ding Tea, Bobapop, còn lãi chỉ đứng sau Mixue.
Theo ông Hoàng Tùng, phân khúc bình dân ít bị ảnh hưởng và công cụ nhượng quyền đang được các thương hiệu sử dụng mạnh mẽ. Thị trường ghi nhận nhiều chuỗi như Phúc Tea, La Boong hay Ô Long Đây dùng chiến lược thu phí nhượng quyền thấp hoặc miễn phí để tăng nhanh quy mô, nhằm phủ thị trường. Tuy nhiên theo chuyên gia, việc sử dụng công cụ này cũng khiến chất lượng các thương hiệu không cao. Nhiều nhãn hàng chỉ tập trung vào nhượng quyền mà không chăm chút cho sản phẩm và mô hình này cũng khiến người mua nhượng quyền có thể gặp rủi ro lớn.
Trong hội thảo gần đây, ông Vũ Việt Anh - CEO trà sữa La Boong - cho biết chuỗi của họ ghi nhận doanh thu tăng 30% trong nửa đầu năm. Một trong những chiến lược họ theo đuổi là kiểm soát chi phí. Theo ông Việt Anh, chi phí sẽ ngày càng tăng nên các thương hiệu cần xây dựng mô hình kinh doanh tập trung, lược bỏ những thứ không cần thiết khi xác định được đâu là "điểm chạm" với khách hàng. Chuỗi của ông đang kiểm soát giá vốn quanh 28%.
Còn theo chuyên gia Hoàng Tùng, những thương hiệu muốn giữ vững tăng trưởng cần phải tập trung vào nâng cấp sản phẩm và trải nghiệm. Cốt lõi là tạo ra các sản phẩm "hit" và điều này đòi hỏi các chuỗi trà sữa phải có đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) đủ tốt. Ông lấy ví dụ về "hiện tượng" Luckin Coffee ở Trung Quốc trong một năm có thể tung ra 200 sản phẩm mới từ phòng R&D. Ngoài ra, các thương hiệu sẽ phải tạo những "điểm chạm" về trải nghiệm đủ tốt để níu giữ khách hàng.