Từ Panama đến Paradise: Những vụ rò rỉ hồ sơ tài chính lớn nhất lịch sử
Hồ sơ Panama
Năm 2015, một nguồn ẩn danh đã cung cấp cho báo Süddeutsche Zeitung của Đức 11,5 triệu hồ sơ tài chính từ hãng luật Mossack Fonesca có trụ sở tại Panama.
Tờ báo này phải nhờ đến Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) xem xét và chọn lọc 2,6 terabyte dữ liệu bị rò rỉ, bao gồm thư điện tử, báo cáo tài chính và hồ sơ doanh nghiệp từ năm 1977. Kết quả được công bố lần đầu tiên vào tháng 4/2016.
Các tài liệu này cho thấy hãng luật đã giúp khách hàng của mình trốn thuế và rửa tiền như thế nào. Một số còn chứa thông tin liên quan đến 214 nghìn công ty ma do chính Mossack Fonesca thành lập. Hàng loạt chính trị gia và người nổi tiếng đã bị vạch trần, trong đó có Thủ tướng Iceland lúc bấy giờ là ông Sigmundur David Gunnlaugsson, chỉ sau hai ngày thông tin được công bố, ông đã từ chức.
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson từ chức chỉ 2 ngày sau vụ rò rỉ. Ảnh: AFP. |
Hồ sơ Paradise
Mới đây nhất ngày 5/11, thông tin về 13,4 triệu hồ sơ tài chính liên quan đến hành vi trốn thuế một lần nữa khiến thế giới sửng sốt.
Dù lượng hồ sơ bị rò rỉ lần này không lớn như vụ Panama 2 năm trước, Hồ sơ Paradise tiếp tục phanh phui mánh khóe trốn thuế của các tập đoàn kinh tế, chính trị gia và giới siêu giàu trên thế giới.
Một lần nữa, báo Süddeutsche Zeitung và ICIJ cùng hợp tác xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. ICIJ cho biết 120 chính trị gia từ 50 quốc gia “góp mặt” trong các hồ sơ bị rò rỉ.
Cái tên được chú ý nhiều nhất trong danh sách này là Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị. Hồ sơ tiết lộ khoảng 10 triệu bảng Anh (13 triệu USD) thuộc tài sản cá nhân của bà đang được giữ tại các quỹ đầu tư ở quần đảo Cayman và Bermuda.
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị cũng có tên trong Hồ sơ Paradise. Ảnh: Samir Hussein/Getty Images. |
Offshore Leaks
Vụ rò rỉ Offshore Leaks vào năm 2013 đã đưa vấn đề trốn thuế ở nước ngoài ra ánh sáng dư luận. ICIJ hợp tác với các nhà báo trên toàn thế giới sàng lọc 260 gigabyte dữ liệu, gồm 2,5 triệu hồ sơ vạch trần cách người giàu đem tiền ra nước ngoài để trốn thuế.
Nói với báo Süddeutsche Zeitung, một nguồn tin ẩn danh cho biết vụ rò rỉ là “một đòn giáng mạnh nhất từ trước đến nay vào lỗ đen của nền kinh tế thế giới”.
Nhân vật nổi bật trong danh sách trốn thuế mà vụ rò rỉ tiết lộ là nhà công nghiệp người Đức Gunter Sachs, người đã che giấu hàng triệu USD tại các công ty ở Luxembourg, Panama, quần đảo Virgin thuộc Anh và quần đảo Cook.
Nhà công nghiệp Đức Gunter Sachs che giấu hàng triệu USD tại nước ngoài. Ảnh: Reuters. |
Luxembourg Leaks
Tháng 11/2014, một báo cáo của ICIJ tiết lộ hàng trăm công ty trên toàn cầu đã ký các thỏa thuận bí mật với Luxembourg để trốn hàng tỷ USD tiền thuế.
Trước đó, ICIJ đã xem xét 28.000 trang tài liệu rò rỉ về thỏa thuận ngầm giữa các doanh nghiệp với quốc gia EU nhỏ bé này, bao gồm các hồ sơ dàn xếp thuế do PricewaterhouseCoopers (PwC) thực hiện để làm lợi cho khách hàng từ năm 2002 - 2010.
Các doanh nghiệp lớn như Deutsche Bank, Pepsi và Ikea là ba trong số những công ty tuồn hàng trăm tỷ USD vào Luxembourg để trốn thuế.
Vụ “LuxLeaks” gây áp lực không nhỏ lên Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, người từng giữ chức Thủ tướng Luxembourg. Hai “người thổi còi” và một nhà báo công bố vụ việc đã bị kết tội tại Luxembourg.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker có trong danh sách LuxLeaks. Ảnh: AFP. |
Swiss Leaks
ICIJ công bố một báo cáo vào tháng 2/2015 phanh phui việc Ngân hàng HSBC của Anh đã giúp nhiều khách hàng giàu có che giấu hàng triệu USD tại các chi nhánh của ngân hàng này ở Thụy Sỹ.
Các công tố viên Geneva đã mở một cuộc điều tra hành vi rửa tiền của chi nhánh HSBC Thụy Sỹ và cho biết, khoảng 180,6 tỷ USD đã được nhiều khách hàng và công ty nước ngoài chuyển vào các tài khoản HSBC ở Geneva từ tháng 11/2006 – 3/2007.
Ông Herve Falciani, cựu chuyên gia IT của chi nhánh HSBC Thụy Sỹ, là người đã công bố hàng loạt hồ sơ để phanh phui vụ việc này. Ông Falciani bị tòa án Thụy Sỹ kết án 5 năm tù nhưng ông không tham dự phiên tòa và cũng không bị Pháp dẫn độ do nước này không có quy định dẫn độ công dân của mình. Sau vụ này, HSBC phải trả 40 triệu USD để dàn xếp cuộc điều tra rửa tiền.
HSBC phải trả 40 triệu USD để dàn xếp cuộc điều tra rửa tiền. Ảnh: Pierre Albouy/Reuters. |
Những điều cần biết về Hồ sơ Paradise
Cả thế giới một lần nữa chấn động vì sự kiện rò rỉ thông tin tài chính với tên gọi "Hồ sơ Paradise", liên quan ... |