Từ hoàng kim cho đến ‘bờ vực’ phá sản của Ofo - startup chia sẻ xe đạp tỉ USD được Alibaba hậu thuẫn
Cuộc chiến sinh tồn của gã nghiện công nghệ nhút nhát trong mảng chia sẻ xe đạp (Phần 2) |
Từ thời hoàng kim cho đến 'bờ vực' phá sản
Được hậu thuẫn bởi những “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc như Tập đoàn Alibaba Group Ltd, Didi Chuxing…, công ty khởi nghiệp Ofo là kẻ tiên phong trong cơn sốt của dịch vụ chia sẻ xe đạp từ Bắc Kinh cho đến Paris.
Startup 4 năm tuổi, được định giá 3 tỷ USD vào thời điểm hoàng kim, thậm chí có lúc xử lý hơn 25 triệu lượt đi xe đạp mỗi ngày và đã lên kế hoạch phủ kín các thủ đô toàn cầu từ London đến Moscow.
Tuy nhiên, chỉ 9 tháng sau khi được Tập đoàn Alibaba và các nhà đầu tư khác rót khoản vốn 866 triệu USD, Ofo đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền mặt trầm trọng.
Ofo đối mặt với các yêu cầu hoàn tiền từ những khách hàng bất mãn, chủ nợ và hoạt động vận hành hằng ngày. “Do đánh giá sai lầm của chúng tôi về tình hình chung mà công ty đã phải trải qua áp lực lớn về dòng tiền suốt cả năm”, nhà sáng lập Dai Wei của Ofo viết trong một email gửi tới các nhân viên của công ti gần đây.
“Tôi đã cân nhắc không biết bao nhiêu lần cắt giảm chi phí hoạt động của công ty để trả nợ cho khách hàng và nhà cung cấp, thậm chí là nộp đơn xin phá sản. Rồi sẽ không ai phải chịu gánh nặng to lớn này", ông thổ lộ.
Ông Dai Wei. Ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg. |
Tình trạng “lao đao” của Ofo khi cân nhắc việc nộp hồ sơ phá sản được xem như một trong những thất bại lớn nhất của giới khởi nghiệp Trung Quốc trong những năm gần đây.
Ông Dai không nói cụ thể những sai lầm của Ofo khi đánh giá thị trường, mà chỉ cho biết công ti có ý định rút lui khỏi 7 thành phố ở các thị trường ngoài nước. Nhà sản xuất địa phương đã cung cấp ít nhất 5 triệu chiếc xe đạp cho Ofo ở thời kì đỉnh điểm, cho rằng việc giảm giá mạnh và nhu cầu bão hoà với xe đạp ở các thành phố lớn đã khiến họ phải trả giá.
Chính công ti này cũng đã kiện Ofo vì khoản 68 triệu nhân dân tệ trong các hóa đơn chưa thanh toán. Rất lâu trước đó, các nhà quan sát đã chỉ ra những lỗ hổng trong mô hình kinh doanh với những chiến lược giảm giá không bền vững.
Hàng triệu người xếp hàng đòi tiền, nhà sáng lập Ofo cam kết hoàn trả
Nhà sáng lập 23 tuổi của Ofo thừa nhận rằng “những nỗ lực gọi vốn của công ty gần như là vô vọng” trong 6 tháng vừa qua, nhưng ông hứa Ofo sẽ hoàn trả lại các khoản tiền đặt cọc cho những khách hàng yêu cầu.
Thông báo của ông Dai được đưa ra sau khi hàng trăm khách hàng tập trung bên ngoài trụ sở của Ofo hôm thứ Hai (17/12) để yêu cầu trả lại tiền đặt cọc ngay lập tức. Đặt cọc là yêu cầu để đăng kí tài khoản.
Video và hình ảnh phát tán trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc cho thấy hàng dài người xếp hàng từ văn phòng tầng 5 của Ofo cho đến tầng một toà nhà.
Một người dùng ở Bắc Kinh đã nộp đơn yêu cầu hoàn tiền, dựa trên số thứ tự xếp hàng của mình cho biết: “Có ít nhất 10 triệu người xếp hàng yêu cầu hoàn tiền”.
Họ tạo ra hàng loạt các cuộc thảo luận trên Sina Weibo (một nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc) cùng với những người dùng Ofo trên toàn quốc, phàn nàn về việc phải chờ đợi khoản tiền hoàn trả. Thu hồi tiền đặt cọc ở Ofo trở thành chủ đề nóng trên Zihu, với gần 2 triệu lượt xem. Nhiều người dùng cho biết họ sẽ gỡ ứng dụng Ofo sau khi nhận được tiền.
Hiện tại, Ofo vẫn kiên trì giải quyết tình hình xấu. Ông Dai kêu gọi các nhân viên giải quyết những vấn đề trước mắt của công ty, đồng thời cũng nhấn mạnh áp lực mà công ty đang phải chịu.
"Mỗi lần nghĩ về việc từ bỏ, tôi lại thấy hình ảnh khách hàng của Ofo đang đi trên đường, đi làm hay đâu đó trên chiếc xe đạp màu vàng. Đó là khi tôi tự nói với mình và cũng là lời muốn nói với mỗi nhân viên của Ofo rằng ở đâu có cuộc sống, ở đó có hy vọng", ông nói.
“Sóng gió” xảy ra với Ofo phản ánh làn sóng thay đổi đối với ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp của Trung Quốc. Hàng chục công ti khởi nghiệp mọc lên như nấm tại Trung Quốc trong năm 2016, với hàng tỉ USD đổ vào với kì vọng trở thành một thế hệ Uber tiếp theo.
Tuy nhiên, với một mô hình kinh doanh thiếu rõ ràng và một nguồn vốn khổng lồ để sản xuất và duy trì đội xe, nhiều công ty chia sẻ xe đạp Trung Quốc đã không thể tiếp tục hoạt động. Ngay cả những kẻ sống sót cũng phải đối mặt với áp lực tài chính ngày càng gia tăng.