Tự doanh và khối ngoại bán ròng 1.055 tỉ đồng trong tuần đầu tháng 2, dòng tiền lớn lo ngại ảnh hưởng từ virus corona?
Dịch Coronavirus diễn biến phức tạp, tự doanh rút ròng 360 tỉ đồng tuần qua, tập trung giao dịch MBB và MWG
Tính tới thời điểm hiện tại, diễn biến của dịch cúm Coronavirus đang có chuyển biến khó lường. Trong khi số người tử vong đang tăng lên và chạm mốc hơn 700 người, xấp xỉ con số của dịch SARS, số ca phát hiện nhiễm bệnh mới trong ba ngày gần nhất đang giảm dần.
Những thông tin về diễn biến dịch cúm Coronavirus tác động đáng kể đến tâm lí nhà đầu tư. Thống kê giao dịch trong tuần 3 – 7/2, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đã bán ròng 360,3 tỉ đồng với khối lượng 16,33 triệu đơn vị.
Ngoại trừ phiên đầu tuần, hoạt động bán ròng của khối tự doanh diễn ra trong tất cả phiên còn lại, giá trị thấp nhất từ 24 tỉ đồng đến giá trị cao nhất 170 tỉ đồng.
Dẫn đầu chiều bán ra là cổ phiếu MBB với giá trị 162 tỉ đồng, đồng thời, khối tự doanh cũng mua vào mã này gần 101 tỉ đồng. Mới đây, MBBank thông báo phát hành riêng lẻ thành công 3.000 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi ghi danh cho khách hàng tổ chức trong tháng 1. Chứng chỉ tiền gửi có mệnh giá 10 tỉ đồng/chứng chỉ với lãi suất phát hành là 5,9%/năm, kì hạn 12 tháng.
Trước đó, Thống đốc NHNN chấp thuận việc MBBank tăng vốn điều lệ từ 23.727 tỉ đồng lên 24.417 tỉ đồng theo đề nghị của ngân hàng.
Cùng phía bán ra, khối tự doanh bán 143 tỉ đồng chứng chỉ quĩ E1VFVN30. Theo sau đó, khối này bán ra dưới trăm tỉ đồng cổ phiếu MWG (78 tỉ đồng), VNM (74 tỉ đồng), VPB (67 tỉ đồng) và HPG (63 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, cổ phiếu FPT ghi nhận giá trị bán 51 tỉ đồng, PLX (43 tỉ đồng), VIC (38 tỉ đồng) và TCB (37 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, cổ phiếu được khối tự doanh mua vào nhiều nhất là MWG (103 tỉ đồng). Kết thúc năm 2019, Thế Giới Di Động đạt doanh thu thuần 102.174 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.836 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 18% và 33% so với năm 2018. Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận năm đầu tiên đạt doanh thu trên 100.000 tỉ đồng.
Ngoài MWG và MBB, bộ phận tự doanh mua vào dưới trăm tỉ đồng cổ phiếu FPT (52 tỉ đồng), chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (51 tỉ đồng), GEX và HPG (46 tỉ đồng). Ngoài ra, một số mã như VNM (43 tỉ đồng), VPB (35 tỉ đồng), VCB (29 tỉ đồng) và CTG (25 tỉ đồng) lọt top mua vào trong tuần.
Cùng chiều, khối ngoại xả 629 tỉ đồng khỏi sàn HOSE, Novaland cầu cứu Bộ xây dựng cho tiếp tục phát triển dự án
Về giao dịch khối khoại trong tuần đầu tháng 2, khối này xả 695 tỉ đồng toàn thị trường, khối lượng bán ròng đạt 28,6 triệu đơn vị. Trong đó, NĐT nước ngoài tập trung thoái ròng trên sàn HOSE với giá trị lên tới 629 tỉ đồng cùng khối lượng bán ròng 24,05 triệu đơn vị.
Khối ngoại ghi nhận diễn biến trái chiều tại giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quĩ ETF nội. Theo đó, khối này xả 719 tỉ đồng cổ phiếu nhưng mua ròng 92 tỉ đồng chứng chỉ quĩ.
Top10 cổ phiếu bị bán ròng trong tuần, khối ngoại tập trung áp lực lên mã VIC (192 tỉ đồng), theo sau là NVL (112 tỉ đồn). Liên quan đến Novaland, doanh nghiệp này mới đây đã buộc phải gửi văn bản xin Bộ Xây dựng cứu xét được tiếp tục phát triển Dự án Khu dân cư Bình Khánh mà tập đoàn và các nhà đầu tư đã rót vào hơn 6.000 tỉ đồng.
Việc chậm triển khai và phát sinh chi phí vốn của dự án khiến tập đoàn kiệt sức và đang bị mất tính thanh khoản.
Ngay sau đó, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland đã đăng kí mua vào 10 triệu cp NVL từ ngày 11/2-11/3/2020. Đồng thời, HĐQT Novaland cũng cho biết sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua việc phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu, bao gồm thặng dư vốn cổ phần và cổ phiếu thưởng.
Cùng chiều bán ròng, cổ phiếu DXG ghi nhận giá trị 99 tỉ đồng, kế đến là MSN (92 tỉ đồng), POW (69 tỉ đồng), VNM (60 tỉ đồng). Mặt khác, khối ngoại rút ròng khỏi BID (59 tỉ đồng), PLX (33 tỉ đồng), HCM và PC1.
Top10 mã có giá trị mua ròng cao nhất, cổ phiếu HDB là mã duy nhất đạt giá trị trên trăm tỉ đồng (112 tỉ đồng). HDBank mới đây thông tin việc dự kiến bán hơn 3,3 triệu cp quĩ với giá bán cố định 10.000 đồng/cp, số tiền thu được từ đợt bán cổ phiếu quĩ sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động cho ngân hàng.
Ngân hàng này cũng ghi nhận một năm hoạt động kinh doanh tích cực với con số lợi nhuận kỉ lục trong suốt 29 năm hình thành và phát triển của ngân hàng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 5.018 tỉ đồng, tăng 25,3% so với năm 2018 và vượt 24% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.020 tỉ đồng, tăng 25,6%.
Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài rót vốn vào chứng chỉ quĩ E1VFVN30 (91 tỉ đồng), cổ phiếu VRE (41 tỉ đồng), VHM (36 tỉ đồng) và CTG (26 tỉ đồng). Cùng với đó, khối ngoại mua ròng một số mã khác như VCB, VJC, DGW, STB và ROS.
Cùng chiều, NĐT nước ngoài rút ròng 91 tỉ đồng trên HNX
Trên sàn HNX, NĐT nước ngoài bán ròng 90,6 tỉ đồng với khối lượng 7,7 triệu đơn vị. Khối ngoại bán ròng tất cả phiên trong tuần, mạnh nhất là các phiên giữa tuần.
Nổi bật tại chiều bán ròng là cổ phiếu PVS với giá trị 52,5 tỉ đồng. Liên quan đến cổ phiếu này, TSC (PVS) báo lỗ gộp quí đầu tiên từ khi lên sàn chứng khoán năm 2007. Chi tiết hơn, PTSC công bố doanh thu quí IV/2019 đạt 3.664 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kì năm 2018. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty chịu lỗ gộp 29,6 tỉ đồng.
Lũy kế cả năm 2019, PTSC đạt 17.233 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 17,7% so với năm 2018. Nhờ ghi nhận 105,9 tỉ đồng lợi nhuận khác (năm 2018 lỗ 558,6 tỉ đồng), lãi sau thuế cả năm 2019 vẫn tăng trưởng 18,8% lên 680,7 tỉ đồng.
Ngoài ra, NĐT nước ngoài thoái ròng khỏi cổ phiếu SHB (21 tỉ đồng), NTP (9,5 tỉ đồng), SHS (5,3 tỉ đồng). Lọt top bán ròng còn có các mã khác như NDN, PLC, TNG, CEO, S55 và PMC.
Trong khi đó, khối ngoại chủ yếu mua ròng cổ phiếu VCS (7 tỉ đồng), AMV (2 tỉ đồng) và TIG (1,9 tỉ đồng). Với giá trị mua ròng dưới 1 tỉ đồng, các mã lọt top tuần qua còn có NRC, WCS, LAS, NBC....
Duy nhất tại UPCoM, khối ngoại mua ròng 24 tỉ đồng, chủ yếu gom BSR
Thống kê giao dịch khối ngoại trên thị trường UPCoM, giá trị mua ròng đạt 24 tỉ đồng cùng khối lượng mua ròng 3,2 triệu cổ phiếu. Trong đó, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường này trong hầu hết phiên tuần qua, ngoại trừ phiên thứ Năm.
Về giá trị cụ thể, NĐT nước ngoài mua tập trung gom cổ phiếu BSR và VEA lần lượt 17 tỉ đồng và 10,4 tỉ đồng. Theo sau đó, dòng vốn ngoại tìm đến mã QNS (7,9 tỉ đồng), LPB (5,4 tỉ đồng). Cùng ghi nhận giá trị mua ròng trong tuần còn có cổ phiếu VGG, FOX, MCH, VGI, BCM và WSB.
Ngược lại, cổ phiếu bị rút ròng nhiều nhất tuần qua là CTR với giá trị 9,5 tỉ đồng. Hai mã ACV và MPC lần lượt theo sau với giá trị bán ròng 6,2 tỉ đồng và 2,5 tỉ đồng. NĐT ngoại còn bán ròng cổ phiếu FOC, LTG, VGT, VTP, SNZ và SAS.