|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh tiếp đà mua ròng trong tuần VN-Index bứt tốc, tâm điểm gom VPB

14:26 | 10/10/2021
Chia sẻ
Cổ phiếu VPB của VPBank đứng đầu trong Top10 cổ phiếu được khối tự doanh CTCK gom ròng mạnh nhất tuần với 149,6 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 3,5 triệu đơn vị.

Nhịp điều chỉnh kéo dài hai tuần đã kết thúc, thay thế bằng diễn biến bất ngờ trong tuần này khi VN-Index ghi nhận mức tăng 38,8 điểm (2,8%) để chốt tuần tại 1.372,73. Với 5 phiên tăng liên tiếp, VN-Index đã chinh phục lần lượt các kháng cự khó nhằn trong hơn một tháng nay là 1.340, 1.350 và 1.360 điểm.

Nhóm bluechip với mức tăng phổ biến 3 - 5% trong tuần là động lực chính giúp VN-Index tăng điểm, trong đó GAS tăng 8,6% đã giúp VN-Index tăng 4,5 điểm và dẫn đầu danh sách các mã tác động tích cực đến chỉ số.

Bên cạnh đó, VHM, HPG, MSN, GVR. TCB, SAB, FPT với mức tăng 3 - 5% lần lượt là các cổ phiếu tiếp theo ảnh hưởng đến chỉ số. Nhóm này đã giúp VN-Index tăng 15 điểm.

Diễn biến tăng điểm của VN-Index đã tạo nên sự tích cực cho xu hướng ngắn hạn. Tuy nhiên diễn biến này đang phụ thuộc nhiều vào việc các bluechip luân phiên tăng điểm, trong khi phần lớn các cổ phiếu khác trong trạng thái giằng co.

Trong tuần VN-Index diễn biến khởi sắc, khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 4/5 phiên với lực cầu chiếm ưu thế. Cụ thể, nhóm này mua vào tổng cộng gần 1.775 tỷ trong khi bán ra 1.094 tỷ đồng, theo đó giá trị vào ròng đạt gần 681 tỷ đồng. Dòng tiền tự doanh có khuynh hướng tăng vào nhóm vốn hóa lớn sau nhiều tuần tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

 - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch của khối tự doanh trong tuần từ 4 - 8/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Nhóm bán lẻ, bất động sản hút tiền

Diễn biến theo từng nhóm ngành, ngành bán lẻ và bất động sản nổi lên là hai lĩnh vực được gom ròng nhiều nhất với giá trị khoảng 90 tỷ đồng. Nhìn chung tỷ trọng dòng tiền phân bổ vào hai nhóm này đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đó dù biến động giá vẫn ghi nhận tăng trưởng.

Theo thống kê, dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các ngành ngân hàng (76,3 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (57,4 tỷ đồng), xây dựng và vật liệu (38 tỷ đồng), thực phẩm và đồ uống (17,9 tỷ đồng).

Mặc dù hoạt động 'gom hàng' chiếm ưu thế so với phía bán ra, nhưng dòng tiền giải ngân đang khá phân tán và không nhóm nào được mua ròng trên trăm tỷ đồng.

 - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành trong tuần 4 - 8/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, hàng & dịch vụ công nghiệp với đại diện là các mã vận tải, cảng biển bị bán mạnh nhất nhưng với giá trị không đáng kể. Về giá trị cụ thể, nhóm này rút ròng chưa đến 18 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh dù tuần trước mua ròng khoảng 4 tỷ đồng. 

Trong phiên thứ Sáu cuối tuần, cổ phiếu vận tải, cảng biến cũng hút tiền trở lại trước những dự báo về kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý III. Loạt mã tăng mạnh nhóm này gồm PHP (7,1%), HAH (5,6%), GMD (3%), SGP (2,9%), VSC (2,1%)....

Tương tự, khối tự doanh cũng tiếp đà rút ròng cổ phiếu điện, nước, xanh dầu & khí đốt trong bối cảnh nhóm này gặp lực cung chốt lời ngắn hạn. Dòng vốn tự doanh cũng rút khỏi ngành hàng cá nhân & gia dụng, dầu khí, bảo hiểm, du lịch & giải trí,...

Tập trung mua ròng VPB trước đợt phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu

Thống kê giao dịch cụ thể, cổ phiếu VPB của VPBank đứng đầu trong Top10 cổ phiếu được khối tự doanh CTCK gom ròng mạnh nhất tuần với 149,6 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 3,5 triệu đơn vị. Thống kê cho thấy cổ phiếu VPBank liên tục nằm trong danh mục các mã được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất tuần qua trong bối cảnh giá cổ phiếu có nhịp tăng nhẹ từ vùng đáy ngắn hạn.

Phiên thứ Sáu vừa qua (8/10) là ngày đăng ký cuối cùng để VPBank thực hiện chia cổ tức và phát hành cổ phiếu tăng vốn. Cụ thể, tới đây VPBank sẽ phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 80% gồm 62,15% để trả cổ tức và phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 17,85%.

Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng tập trung giải ngân vào SSI và HPG với giá trị lần lượt là 105,5 tỷ và 99 tỷ đồng. Dòng vốn tự doanh cũng tìm đến các cổ phiếu GEX (76,2 tỷ đồng), DPM (49,7 tỷ đồng), VHM (41,5 tỷ đồng), ACB (35,9 tỷ đồng) và REE (35,8 tỷ đồng).

Tại thị trường chứng chỉ quỹ, bộ phận tự doanh trở lại mua ròng 45,5 tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND sau tuần bán ròng trước đó. Tương tự E1VFVN30 cũng được khối này gom ròng với giá trị 38,4 tỷ đồng.

Tự doanh tiếp đà mua ròng trong tuần VN-Index bứt tốc, tâm điểm gom VPB - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 4 - 8/10. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu KOS của Kosy bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 75,1 tỷ đồng. Giao dịch được thực hiện qua kênh thỏa thuận với 2,5 triệu cổ phiếu trao tay.

Bên cạnh đó, tự doanh bán ròng một số bluechips như MWG (28,4 tỷ đồng), MBB (11,2 tỷ đồng), VIC (8,6 tỷ đồng) và VCB (8,1 tỷ đồng). Cùng chiều, áp lực bán ròng của khối này còn đặt lên HCM, TV2, NKG, VCI và NVL với giá trị 5,3 - 25,8 tỷ đồng.

Thu Thảo