|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh bán ròng gần 2.800 tỷ đồng tháng 11, xả PAN, VND cùng loạt bluechips

17:14 | 01/12/2021
Chia sẻ
Thống kê trong tháng 11, khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 15/22 phiên, trong đó hai phiên ghi nhận giá trị rút ròng mạnh nhất là 3/11 và 18/11. Tính chung cả tháng, bộ phận tự doanh xả ròng 2,787 tỷ đồng với tâm điểm rút vốn là nhóm thực phẩm đồ uống và chứng khoán.

VN-Index dành phần lớn thời gian trong tháng 11 đi ngang tích lũy trên nền giá cao và chỉ thực sự bứt phá trong tuần cuối cùng của tháng. Đáng chú ý, phiên 25/11 đánh dấu kỷ lục chỉ số chinh phục thành công ngưỡng 1.500 điểm dưới sự dẫn dắt của nhóm bất động sản.

Tuy nhiên đà tăng sau đó đã không thể giữ vững trước những lo ngại biến chủng COVID-19 mới. Điểm sáng là mức giảm ở những phiên cuối tháng nhẹ hơn so với các thị trường trong khu vực cũng như các thị trường lớn trên thế giới, cho thấy tâm lý nhà đầu tư không bị hoảng loạn.

Đóng cửa tháng, VN-Index có thêm 34,17 điểm, tương đương tăng 2,37% so với tháng trước đó và dừng chân tại mốc 1.478,44 điểm. Cùng với đà tăng giá, thanh khoản trên HOSE tăng 53,6% so với tháng trước đó, và tăng 64% so với trung bình cả năm tính đến tháng 11.

Theo quan sát, dòng tiền tại nhóm VN30 đã lấy lại vị thế dẫn dắt sau thời gian lép về trước nhóm midcap. Thống kê trong tháng 11, khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 15/22 phiên, trong đó hai phiên ghi nhận giá trị rút ròng mạnh nhất là 3/11 và 18/11. Tính chung cả tháng, bộ phận tự doanh xả ròng 2.787 tỷ đồng, trong đó nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ xả ròng 1.843 tỷ đồng.

Tự doanh bán ròng gần 2.800 tỷ đồng trong tháng 11, thẳng tay xả PAN, VND cùng loạt bluechips - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch của khối tự doanh trong tháng 11. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh xả nhóm thực phẩm đồ uống, chứng khoán, đồng thời gom cổ phiếu xây dựng

Theo thống kê từ Fiinpro, hoạt động chốt lời của khối tự doanh diễn ra ở nhiều nhóm ngành. Đứng đầu danh mục bán ròng là nhóm thực phẩm và đồ uống với giá trị hơn 504 tỷ đồng. Cùng chiều, tận dụng đà tăng nối tiếp của chỉ số, khối tự doanh công ty chứng khoán xả ròng 353 tỷ đồng cổ phiếu chứng khoán qua kênh khớp lệnh.

Tương tự, nhóm ngân hàng cũng bị rút ròng mạnh mẽ với giá trị hơn 340 tỷ đồng. Như vậy, có sự thay đổi vị thế của khối tự doanh ở nhóm cổ phiếu của các nhà băng, họ tập trung bán ròng thay vì gom ròng đột biến 1.377 tỷ đồng tháng trước đó. Điểm đáng ghi nhận là nhóm ngân hàng, vốn là ngành có vốn hóa cao nhất thị trường, đã tăng tháng thứ hai liên tiếp với tỷ lệ 4,22%.

Khối tự doanh cũng bán ròng các ngành mang tính dẫn dắt như bất động sản (295,1 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (245 tỷ đồng). Ngoài ra, dòng tiền tự doanh còn rút khỏi một số nhóm ngành như điện, nước, xăng dầu khí đốt, hàng & dịch vụ công nghiệp, dầu khí, bán lẻ, du lịch & giải trí... với giá trị thấp hơn.

Tự doanh bán ròng gần 2.800 tỷ đồng trong tháng 11, thẳng tay xả PAN, VND cùng loạt bluechips - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành trong các tháng gần đây. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều ngược lại, hoạt động giải ngân có phần dè dặt khi chỉ có 4/18 nhóm ngành được mua ròng. Khối tự doanh tập trung rót tiền vào nhóm hàng cá nhân & gia dụng, xây dựng & vật liệu với giá trị vào ròng lần lượt đạt 124 tỷ và 106 tỷ đồng.

Thống kê trong tháng 11, nhóm xây dựng & vật liệu bất ngờ hút tiền với tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng 1,2%, bên cạnh đó chỉ số giá ngành này cũng tăng thêm 12,74%, chỉ xếp sau nhóm chứng khoán và ô tô phụ tùng.

Ngoài ra, khối tự doanh còn xuống tiền gom cổ phiếu nhóm công nghệ thông tin (86,6 tỷ đồng) và ô tô phụ tùng (13 tỷ đồng).

Tập trung xả PAN, VND cùng loạt bluechips

Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu VGC của Viglacera dẫn đầu về giá trị mua ròng trong tháng qua với 306,6 tỷ đồng. Một số cổ phiếu bất động sản khác cũng được khối này mua ròng tháng qua là FLC, VIC, VRE.

Theo quan sát, cổ phiếu đầu cơ họ FLC trở lại hút tiền của khối tự doanh sau thời gian dài vắng bóng. Cùng với đó, hai cổ phiếu họ Vingroup cũng nằm trong danh sách gom ròng của tự doanh. Với nỗ lực lội ngược dòng, VIC đang đuổi theo thị trường mức tăng 10,1% từ đầu năm đến nay, và toàn bộ mức tăng này được thực hiện trong vòng 1 tuần gần đây.

Tại rổ VN30, MBB, FPT, HDB được khối tự doanh mua ròng với giá trị lần lượt là 107,6 tỷ, 86,6 tỷ và 29,2 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động mua ròng còn xuất hiện ở EIB (63,3 tỷ đồng), TDP (50 tỷ đồng) và REE (44,6 tỷ đồng). 

Tự doanh bán ròng gần 2.800 tỷ đồng trong tháng 11, thẳng tay xả PAN, VND cùng loạt bluechips - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tháng 11. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều bán ra, cổ phiếu PAN của Tập đoàn PAN bị khối tự doanh công ty chứng khoán thẳng tay xả ròng 470,6 tỷ đồng với khối lượng hơn 14 triệu cổ phiếu. Theo quan sát, hoạt động chốt lời diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu PAN có nhịp tăng gần 25% chỉ trong 1 tháng và kết phiên 30/11 tại 40.400 đồng/cp.

Đại diện cho nhóm chứng khoán, cổ phiếu VND bị bán ròng 457,9 tỷ đồng. Cổ phiếu của VNDirect cũng có tháng giao dịch thăng hoa với đà tăng gần 39% và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trong số các công ty chứng khoán niêm yết.

Cùng chiều, bộ phận tự doanh rút vốn khỏi loạt bluechips như MSN (385,6 tỷ đồng), STB (185,5 tỷ đồng), HPG (223 tỷ đồng), VHM (186,5 tỷ đồng) và GAS (116,2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, bất chấp tín hiệu khởi sắc từ thị trường chung, các cổ phiếu nhóm vốn hóa vừa như HAG và LPB cũng bị bán ròng với giá trị lần lượt là 161,3 tỷ và 110,2 tỷ đồng.

Đối với giao dịch chứng chỉ quỹ, mã FUEVFVND bị khối tự doanh xả ròng với giá trị 390,1 tỷ đồng.

Thu Thảo