|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại có ba tháng liên tiếp bán ròng trên 8.000 tỷ đồng, nguyên nhân là gì?

09:10 | 01/12/2021
Chia sẻ
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã xả tổng cộng gần 57.700 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.
Khối ngoại có ba tháng liên tiếp bán ròng trên 8.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Khối ngoại bán ròng 9 trong tổng số 11 tháng đầu năm 2021.

Trong tháng 11 vừa qua, khối ngoại bán ròng 8.142 tỷ đồng trên cả ba sàn HOSE, HNX và UPCoM. Đây là tháng thứ ba liên tiếp các nhà đầu tư nước ngoài xả trên 8.000 tỷ trong một tháng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng 57.691 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD. Tháng 3 và tháng 5 ghi nhận giá trị bán ra cao kỷ lục.

Trong ba tháng gần đây, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu danh sách bán ra của khối ngoại, theo sau là VIC của Vingroup và SSI của Chứng khoán SSI.

Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang sở hữu khoảng 24,5% vốn điều lệ của Hòa Phát và 13,6% vốn của Vingroup. Công ty con của Vingroup là Vinhomes (Mã: VHM) cũng có tên trong top 10 bán ròng từ 1/9 đến 30/11.

Khối ngoại có ba tháng liên tiếp bán ròng trên 8.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tuy khối ngoại nói chung liên tục xả hơn 17.000 tỷ đồng HPG trong 11 tháng qua nhưng cổ đông ngoại lớn nhất là nhóm quỹ Dragon Capital vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu tại Hòa Phát ở quanh mức 6%.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua thêm gần 1.400 tỷ đồng cổ phiếu CTG của VietinBank trong ba tháng gần đây, theo ngay sau là ba mã ngân hàng khác gồm TPB của TPBank, MBB của Ngân hàng Quân Đội và STB của Sacombank.

Đại diện duy nhất của sàn HNX góp mặt trong top 10 mua ròng là cổ phiếu THD của Thaiholdings. Kết phiên 30/11, giá THD dừng ở 252.400 đồng/cp, cao thứ 3 thị trường chứng khoán Việt Nam và tăng 119% so với đầu năm.

Ông Nguyễn Đức Thụy (hay gọi là bầu Thụy) không còn trong ban lãnh đạo của Thaiholdings nhưng vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty. Ngày 29/11 vừa qua, ông Thụy đã mua thêm 1,5 triệu cổ phiếu THD, nâng tỷ lệ sở hữu lên 24,97%. Giá trị giao dịch khoảng 375 tỷ đồng.

Hiện nay ông Thụy còn là Phó Chủ tịch của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB). Từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng 272 tỷ đồng LPB.

Khối ngoại có ba tháng liên tiếp bán ròng trên 8.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Hiện nay, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt khoảng 50 tỷ USD, tương đương với đầu năm và chiếm 18% giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Vì sao khối ngoại bán ròng?

Hai nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam là ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital và ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital đều đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng rất mạnh và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong huy động vốn trung-dài hạn cho doanh nghiệp.

"Từ hai doanh nghiệp ban đầu, sàn chứng khoán Việt Nam hiện có hơn 1.600 công ty. Tổng giá trị doanh nghiệp trên sàn hôm nay vượt 300 tỷ USD, tương đương hơn 100% GDP", ông Andy Ho chia sẻ trên Talkshow Phố Tài chính của VTV ngày 29/11.

Ông Dominic Scriven cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài bán ròng vì Việt Nam vẫn thuộc nhóm thị trường cận biên và "khái niệm đầu tư vào thị trường cận biên đang hao mòn". 

"Dù đã tiến bộ rất nhiều nhưng Việt Nam vẫn chưa được xếp vào nhóm thị trường mới nổi nên mất khả năng thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài", Chủ tịch Dragon Capital nói. Ngoài ra, trong thời COVID-19, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng có tư tưởng đem tiền về nhà.

Ông Andy Ho thì tin tưởng nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại thị trường Việt Nam nếu có thêm các sản phẩm như phái sinh để cho nhà đầu tư tham gia vào. Ngoài ra, Việt Nam cần nỗ lực để được MSCI nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, khi đó dòng vốn ngoại sẽ chảy vào mạnh hơn.

Ông Dominic Scriven cho rằng để thu hút thêm vốn ngoại, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư bằng cách khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, ...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tháo gỡ những trở ngại như yêu cầu nhà đầu tư ngoại phải có sẵn tiền khi đặt mua chứng khoán hay giới hạn tỷ lệ room ngoại trong một số công ty.

Song Ngọc

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.