|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng CTG trong 11 phiên liên tục, sở hữu trên 25% vốn VietinBank

18:16 | 28/11/2021
Chia sẻ
CTG của VietinBank là một trong hai mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất kể từ đầu quý IV đến nay.
Khối ngoại mua ròng CTG trong 11 phiên liên tục, sở hữu trên 25% vốn VietinBank - Ảnh 1.

Một người rút tiền tại cây ATM của VietinBank. (Ảnh: Song Ngọc).

Chuỗi mua ròng cổ phiếu VietinBank (CTG)

Liên tục trong 11 phiên từ ngày 12 đến 26/11, các nhà đầu tư nước ngoài đều mua ròng cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), phiên ít nhất chỉ hơn 2 tỷ đồng và phiên nhiều nhất là hơn 100 tỷ đồng. Tổng giá trị gom thêm trong 11 phiên là 640 tỷ đồng.

Nếu không kể phiên bán ròng nhẹ 11/11, khối ngoại đã mua ròng CTG trong 22 phiên liên tiếp kể từ ngày 27/10.

Xu thế này trái ngược so với 9 tháng đầu năm khi CTG bị bán ra gần 6.900 tỷ đồng, mạnh thứ 2 toàn thị trường chỉ sau cổ phiếu HPG của Hòa Phát.

Khối ngoại mua ròng CTG trong 11 phiên liên tục, sở hữu trên 25% vốn VietinBank - Ảnh 2.

Tính từ đầu quý IV đến nay, CTG là mã được nhà đầu tư nước ngoài mua thêm nhiều thứ 2 thị trường, chỉ sau một cổ phiếu ngân hàng khác là TPB của TPBank. Hiện nay, khối ngoại đang sở hữu hơn 1,2 tỷ đơn vị CTG, tương đương trên 25% vốn điều lệ của VietinBank.

Một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng được gom vào nhưng với khối lượng nhỏ hơn như STB của Sacombank hay VCB của Vietcombank.

Ở chiều ngược lại, VPB của VPBank và HDB của HDBank dẫn đầu nhóm ngân hàng trong danh sách bán ròng của khối ngoại.

Khối ngoại mua ròng CTG trong 11 phiên liên tục, sở hữu trên 25% vốn VietinBank - Ảnh 3.

Trong báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán SSI cho biết VietinBank đã xử lý khoảng 5.100 tỷ đồng nợ xấu và trích lập dự phòng thêm khoảng 14.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021. Mắc dù vậy, áp lực trích lập dự phòng đối với VietinBank vẫn còn do dư nợ đã tăng khá mạnh, SSI cho hay.

Nợ nhóm 5 của VietinBank trong quý III đã giảm so với quý II do hai nguyên nhân. Thứ nhất, một số khách được cơ cấu nợ chuyển nhóm 5 trong quý II đã trả nợ đúng hạn theo lịch cơ cấu, được ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ trong thời gian tới và chuyển về nhóm 1. Thứ hai, VietinBank đã thực hiện xử lý rủi ro trong quý III.

Trong khi đó, nợ nhóm 3 và 4 tăng mạnh từ khoảng 2.200 tỷ đồng tại ngày cuối quý II lên khoảng 14.600 tỷ đồng cuối tháng 9. Theo ban lãnh đạo, VietinBank đã cơ cấu lại kỳ hạn thanh toán cho một số khách hàng lớn. Theo quy định tại Thông tư 02/2013, các khoản nợ này bị chuyển xuống nhóm 3 và 4.

SSI cho biết ngân hàng ước tính 75%-80% các khoản nợ này sẽ được phân loại lại thành nợ tiêu chuẩn có rủi ro thấp hơn trong quý IV, trong khi phần còn lại sẽ hồi phục trong quý I/2022. Tại thời điểm cuối quý III/2021, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,67% (so với 1,34% vào cuối quý II), trong khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLCR) giảm còn 119% (so với 129% vào cuối quý II).

Trên toàn thị trường, kể từ đầu quý IV đến nay, khối ngoại đã xả gần 16.300 tỷ đồng, trong đó hai phiên có giá trị bán ròng lớn nhất là 11/10 và 26/11, giá trị mỗi phiên đều trên 2.100 tỷ.

Ngày thứ Sáu vừa qua (26/11), các nhà đầu tư ngoại mua bán thỏa thuận với nhau gần 4,9 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động tại giá trần 155.100 đồng/cp, tổng giá trị giao dịch gần 758 tỷ đồng.

MWG đã hết room ngoại nên các nhà đầu tư nước ngoài không thể mua từ các cổ đông trong nước mà chỉ có thể mua từ nhà đầu tư ngoại khác, thường là ở mức giá trần. Kết phiên 26/11, MWG giảm 2,4% còn 141.500 đồng/cp, thấp hơn đáng kể so với giá giao dịch thỏa thuận trong phiên.

Khối ngoại mua ròng CTG trong 11 phiên liên tục, sở hữu trên 25% vốn VietinBank - Ảnh 5.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động trên Quốc lộ 32. (Ảnh: Song Ngọc).

Nhà đầu tư bất an vì Omicron

Phiên cuối tuần 26/11, nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh cổ phiếu Việt Nam cũng như trên các thị trường toàn cầu sau thông tin về sự xuất hiện của biến thể COVID-19 có tên Omicron. Đến nay, các ca nhiễm Omicron đã được tìm thấy ở Nam Phi, Botswana, Israel, Hong Kong, Bỉ, Đức, Italy và Anh.

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, Mỹ tạm thời chưa phát hiện Omicron nhưng gần như chắc chắn biến thể này sẽ lan ra toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi Omicron là biến thể "đáng lo ngại", nhưng chưa đưa ra kết luận về khả năng lây nhiễm cũng như mức độ gây hại tới sức khỏe so với Delta và các biến thể trước đó.

Các tập đoàn dược phẩm lớn khẳng định đang tập trung nghiên cứu các đặc tính của Omicron và có thể nhanh chóng điều chỉnh các loại vắc xin hiện nay để chống lại biến thể này nếu cần thiết.

Tiến sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra dự đoán về một cuộc khủng hoảng y tế.

"Lúc này, tất cả vẫn chỉ là suy đoán. Omicron có thể rất dễ lây, nhưng cho đến nay, những ca mà chúng tôi phát hiện đều rất nhẹ. Vài tuần nữa, quan điểm của tôi có thể sẽ thay đổi, nhưng hiện nay chúng tôi thấy tình hình chỉ như vậy thôi. Vậy chúng tôi có cực kỳ lo lắng không? Câu trả lời là không", tờ The Guardian dẫn lời bà Coetzee nhận định.

Thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu và Mỹ đồng loạt lao dốc trong phiên 26/11. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất hơn 900 điểm, tương đương 2,53%, đánh dấu phiên đi xuống mạnh nhất kể từ đầu năm 2021 đến nay. Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng và công nghiệp là những nhóm lao dốc mạnh nhất thị trường chứng khoán Mỹ.

Giá dầu WTI sụt 13% xuống còn 68 USD/thùng. Giá bitcoin cũng lao dốc và rơi vào vùng thị trường gấu.

Khối ngoại mua ròng CTG trong 11 phiên liên tục, sở hữu trên 25% vốn VietinBank - Ảnh 7.

Tại Việt Nam trong hai ngày cuối tuần (27-28/11), các diễn đàn chứng khoán xôn xao bàn luận về Omicron và ảnh hưởng của nó tới thị trường ngày đầu tuần 29/11. Nhiều người hô sập và khuyến nghị bán tháo trong khi người khác tuyên bố đã sẵn sàng bắt đáy giá sàn.

Song Ngọc