Chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2021
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 905 điểm, tương đương 2,53%, kết phiên ở 34.899 điểm. Ở đáy của ngày, chỉ số gồm 30 bluechip này sụt hơn 1.000 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đóng cửa giảm lần lượt 2,27% và 2,23%.
Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về một biến thể COVID-19 mới được phát hiện ở Nam Phi. Biến thể mới này được đặt tên là Omicron, ký hiệu B.1.1.529.
CNBC dẫn lời bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu về COVID-19 của WHO nhận định Omicron "có một số tính chất đáng ngại".
"Biến thể này có số lượng đột biến rất lớn, và một số đột biến có các tính chất đáng phải lo lắng", bà Kerkhove nói.
Các nhà khoa học cho rằng lượng đột biến lớn có thể khiến cho biến thể Omicron kháng được vắc xin. Tuy nhiên, WHO chưa khẳng định điều này và tuyên bố cần nghiên cứu thêm.
Ngoài Nam Phi, các ca nhiễm Omicron còn được phát hiện ở Hong Kong, Bỉ và Botswana. Anh và Israel đã ra lệnh hạn chế đi lại đối với nhiều quốc gia ở châu Phi.
Giá trái phiếu tăng vọt khi nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 15 điểm cơ bản xuống còn 1,49% (lợi suất và giá trái phiếu biến động ngược chiều). Đây là một sự đảo chiều đột ngột bởi hồi đầu tuần này, có lúc lợi suất lên cao tới 1,68%.
Thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng thiệt hại nặng nề sau thông tin về biến chủng virus mới. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hong Kong giảm lần lượt 2,5% và 2,7%.
Chỉ số Dax của Đức mất 4,2%, CAC của Pháp và FTSE của Anh bốc hơi lần lượt 4,8% và 3,6%. Giá bitcoin – một loại tài sản rủi ro khác – sụt 8%.
Chỉ số biến động Cboe, thường được coi là thước đo sự sợ hãi của Phố Wall, vọt lên mức 28 điểm, cao nhất trong hai tháng gần đây.
Giá dầu WTI của Mỹ giảm 13% xuống còn 68 USD/thùng. Giá dầu Brent quốc tế cũng mất 11,6%, xuống 72,7 USD/thùng.
Các cổ phiếu liên quan tới du lịch như nhóm du thuyền Carnival và Royal Caribbean Cruise Line mất lần lượt 11% và 13,2%. Ở nhóm hàng không, United Airlines giảm 9%, American Airlines theo sau với 8,8%.
Cổ phiếu tài chính ngân hàng, công nghiệp và dầu khí cũng đồng loạt xuống sâu.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư rót tiền vào cổ phiếu của các nhà sản xuất vắc xin. Moderna tăng hơn 20%, Pfizer thêm 6,1%. Những cổ phiếu hưởng lợi khi giãn cách xã hội cũng tăng giá, Zoom Video và Peloton đều thêm hơn 5%.