Phiên 30/11: Khối ngoại gia tăng bán ròng trước lo ngại về biến chủng COVID-19 nhưng mua gom hơn trăm tỷ đồng VHM
Mọi nỗ lực tăng điểm trong phiên sáng đã bị đánh đổ trong phiên chiều với áp lực xả mạnh mẽ từ cổ phiếu trụ rổ VN30. Bất chấp nỗ lực gồng đỡ của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, VN-Index vẫn không thể tìm lại sắc xanh đến cuối phiên.
Nhìn chung, phản ứng của thị trường trong nước có phần ảnh hưởng bởi diễn biến trên thế giới sau khi đồng loạt giảm sâu trước những lo ngại về biến chủng COVID-19 mới. Tâm lý nhà đầu tư phần nào bị ảnh hưởng sau thông tin CEO của Moderna cho rằng các loại vắc xin hiện nay tỏ ra kém hiệu quả đối với biến thể Omicron.
Kết phiên, VN-Index giảm 6,4 điểm (0,43%) còn 1.478,44 điểm, HNX-Index giảm 2,53 điểm (0,55%) xuống 458,05 điểm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (0,03%) lên 114,1 điểm.
Hôm nay cũng là phiên chốt NAV tháng 11, nhìn chung thị trường không quá bi quan do dòng tiền luôn chủ động gia nhập vào mỗi nhịp giảm sâu, mặt khác độ rộng khá cân bằng trên HOSE với 231 mã tăng/237 mã giảm.
Trên sàn HOSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp với quy mô 609 tỷ đồng, tăng hơn 73% so với phiên đầu tuần. Về khối lượng, nhóm này rút ròng 18,5 triệu đơn vị, tập trung chủ yếu ở nhóm thép, dịch vụ tài chính.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát trở lại dẫn đầu chiều bán với quy mô xả ròng hơn 119 tỷ đồng, tương đương 2,4 triệu đơn vị. Tuy vậy, lực cầu đối ứng đã giúp cổ phiếu này vẫn đóng cửa trong sắc xanh và là mã đóng góp lớn thứ 2 cho VN-Index.
Nối tiếp, lực xả trên 100 tỷ đồng cũng tập trung ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, lần lượt là SSI (109 tỷ đồng), MSN (106 tỷ đồng), VIC (106 tỷ đồng). Đây hầu hết là những cổ phiếu ghi nhận mức thanh khoản lớn trong ngày cuối cùng MSCI hoàn tất cơ cấu danh mục.
Trong phiên nhóm ngân hàng đồng loạt chịu áp lực điều chỉnh và kéo tụt đà tăng của thị trường, khối ngoại cũng tập trung bán ròng cổ phiếu SHB (77,3 tỷ đồng) và HDB (52,6 tỷ đồng). Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có TCH (57,6 tỷ đồng), GEX (47 tỷ đồng), VJC (46,4 tỷ đồng), GAS (43,7 tỷ đồng)...
Mặc dù xả ròng hơn trăm tỷ đồng mã VIC, cổ phiếu VHM của Vinhomes lại dẫn đầu danh mục hút vốn ngoại khi được mua gom hơn 125 tỷ đồng, tương đương 1,4 triệu đơn vị cổ phiếu.
Tương tự, nhóm dịch vụ tài chính cũng xuất hiện giao dịch trái chiều khi hai cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect và VCI của Chứng khoán Bản Việt được mua gom lần lượt 80 tỷ đồng và 49 tỷ đồng.
Theo sau, khối ngoại giao dịch tương đối ảm đạm khi chỉ rót ròng với quy mô dưới 50 tỷ đồng vào một số cổ phiếu, lần lượt là DGC (46 tỷ đồng), DIG (44,8 tỷ đồng), DPM (44,1 tỷ đồng), BID (32,4 tỷ đồng)...
Tại sàn HNX, giao dịch khối ngoại bất ngờ đảo chiều tích cực khi nhóm này quay lại mua ròng 43,3 tỷ đồng. Tuy vậy, nhóm này vẫn rút ròng về khối lượng 677.505 đơn vị.
Tại chiều mua, dòng tiền ngoại rót ròng chủ yếu vào cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội với giá trị lên tới 44,5 tỷ đồng và THD của Thaiholdings (32,6 tỷ đồng). Nhà đầu tư nước ngoài mua gom nhẹ hơn cổ phiếu PVI (5,9 tỷ đồng), theo sau bởi EID (796 triệu đồng), PVS (635 triệu đồng), DAD (611 triệu đồng)...
Sau phiên chốt lời mạnh, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 19 tỷ đồng cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O. Đáng chú ý, sau đà tăng "khủng", cổ phiếu CEO đã quay đầu nằm sàn trong phiên 30/11.
Bên cạnh đó, khối ngoại cũng tập trung chốt lời 16,4 tỷ đồng cổ phiếu HUT trong phiên tăng trần, theo sau bởi IVS (2,8 tỷ đồng), NAG (918 triệu đồng), TTZ (656 triệu đồng), BVS (483 triệu đồng)...
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại duy trì xu hướng mua ròng trong giai đoạn gần đây bằng một phiên mua gom hơn 45,9 tỷ đồng, tương đương khối lượng 607.739 đơn vị cổ phiếu.
Ở chiều mua, cổ phiếu MML của Masan MEATLife là mã được mua ròng lớn nhất với 16,2 tỷ đồng. Mới đây, MML đã thông báo sẽ nhận chuyển nhượng 24,9% cổ phần Vissan từ CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco).
Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại tập trung mua ròng một số mã như NTC (11,6 tỷ đồng), QNS (10,8 tỷ đồng), trước khi mua gom nhẹ hơn CTR (3,2 tỷ đồng), MCM (1,9 tỷ đồng), TCI (1,4 tỷ đồng), VEA (1,3 tỷ đồng),...
Trái lại, tại chiều bán, khối ngoại tập trung rút ròng nhiều nhất khỏi ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (2,4 tỷ đồng) và VTP của Viettel Post (1,9 tỷ đồng). Theo sau, lực xả dưới 1 tỷ đồng được ghi nhận lần lượt ở MCH, GHC, EVF,...