Thị trường chứng khoán (30/11): Midcap và penny nỗ lực gồng đỡ, VN-Index vẫn giảm hơn 6 điểm do áp lực xả từ rổ VN30
Kết phiên, VN-Index giảm 6,4 điểm (0,43%) còn 1.478,44 điểm, HNX-Index giảm 2,53 điểm (0,55%) xuống 458,05 điểm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (0,03%) lên 114,1 điểm.
Thị trường chứng khoán phiên chiều bất ngờ bị bán mạnh trong bối cảnh thị trường thế giới đồng loạt giảm sâu trước những lo ngại về biến chủng COVID-19 mới. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề sau thông tin CEO của Moderna cho rằng các loại vắc xin hiện nay tỏ ra kém hiệu quả đối với biến thể Omicron.
Trở lại với thị trường Việt Nam, mọi nỗ lực tăng điểm trong phiên sáng đã bị đánh đổ trong phiên chiều với áp lực xả mạnh mẽ từ cổ phiếu trụ rổ VN30. Bất chấp nỗ lực gồng đỡ của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, VN-Index vẫn không thể tìm lại sắc xanh đến cuối phiên.
Hôm nay cũng là phiên chốt NAV tháng 11, nhìn chung thị trường không quá bi quan do dòng tiền luôn chủ động gia nhập vào mỗi nhịp giảm sâu, mặt khác độ rộng khá cân bằng trên HOSE với 231 mã tăng/237 mã giảm.
Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng tác động tiêu cực nhất lên chỉ số khi riêng nhóm này đã lấy đi gần 10 điểm của VN-Index. Theo quan sát, chỉ có 3 cổ phiếu giữ được sắc xanh đến cuối phiên là EVF, NVB và PGB, thêm KLB đững giá tham chiếu, còn lại 24/28 mã đóng cửa chìm trong sắc đỏ. Những cổ phiếu giảm mạnh là OCB (-5,4%), TPB (-4,4%), MSB (-4,4%), VBB (-4,1%), SGB (-3,6%).
Tương tự, nhiều cổ phiếu chứng khoán tăng khá tốt trong sáng nay cũng quay đầu, chỉ số ít mã duy trì được đà tăng như VFS, PHS, AGR, TVS, VIX, VCI, SSI, TCI, AAS. Riêng CSI và IVS tăng hết biên độ và đóng cửa trong sắc tím.
Thanh khoản cũng được đẩy lên cao với tổng giá trị giao dịch đạt trên 42.000 tỷ đồng. Trong đó tính riêng thanh khoản sàn HOSE là 34.418 tỷ đồng, tăng gần 9% so với phiên liền hôm qua.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 3,5 điểm (0,24%) còn 1.481,34 điểm, VN30-Index giảm 10,74 điểm (0,69%) xuống 1.542,3 điểm.
Đầu phiên chiều, đà tăng của các chỉ số chứng khoán Việt Nam dần thu hẹp dưới ảnh hưởng từ các chỉ số toàn cầu. Các nhịp rung lắc liên tục xuất hiện, trong đó nhóm cổ phiếu trụ ở rồ VN30 bị "đè bán" khá sâu, theo đó VN-Index chưa thể lấy lại sắc xanh. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy luôn nhập cuộc kịp thời mỗi khi chỉ số nhúng mạnh dưới tham chiếu.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 16,17 điểm (1,09%) lên 1.501,01 điểm, HNX-Index tăng 1,89 điểm (0,41%) lên 462,47 điểm, UPCoM-Index tăng 1,15 điểm (1,01%) lên 115,21 điểm.
Thị trường duy trì đà tăng trong toàn bộ thời gian giao dịch phiên sáng tuy nhiên thanh khoản có phần suy giảm so với phiên trước. Xu hướng tăng giá đồng thuận giúp độ rộng thị trường cải thiện tích cực. Toàn thị trường có 712 mã tăng (trong đó có 69 mã tím trần), 314 mã giảm và 156 mã đứng giá tham chiếu.
Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 20.855,91 tỷ đồng, tương ứng 697,2 triệu đơn vị cổ phiếu được mua bán. Riêng thanh khoản trên HOSE đạt 16.944 tỷ đồng, giảm 15% so với phiên thứ Sáu tuần trước.
Tiêu điểm dòng tiền tiếp tục hướng về nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi nhóm vốn hóa lớn đồng thuận tăng giá. Rổ VN30 giao dịch khởi sắc với 21 mã tăng, 5 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, những cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho thị trường có GVR tăng kịch trần, cùng với HPG, VCB, GAS, BID... Ngược lại, bộ ba VJC, VIC, KDC chịu áp lực điều chỉnh và kìm hãm đà tăng thị trường.
Nhóm hóa chất, ngân hàng giữ vị thế dẫn dắt với nhiều cổ phiếu giao dịch khởi sắc như DGC, VPS, CSV, DPM, BFC, LAS, DCM, EVF, PGB, BID, EIB, KLB, HDB,...
Bên cạnh đó, dòng bất động sản, xây dựng cũng có phiên giao dịch tích cực với phần lớn cổ phiếu kết phiên sáng trong sắc xanh, loạt mã tăng hết biên độ như ITA, GVR, DXG, DXS, CTD, VGC.
Theo quan sát, nhiều cổ phiếu cũng có phiên hồi phục ấn tượng từ vùng đáy ngắn hạn như PVC tăng 7,8%, PVD "tím lịm", PVS tăng 6,5%, BSR tăng 5,9%,...
Tính đến 11h00, VN-Index tăng 13,9 điểm (0,94%) lên 1.498,74 điểm, VN30-Index tăng 5,8 điểm (0,37%) lên 1.558,84 điểm.
VN-Index thành công lấp gap sau đó quay đầu lấy lại xung lực tăng đầu phiên sáng. Chỉ số đang tiến sát mốc 1.500 điểm với nỗ lực gồng đỡ của các nhóm cổ phiếu. Tại nhóm vốn hóa lớn, sắc xanh áp đảo với 21 mã tăng, trong đó có 1 cổ phiếu tăng kịch trần là GVR.
Tính đến 9h50, VN-Index tăng 11,95 điểm (0,8%) lên 1.496,79 điểm, HNX-Index tăng 2,01 điểm (0,44%) lên 462,59 điểm, UPCoM-Index tăng 1,14 điểm (1%) lên 115,21 điểm.
Thị trường phiên qua giảm điểm do ảnh hưởng từ câu chuyện biến chủng mới Omicron của virus SARS-Cov-2, tuy nhiên tâm lý NĐT không quá bi quan, lực bán không quá mạnh và lực cầu đã kích hoạt mạnh mẽ quanh vùng hỗ trợ 1.470, giúp VN-Index dần thu hẹp đà giảm về cuối phiên.
Đến đầu phiên sáng nay, tâm lý giao dịch kém tích cực đã tạm thời được cởi bỏ, thay vào đó là dòng tiền FOMO trên diện rộng kéo VN-Index mở gap tăng mạnh, có thời điểm chỉ số sàn HOSE bật tăng hơn 14 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng đang là nhóm tác động tích cực nhất lên VN-Index với mức đóng góp gần 2,7 điểm. Theo quan sát 20/28 cổ phiếu nhà băng giao dịch trong sắc xanh. Các mã tăng mạnh là các bank nhí như PGB (6,8%) và NAB (1,7%).
Kế đó, nhóm hóa chất, bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu cũng góp phần củng cố cho sắc xanh của chỉ số.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 29/11 đồng loạt đi lên và lấy lại một phần thiệt hại của phiên bán tháo cuối tuần qua, sau khi Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ hiện nay chưa cần phong tỏa để đối phó với biến thể Omicron.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 236,6 điểm, tương đương 0,68%, và kết phiên ở 35.135,9 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đi lên lần lượt 1,32% và 1,88%.