Từ chàng sinh viên ‘3 không’ thành ông chủ tập đoàn NextTech
Chủ tịch NextTech: Doanh nghiệp truyền thống dễ 'khai tử' nếu năng lực công nghệ của lãnh đạo yếu kém |
Xuất phát từ doanh nghiệp 1 người
Sở hữu cái tên nghe rất yên bình nhưng con đường khởi nghiệp của Nguyễn Hòa Bình lại không hề yên ả. Năm 2001, chàng sinh viên năm thứ hai của Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu sự nghiệp bằng 2 triệu đồng với suy nghĩ nếu thành công, anh sẽ có sự nghiệp riêng, còn nếu thất bại anh cũng dễ xin việc hơn.
Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech - chia sẻ trong chương trình Quốc gia Khởi nghiệp. |
PeaceSoft là một trong những start-up công nghệ trên nền internet lứa đầu tiên tại Việt Nam. Xuất phát từ “ba không” (không vốn, không trụ sở, không nhân viên), nhưng nhà sáng lập Hòa Bình lại có nhiều cơ hội vì quá ít đối thủ cạnh tranh.
Nhận thấy người gia công sản phẩm hưởng lợi ích thấp nhất, ông chủ PeaceSoft quyết định thay đổi chiến lược sau 7 năm tập trung viết phần mềm theo yêu cầu khách hàng. Anh chuyển hình thức kinh doanh “ráo mồ hôi hết tiền” sang mô hình dịch vụ “đi ngủ tiền cũng về”.
Bình lựa chọn lĩnh vực giao dịch thương mại điện tử - một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam vào thời điểm đó. Vì vậy, công ty gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Nhưng chính lý do đó giúp PeaceSoft được nhớ tới là start-up thương mại điện tử đi đầu.
“Tiếng tăm giúp PeaceSoft thu hút nhiều nhà đầu tư rót vốn để lấn sân sang nhiều dịch vụ công nghệ khác. Từ đây, doanh nghiệp manh nha xây dựng hệ sinh thái đa dịch vụ NextTech”, Bình nói.
Đầu năm 2016, công ty tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn để không dừng lại ở thị trường thương mại điện tử mà tham gia vào cuộc chơi lớn hơn là điện tử hoá thương mại với tổng doanh số bán lẻ lên đến 110 tỷ USD/năm. Tại Việt Nam, NextTech có một chuỗi sản phẩm đột phá như: cổng thanh toán NgânLượng.vn, cổng vận chuyển ShipChung.vn, dịch vụ quẹt thẻ thanh toán trên di động mPoS.vn, cổng mua sắm xuyên biên giới WeShop, hạ tầng hậu cần kho vận BoxMe.vn.
Mô hình kinh doanh “Lương Sơn Bạc” của doanh nhân công nghệ
Xây dựng hệ sinh thái với 20 sản phẩm công nghệ từ hai bàn tay trắng, Hòa Bình cho rằng anh rất may mắn nhưng không trúng số. Giống như đa số start-up, anh phải tự xoay sở mà không ai hướng dẫn. Nhưng anh kịp nhận thức để chuyển hướng, biến NextTech trở thành mô hình “Kương Sơn Bạc” – nơi tụ tập doanh nhân công nghệ.
“Bất cứ người nào muốn khởi nghiệp dễ dàng hơn, đơn giản hơn thì đến hội quân với NextTech”, Bình nhấn mạnh.
Hiện nay, NextTech được đánh giá là môi trường sáng tạo ươm mầm ý tưởng. Tại đây, những người khởi nghiệp công nghệ tụ họp, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái bền vững. Nhà sáng lập nhận định, chiến thuật "đàn cá hổ" là cơ sở để công ty tồn tại, bởi người ta dễ bắt một con cá nhưng khó tiêu diệt cả đàn cá.
Không gian làm việc xanh kết hợp giải trí của NextTech. Ảnh: NextTech. |
Tấn công để phòng thủ tốt nhất
Với thị trường thương mại điện tử tiềm năng, Việt Nam luôn là điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì củng cố trận địa trong nước, ông chủ NextTech chủ động tấn công địa bàn đối thủ để phòng thủ tốt nhất. Ngoài nước ta, công ty có mặt tại nhiều quốc gia khác như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Mỹ và lên kế hoạch IPO sau năm 2020.
Theo Bình, doanh nghiệp không thể chỉ tồn tại ở nước mình. Thị trường đã chứng minh, những công ty đa quốc gia luôn hấp dẫn khách hàng, các nhà đầu tư. Hơn nữa, vượt ra khỏi biên giới, họ sẽ nhìn thấy những cơ hội cực lớn.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ không chỉ là công nghệ thông tin, mà ứng dụng cho mọi ngành nghề. Bình khẳng định, không ai có thể đứng ngoài ảnh hưởng công nghệ sau 10 năm nữa. Để hạn chế nguy cơ mất việc bởi máy móc, con người phải làm chủ tương lai. Anh đề nghị chính phủ xem trọng công nghệ như một yếu tố hạ tầng của xã hội hiện đại. Ngành giáo dục nên dạy kiến thức lập trình cho học sinh vì trong tương lai, công nghệ sẽ thực dụng hơn các môn khoa học cơ bản như toán, hóa học, vật lý.
Xem thêm |