Từ câu chuyện mì Hảo Hảo bị thu hồi, bài học quản lý chất cấm cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang EU
Linh hoạt thích ứng theo thị trường
Gần đây một số doanh nghiệp Việt bị EU thu hồi sản phẩm sau khi phát hiện tồn dư chất Ethylene Oxide (EO) vượt quá mức cho phép.
Ethylene Oxide là hợp chất hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong công nghệ thực phẩm giúp khử trùng, hun trùng hiệu quả cao.
Chất này được phép sử dụng ở nhiều quốc gia, nhằm mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm. EO cũng được dùng để tiệt trùng các thiết bị y tế.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết EU xếp EO thuộc nhóm hóa chất nguy cơ gây ung thư và cơ quan này cũng quy định dư lượng của EO trên ngũ cốc, hoa quả và sản phẩm động vật với mức cao nhất là 0,02 ppm, theo Báo Nông nghiệp Việt Nam.
"Mỗi nước có quy định khác nhau về lượng tồn dư chất này. Thời gian gần đây, EU siết chặt các quy trình kiểm soát dư lượng EO trong thực phẩm và ra hàng trăm cảnh báo cho các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, ở một thị trường khó tính khác là Mỹ thì chưa có giới hạn nào về chất thường được sử dụng để diệt nấm mốc và bảo quản các loại hạt khô, đồ khô này", ông Hòa nói.
Trao đổi với người viết, ông Trần Tấn Hiên, Tổng giám đốc CTCP Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Trân Châu cho biết từ lâu EU công bố không chấp nhận tồn dư EO và hầu hết các doanh nghiệp đều nắm rõ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp biết nhưng vẫn làm để giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
Ví dụ như với mặt hàng hạt tiêu, chi phí khử trùng bằng EO chỉ khoảng 70 USD/tấn trong khi khử trùng bằng công nghệ hơi nước đắt gấp 3 lần, khoảng 200 – 250 USD/tấn.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp khai báo chưa trung thực, dùng công nghệ khử trùng bằng EO nhưng thông tin rằng sử dụng công nghệ hơi nước hoặc phương pháp khác.
Khi đối tác hậu kiểm, phát hiện sự gian dối, doanh nghiệp sẽ mất lòng tin, uy tín và ảnh hưởng đến hình ảnh chung của doanh nghiệp Việt.
ÔNG TRẦN TẤN HIÊN
TGĐ CTCP DV XNK Trân Châu
“Doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường nào cần tuân thủ luật chơi của thị trường đó. Những lợi ích trước mắt không đáng để chúng ta đánh đổi những cơ hội từ EVFTA và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam”.
"Doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường nào cần tuân thủ luật chơi của thị trường đó. Những lợi ích trước mắt không đáng để chúng ta đánh đổi những cơ hội từ EVFTA và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam", ông Hiên nói.
Đại diện công ty Trân Châu cho rằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp cần thay đổi và thích ứng với từng thị trường.
Đơn cử như EU không chấp nhận tồn dư EO thì doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ hơi nước hoặc phương pháp bảo quản khác được EU cho phép.
Còn thị trường Mỹ chấp nhận phương pháp EO, doanh nghiệp có thể sử dụng và xác định mức tồn dư nằm trong ngưỡng cho phép.
Trong một thông cáo mới đây, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam khẳng định không sử dụng EO đối với sản phẩm xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, hiện công ty vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao EO xuất hiện trên lô hàng mì Hảo Hảo vừa bị thu hồi.
""Chúng tôi đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng đối với nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, hữu hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng", ông Kajiwara Junichi nói.
'Chưa cần biết đúng sai, doanh nghiệp cần xử lý khủng hoảng truyền thông tốt'
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đang làm việc với Cục An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) để xác minh thông tin về một số sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam có nhiễm chất EO.
Trong khi chờ trả lời chính thức của FSAI, Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp tuyên bố nhận trách nhiệm đối với số sản phẩm bị khuyến nghị thu hồi tại Ireland. Đồng thời, tạm thời dừng sản xuất sản phẩm cho đến khi tìm ra xuất xứ chất EO trong quy trình sản xuất.
Chia sẻ với người viết, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết hiện nay Bộ Công Thương đang trong quá trình xác minh, chưa có kết quả kiểm nghiệm nên không thể phán xét doanh nghiệp sai hay đúng vì mỗi quốc gia có tiêu chí an toàn thực phẩm riêng biệt.
Chuyện doanh nghiệp bị cảnh báo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không mới, nhưng trước đây chỉ ở quy mô trong nước, còn hiện nay vấn đề này được mở rộng ở phạm vi quốc tế.
TS. VÕ TRÍ THÀNH
Chuyên gia kinh tế
“Chưa cần phân biệt đúng sai, doanh nghiệp cần xử lý khủng hoảng truyền thông và có cách ứng xử tốt.
Đó không đơn giản là lời xin lỗi mà hơn hết doanh nghiệp cần thể hiện sự chân thành, học hỏi. Doanh nghiệp không chỉ sửa mà đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường”.
"Chưa cần phân biệt đúng sai, doanh nghiệp cần xử lý khủng hoảng truyền thông và có cách ứng xử tốt.
Đó không đơn giản là lời xin lỗi mà hơn hết doanh nghiệp cần thể hiện sự chân thành, học hỏi. Doanh nghiệp không chỉ sửa mà đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường", ông Thành nói.
Vị chuyên gia này phân tích trong nhiều trường hợp sự chênh lệch giữa tiêu chuẩn trong nước và quốc tế khiến doanh nghiệp vô tình vướng phải những câu chuyện không vui này.
Nếu doanh nghiệp làm sai, ở góc độ nhà nước cũng phải xem xét trong nền kinh tế hội nhập cần hài hòa giữa tiêu chuẩn trong nước và thị trường Việt Nam đang hướng đến.
Việc bị EU cảnh báo phần nào sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và tác động đến ngành, lĩnh vực kinh doanh. Vụ việc này là bài học cho chính doanh nghiệp và lời cảnh báo cho nhiều đơn vị khác.
Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, doanh nghiệp cần thận trọng và tuân thủ những quy định khắt khe của thị trường. Đó là cách doanh nghiệp giữ được uy tín và chỗ đứng tại các thị trường lớn.
Sau những sóng gió, ông Thành cho rằng: "Doanh nghiệp Việt vươn mình và gắn với thị trường thế giới. Đó là điều tích cực bởi nó không chỉ đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mà còn nâng tầm thương hiệu Việt, con người Việt và đất nước Việt".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/