Từ câu chuyện 'khán giả nuôi nghệ sĩ', nhìn lại câu nói bất hủ của Henry Ford: 'Khách hàng mới là người trả lương cho nhân viên'
Từ câu chuyện khán giả nuôi nghệ sĩ
Trong những ngày qua, chia sẻ của đạo diễn Bùi Quốc Bảo cho rằng: "Khán giả không nuôi nghệ sĩ" gây nên những tranh luận nhiều chiều từ phía cộng đồng. Trong đó có hai luồng ý kiến chính: đồng tình và không đồng tình.
Theo đó, vào ngày 13/5, vị đạo diễn đã đăng tải bài viết chia sẻ quan điểm của mình về lao động trong ngành nghệ thuật. Ông cho rằng xã hội luôn có sự phân công lao động nên bất cứ đóng góp của ngành nghề nào cũng được trân trọng. Thù lao của nghệ sĩ là đánh đổi bằng sức lao động, bằng tập luyện, diễn xuất, dàn dựng... không phải mang ơn khán giả.
"Nghệ sĩ hoàn toàn tự nuôi bản thân bằng sức lao động chân chính", ông nhấn mạnh. Bên cạnh đó, vị đạo diễn lên án một bộ phận người người nghệ sĩ mang quan điểm được "nuôi", được "cho", phải mang ơn... và từ đó lan truyền ra xã hội mà vai trò và vị trí của nghệ sĩ trong mắt xã hội rất thấp, rất dễ bị tổn thương dù được bao biện bằng vỏ bọc "hâm mộ".
Trước làn sóng dư luận, một số người trong giới showbiz đã bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề trên. Trong đó, Nathan Lee, người nhận được nhiều sự chú ý trong thời gian vừa qua với những tranh cãi với những người hoạt động trong giới showbiz khác, cho rằng khán giả có nuôi nghệ sĩ và ngược lại nghệ sĩ có "nuôi" khán giả.
Trong đó, Nathan Lee cho rằng người nghệ sĩ đi diễn kiếm tiền, ra sản phẩm, sử dụng thương hiệu cá nhân, sự nổi tiếng để bán hàng, quảng bá cho các thương hiệu (kể cả các công ty, sản phẩm gây tổn hại cho khán giả, người dùng)... là những cách gián tiếp hoặc trực tiếp mà người nghệ sĩ được khán giả "nuôi".
Mặt khác, bằng tài năng, sáng tạo và xúc cảm nghệ thuật, người nghệ sĩ tạo ra các sản phẩm nghệ thuật để "nuôi" dưỡng tâm hồn khán giả. Ông cho rằng cả đôi bên đừng nên đặt mình ở vị trí quá cao so với đối phương.
Nếu người nghệ sĩ coi thường khán giả thì tới giai đoạn nào đó, sẽ chẳng còn ai xem họ biểu diễn. Và khán giả cũng phải có trách nhiệm đối với những lời nói và hành động của mình. Mọi thứ đều phải đặt hai chữ "tôn trọng".
Cũng lên tiếng về vấn đề này, MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên cho rằng chữ "nuôi" có nghĩa là một bên cho và một bên nhận. Hơn thế nữa bên nhận không cần phải "lại của" bằng bất cứ hình thức nào. Chẳng hạn như "cha mẹ nuôi con". Con không cần làm gì hết, cha mẹ vẫn nuôi... lo ăn, lo học, cấp dưỡng mọi thứ.
Còn khi nói "khán giả nuôi nghệ sĩ" thì điều đó chỉ đúng nếu khán giả trả tiền mà nghệ sĩ không cần làm gì cả, không cần ca hát, đàn, diễn, múa... nói chung là chỉ "ngậm miệng ăn tiền"...
Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ứng trái chiều từ dư luận, nữ MC hải ngoại đã đăng tải một bài viết khác và cho rằng do bản thân không hiểu hết nghĩa bóng, nghĩa đen của chữ "nuôi".
MC Kỳ Duyên viết thêm: "Mà nếu mỗi khi mua một tấm vé coi show là nuôi nghệ sĩ thì có phải là bất kỳ khi ta mua một món hàng gì là ta đang nuôi công ty sản xuất món hàng đó và như vậy là gián tiếp nuôi tất cả công nhân viên của công ty đó? Như vậy thì nghệ sĩ cũng nuôi rất nhiều người, vì ai chả biết nghệ sĩ là trùm shopping. Thôi thì chúng ta nuôi qua nuôi lại dựa nhau mà sống nhé".
Tới "khách hàng mới là người trả lương cho nhân viên"
Câu chuyện "Khán giả không nuôi nghệ sĩ" phần nào khiến chúng ta liên tưởng tới câu nói nổi tiếng của Henry Ford, nhà sáng lập Công ty Ford Motor: "Ông chủ không phải là người trả lương cho nhân viên. Ông ta chỉ là người xử lý tiền. Khách hàng mới là người trả lương cho họ".
Henry Ford cũng được biết đến với nhiều triết lý kinh doanh để đời đến ngày nay. Ông Ford là người đầu tiên quyết định trả lương cho công nhân cao hơn mức thông thường ở năm 1914. Khi đó, công ty Ford bắt đầu trả lương cho công nhân 5 USD/ngày trong khi mức lương phổ biến ở thời điểm đó chỉ khoảng 2-3 USD/ngày.
Tuy nhiên, câu chuyện về mức thu nhập 5 USD/ngày không hề đơn giản như vậy. Một bài viết trên Forbes chỉ ra rằng đây là mức thù lao đã bao gồm cả lương và thưởng. Người lao động chỉ được phép nhận thêm phần thưởng nếu đạt đủ một số yêu cầu đặt ra, như phụ nữ phải độc thân và nuôi gia đình. Trong khi đó, đàn ông có vợ đi làm bên ngoài (không tính nội trợ) cũng sẽ không được nhận thưởng.
Bài viết cũng tính toán và phủ nhận câu chuyện Henry Ford trả lương cao hơn cho nhân viên của mình để những nhân viên đó có khả năng mua sản phẩm của công ty, qua đó giúp hãng xe tăng doanh số.
Cụ thể, sản lượng xe sản xuất trước khi Ford tăng lương là 170.000 chiếc/năm và sau khi tăng lương là 202.000 chiếc/năm. Tổng số lao động của công ty là 14.000 người. Như vậy một năm hãng xe sẽ phải trả thêm 9,24 triệu USD tiền công. Trong khi đó với giá mỗi chiếc Model T có giá từ 450 USD đến 550 USD, thì công ty sẽ thu về tối đa 7,7 triệu USD, với điều kiện mỗi nhân viên đều mua một chiếc xe mới mỗi năm.
Hiện tại, hãng xe Ford đã có hơn 100 năm tồn tại trên thị trường với nhiều mẫu xe phổ biến như Ford Ranger, Everest, EcoSport... Hiện Ford hoạt động ở thị trường Bắc và Nam Mỹ, châu Âu, khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như Châu Phi.
Các số liệu thống kê gần đây của Statista cho thấy phân khúc thị trường Bắc Mỹ vẫn mang lại lợi nhuận cao nhất cho công ty với doanh số khoảng 2 triệu chiếc được bán ra trong khu vực vào năm 2020.
Từ đầu những năm 2000, thị phần toàn cầu của Ford đang giảm dần khi vấp phải sự phát triển của các nhà sản xuất khác như General Motors, Toyota và Honda.