|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từ 2019, Khoáng sản Bình Dương có thể thu về 250 tỷ đồng/năm nhờ hai mỏ đá mới

08:22 | 20/09/2018
Chia sẻ
Mỏ Gò Trường và Bãi Giang có thể mang về 250 tỷ đồng/năm cho KSB kể từ 2019. Ngoài ra, Mỏ đá Tân Đông Hiệp sẽ tạo đà cho KSB trong ngắn hạn. Ước tính, lợi nhuận ròng 2018 của KSB khoảng 320 tỷ đồng.

Lợi nhuận ròng 2018 khoảng 320 tỷ đồng

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC),ba mỏ đá của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico – Mã: KSB) nằm rải rác gồm Tân Đông Hiệp (Dĩ An), Phước Vinh (Phú Giáo) và Tân Mỹ (Bắc Tân Uyên). Việc khai thác của Tân Đông Hiệp được kéo dài đến tháng 12/2019, tạo đà trong ngắn hạn. Trong đó, mỏ đá Tân Đông Hiệp được khai thác từ năm 1994, được xem là mỏ đá có chất lượng tốt nhất trong tỉnh và hiện nay là nguồn cung cấp đá chính của công ty.

Vị trí của mỏ đá đến thành phố tương đối gần (10 km đến TP HCM) thuận lợi cho việc vận chuyển. Chất lượng đá ở mỏ Tân Mỹ và Phước Vinh không tốt bằng đá Tân Đông Hiệp vì thực tế chúng đang được khai thác ở độ sâu thấp hơn. Cùng với vị trí địa lí kém thuận lợi (cách TP HCM lần lượt 30km và 40 km) dẫn đến lượng tiêu thụ kết hợp của hai mỏ đá này chỉ gần bằng so với Tân Đông Hiệp trong những năm qua.

Theo ban lãnh đạo, tổng lợi nhuận ròng ước tính năm 2018 là 320 tỷ đồng (tăng 15% so với năm trước) nhờ kết quả cải thiện trong nửa cuối năm 2018 do mỏ Tân Đông Hiệp hoạt động trở lại.

tu 2019 khoang san binh duong co the thu ve 250 ty dongnam nho hai mo da moi
Nguồn: Báo cáo từ VDSC

Doanh thu mỏ Gò Trường và Bãi Giang khoảng 250 tỷ đồng/năm kể từ 2019

Gần đây, công ty đã mua lại hai mỏ đá khác ở Thanh Hóa và Nghệ An, với tỷ lệ sở hữu tương ứng là 30% và 70%. Vị trí mỏ Gò Trường có lợi thế nằm gần khu kinh tế Nghi Sơn, nơi có dự án nhà máy lọc dầu đang xây dựng và một nhà máy xi măng đang hoạt động. Mỏ đá có trữ lượng ước tính khoảng 10 triệu m3 đá nguyên khối, dự kiến sẽ tạo ra doanh thu khoảng 150 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, Bimico cũng đầu tư vào mỏ Bãi Giang tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Mỏ đá có trữ lượng khoảng 5 triệu m3 đá nguyên khối và tạo ra khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm. Hai mỏ đá này đang trong hoạt động thử nghiệm và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2019. Ban lãnh đạo tin rằng đây là hai mỏ đá chiến lược, có thể mang lại hiệu quả đầu tư cao cho Bimico. Bên cạnh đó, việc mở rộng các mỏ đá mới được xem là chiến lược chính của Bimico trong tương lai.

Khu công nghiệp Đất Cuốc có thể là một lợi thế lâu dài

Theo VDSC, một phần nhỏ trong doanh thu hàng năm của Bimico đến từ việc cho thuê đất tại khu công nghiệp (KCN) Đất Cuốc (Bắc Tân Uyên, Bình Dương). Tỷ lệ lấp đầy tại KCN Đất Cuốc hiện nay gần 100%, với mức giá thuê trung bình gần đây khoảng 80 USD/m2, so với giá chỉ 45 - 50 USD trước đây. Để tài trợ cho việc phát triển mở rộng giai đoạn I, Bimico đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm tháng 6 vừa qua.

Hiện tại, công ty đã đền bù 80% tổng diện tích đất và đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng cho giai đoạn tiếp theo. Công ty hy vọng khoảng 30 ha có thể được cho thuê hàng năm. Với điều kiện thuận lợi, 50ha đã được kí hợp đồng cho thuê từ đầu năm nay. Ngoài ra, Bimico cũng thay đổi phương thức ghi nhận doanh thu, từ việc ghi nhận hàng năm thay bằng ghi nhận một lần. Theo VDSC, điều này có thể tạo ra việc gia tăng doanh thu đột biến trong thời gian tới nhưng bản chất dòng tiền nhận được không thay đổi.

Bimico chuyên khai thác và chế biến đá xây dựng. Hiện tại, công ty có 3 mỏ đá là Tân Đông Hiệp, Phước Vinh và Tân Mỹ. Gần đây, Bimico đã được phê duyệt gia hạn việc khai thác tại mỏ Tân Đông Hiệp thêm một năm trong khi vẫn tiếp tục đầu tư vào các dự án khai thác đá mới. Ngoài ra, công ty cũng có dự án khu công nghiệp với tổng diện tích 500 ha tại tỉnh Bình Dương.

Nhật Huyền