|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS Võ Trí Thành: Nền kinh tế Việt Nam rất khó để đạt mức tăng trưởng 7% năm 2020

14:25 | 05/11/2019
Chia sẻ
Việt Nam được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn của khu vực và thế giới với 'điểm sáng' là mức tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên, trước sự giảm tốc của kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sẽ gặp khó trong những năm tới.

Tại hội nghị đầu tư 2019 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2020 -2030: Suy thoái hay hưng thịnh?" diễn ra ngày 5/11 tại TP HCM, TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trường Viện Nguyên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương cho rằng mục tiêu của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 tối thiểu trung bình 7,5%.

Đáng chú ý, theo công bố của U.S News & World Report, Việt Nam từ hạng 23 năm 2018 đã lên hạng thứ 8 năm 2019 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Riêng tại châu Á, Việt Nam xếp thứ 4 chỉ sau Arab Saudi, Ấn Độ và Qutar.

Nguyên nhân Việt Nam có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng trong một khu vực năng động và gắn kết chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs). Bên cạnh đó, dân số trẻ, chi phí lao động tương đối cạnh tranh, thị trường nội địa mở rộng cùng tầng lớp trung lưu. 

Đặc biệt, với chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1, chuyển hướng đầu tư cộng với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ  - Trung và những cam kết ổn định, tiếp tục cải cách, hội nhập là những yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn với giới đầu tư..

7af9e15a5da5bbfbe2b4

TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trường Viện Nguyên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương. Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn nhiều điểm bất lợi về tính nhất quán, tiên liệu chính sách và thực thi, điểm nghẽn về nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm quản trị bậc trung, CEOs, và khó khăn trong kết cấu hạ tầng, tăng lương…

Dù vậy theo vị này, độ hấp dẫn của kinh tế Việt Nam nằm ở chỗ "Việt Nam không chỉ là thị trường 100 triệu dân mà Việt Nam là môt cái "hub" đầu tư kinh doanh, "chơi" với Việt Nam sẽ dễ dàng "chơi" với thế giới bởi Việt Nam có tới 17 FTAs đã và đang kí kết, bao gồm các FTAs chất lượng cao như CP TPP, EVFTA", TS Thành nhấn mạnh.

Theo đó, trong những năm tới Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường hấp dẫn thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực tiềm năng như hỗ trợ tiêu dùng bao gồm phân phối bán lẻ, du lịch…; hỗ trợ mạng sản xuất, chuỗi gía trị như dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, logistics…; lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế đa nền tảng, fintech…. 

Bên cạnh đó là những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử…

575805fab9055f5b0614

Toàn cảnh hội nghị đầu tư đầu tư 2019 "Kinh tế Việt Nam 2020 -2030: Suy thoái hay hưng thịnh?" diễn ra ngày 5/11 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Tại hội nghị, khi được hỏi về những dự báo cho năm 2020, Ts Võ Trí Thành cho rằng bước sang năm 2020 xu thế kinh tế thế giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm tốc, do có nhiều dấu hiệu cho thấy sự suy thoái nhưng nhiều người tin rằng phải đến cuối năm 2020 đầu 2021.

"Còn với Việt Nam, ba quí đầu năm 2019 tăng trưởng gần 7%, và quí IV thường là thời gian tăng trưởng tốt trong năm nhưng Thủ tướng chính phủ báo cáo Quốc hội cũng chỉ nói rằng tăng trưởng Việt Nam năm nay ở mức khoảng 6,8%", ông Thành nói. 

Dẫn chứng cụ thể, theo Nguyên Phó Viện trường Viện Nguyên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương 10 tháng đầu năm nay tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam là 8,5% nhưng chủ yếu tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ trên dưới 25% và nhập khẩu Trung Quốc cũng trên dưới 20%. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường tỉ đô và Liên minh châu Âu (EU) đều âm dù âm rất nhỏ.

"Đây là lí do bên cạnh các yếu tốc tích cực như đơn đặt hàng mới, chuyển hướng thương mại, đầu tư gắn với xuất khẩu thì Việt Nam đang phải "làm" rất mạnh câu chuyên gian lận xuất xứ", TS Thành thông tin.

Bởi trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu cùng với ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có thể bị lạm dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba.

Và một vấn đề lớn nhất là Việt Nam phải làm sao ứng xử hài hòa giữa 3 yếu tố gồm ổn đinh phát triển kinh tế, xử lí bức xúc xã hội và cải cách bộ máy.

Trước những yếu tố khó khăn được minh chứng, "các dự báo năm tới đều cho rằng mức tăng trưởng sẽ nằm trong khoảng 6,6 – 6,8%, Việt Nam vẫn có thể là điểm sáng chứ không phải suy thoái nhưng để đạt mức 7% vào năm 2020 là cực khó", TS Võ Trí Thành cho hay.

Như Huỳnh