TS. Sudhir Shetty: Việt Nam cần tăng khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô
Kinh tế vĩ mô ổn định là nền tảng cho tái cơ cấu ngân hàng | |
Hiệp định CPTPP tạo áp lực cải cách thể chế rất lớn |
Thời gian qua, việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.
Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đều có tốc độ tăng cao so với năm 2017. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới việc khai thác các cơ hội từ hội nhập và thực thi các FTA.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD (Ảnh minh hoạ: KT) |
Chủ nghĩa bảo hộ “leo thang"
Mặc dù quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đến thời điểm hiện tại được nhận định đã đạt được không ít kết quả khả quan, tuy nhiên, theo một số chuyên gia, trong quá trình đó vẫn còn những bất cập nhất định như: Một số địa phương còn lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế; vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các FTA mang lại.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể làm tăng trưởng GDP toàn cầu suy giảm, dù ở mức độ khác nhau tùy theo kịch bản.
“Nếu chính sách ứng phó thiếu linh hoạt, Việt Nam có thể rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Công thương cảnh báo.
Theo ông Hải, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tác động chuyển hướng thương mại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Xử lý thách thức này càng khó hơn khi thương mại điện tử xuyên biên giới đã phổ biến hơn, đi kèm với rủi ro tấn công an ninh mạng. Một số nhà đầu tư có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam. Khi ấy, việc sàng lọc các dự án phù hợp với yêu cầu trên cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường là một nhiệm vụ khó khăn.
“Cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng và thương mại toàn cầu, lan truyền làn sóng bảo hộ sang các thị trường khác. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào nhiều thị trường có thể gặp phải các biện pháp hạn chế thương mại. Bản thân việc USD lên giá và rủi ro các nước khác phá giá nội tệ cũng làm tăng thách thức đối với điều hành tỷ giá, thương mại và thị trường tài chính của Việt Nam”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Còn theo TS. Sudhir Shetty, Kinh tế gia Trưởng Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới), căng thẳng thương mại có thể tạo cơ hội chuyển hướng thương mại cho một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực khi thương mại và tăng trưởng toàn cầu chững lại và tình trạng bất định gia tăng là tác động ở mức lớn hơn so với lợi ích có được do chuyển hướng thương mại.
Để đối mặt với những sự bất ổn, bất định và căng thẳng đó, TS. Sudhir Shetty cho rằng Việt Nam cần tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường cải cách về thương mại và đầu tư.
“Tăng cường khả năng đối phó là việc tốt nhất cần nhất phải làm. Trong đó, duy trì tỷ giá linh hoạt và điều hành tỷ giá đã linh hoạt rồi nhưng với những biến động ngày càng nhanh và khó lường thì phải linh hoạt hơn. Tăng khả năng ứng phó của chính sách tiền tệ cũng là điều hết sức quan trọng để tạo ra lớp đệm tức thời nhằm ứng phó những biến động về tài chính và thương mại quốc tế”, ông Sudhir Shetty khuyến nghị.
Biến khó khăn thành cơ hội
Những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và liên kết quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hội nhập, phát triển đất nước. Để tận dụng được những vận hội và hạn chế thách thức, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng thể quốc gia.
“Việc thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng đang tạo sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Vấn đề lớn đặt ra là làm sao thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới để tăng cường được nội lực, nâng cao được năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều “gen Việt” trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ, có năng lực thích nghi và điều chỉnh linh hoạt trước những biến động kinh tế thế giới và khu vực”, ông Sơn nêu ý kiến.
PGS. TS Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu, Singapore, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |
Còn theo PGS. TS Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu, Singapore, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, với một nền kinh tế mở như Việt Nam, những biến động của kinh tế thế giới chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam. Cho nên, bây giờ cũng như vài ba thập kỷ tới, Việt Nam phải luôn sẵn sàng các kịch bản ứng phó. Điều đó giống như chuyện xây nhà chống bão. Muốn xây được nhà lớn, có đẳng cấp, có hệ sinh thái, Việt Nam phải coi trọng nhiều vấn đề liên quan đến thể chế kinh tế, xã hội cũng như môi trường kinh tế vĩ mô. Khi làm bất cứ điều gì, chúng ta cũng cần phải chú ý đến năng suất, môi trường và sự phát triển bền vững.
“Trước hết, chúng ta phải biết mình biết người, phải biết rằng không đổi thay là chết; thứ hai, phải định vị chiến lược Việt Nam là thế nào. Việt Nam cần có tính cộng hưởng, "nhất hô vạn ứng", các ngành, các địa phương cùng nhau làm việc. Bên cạnh đó, phải phát triển phải có tính bền vững, không chỉ cho hôm nay mà cả ngày mai. Mặt khác, Việt Nam phải làm gì đó cho thế giới kinh ngạc với người Việt Nam, nếu không làm được điều khiến thế giới kinh ngạc mà chỉ ở mức trung bình thôi thì chưa đủ”, PGC Vũ Minh Khương nhấn mạnh.