|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Nguyễn Hữu Huân: Fed khó dừng tăng lãi suất vì First Republic Bank, phải từ quý III lãi suất Việt Nam mới giảm mạnh

15:28 | 30/04/2023
Chia sẻ
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Ngân hàng First Republic cũng không phải là một ngân hàng lớn để Fed phải lập tức thay đổi quyết định.  Hiện, Fed vẫn còn cách xa mục tiêu đưa lạm phát về 2% nên khả năng cao là họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Trước vụ việc First Republic Bank, ngân hàng lớn thứ 14 của Mỹ gặp tình trạng tiền gửi tháo chạy, lỗ tiềm tàng hàng chục tỷ USD, nhiều chuyên gia cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định tạm dừng nâng lãi suất trong cuộc họp ngày 3/5 tới đây.

Theo đó, ngân hàng First Republic tiết lộ rằng tổng tiền gửi đã giảm hơn 40%, tương đương hơn 70 tỷ USD, trong quý I. Phiên giao dịch hôm sau, giá cổ phiếu của ngân hàng này cắm đầu 50%, rồi lại mất thêm 30% trong phiên ngày 26/4. Nếu tính từ đầu năm 2023, cổ phiếu của First Republic đã mất hơn 95% giá trị. 

Sau sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực khác là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, dòng tiền gửi đã nhanh chóng bị rút khỏi First Republic. Các cơ quan quản lý và nhiều ngân hàng lớn đã nhanh chóng hành động, nhằm tránh khủng hoảng lan rộng.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, với nhiều nhà kinh tế dự đoán, Mỹ sẽ bước vào một cuộc suy thoái nhẹ vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và sau đó duy trì lãi suất ở mức cao nhằm đưa lạm phát trở lại mục tiêu dài hạn là 2% mà không gây ra suy thoái sâu hơn và nghiêm trọng hơn.

Nhiều khả năng Fed vẫn tăng lãi suất

Fed đã nâng lãi suất 9 lần liên tiếp trong một năm từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023 và nhiều khả năng sắp nâng thêm lần thứ 10. (Ảnh: Đức Quyền).

Dự báo về động thái của Fed và tác động đến Việt Nam, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, xác suất Fed không tăng lãi suất ở kỳ điều hành tháng 5 giảm từ 90% xuống còn 75%, tức là vẫn ở mức khá cao.

"Chỉ khi nào xác suất này giảm xuống dưới 50% thì nhiều khả năng Fed mới không tăng lãi suất", TS. Huân nói.

Theo ông, Ngân hàng First Republic cũng không phải là một ngân hàng lớn để Fed phải thay đổi lập tức quyết định của họ. Mục tiêu của chính sách tiền tệ được Fed thể hiện rõ là bằng mọi giá phải đẩy lạm phát mục tiêu về 2% nhưng họ vẫn chưa làm được, hiện nay lạm phát tại Mỹ vẫn rất cao.

Fed cũng thể hiện quan điểm sẽ duy trì chính sách để đạt được mức lạm phát mục tiêu. Vì vậy, ngay cả khi không tăng lãi suất vào tháng 5 đến tháng 6 có thể Fed vẫn phải tăng lãi suất.

TS. Huân dự báo, Fed sẽ chấp nhận mức độ rủi ro từ vụ việc của Ngân hàng First Republic để tiếp tục tăng lãi suất, trừ khi các ngân hàng lớn của Mỹ có tín hiệu xấu về sức khoẻ thì may ra Fed mới dừng tăng lãi suất.

Đối với Việt Nam, việc Fed nhẹ tay hơn trong các lần tăng lãi suất gần đây đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có dư địa hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. NHNN đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất và các ngân hàng thương mại cũng cam kết hạ lãi suất cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù cho Fed dừng tăng lãi suất ở lần điều hành này cũng không thể tác động quá lớn đến mặt bằng lãi suất và việc điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam.

Lãi suất sẽ giảm mạnh từ quý III/2023

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: NVCC).

"Là bởi, chính sách tiền tệ cần phải có độ chín và không nên quá nóng vội. Hệ quả của việc nóng vội trong thắt chặt chính sách tiền tệ năm 2022 khiến Việt Nam rơi vào tình trạng mất thanh khoản, doanh nghiệp khó khăn", TS. Huân cho hay.

Việc thắt chặt tiền tệ bằng mọi giá, không cần biết doanh nghiệp như thế nào khiến nền kinh tế rơi vào khó khăn, doanh nghiệp gặp khủng hoảng về dòng tiền. Tuy nhiên, nếu bây giờ nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức, các vấn đề về lạm phát, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô sẽ quay lại vào cuối năm, vị chuyên gia này đánh giá.

“Một chính sách đừng nên thả lỏng hoặc thắt chặt quá mức. Việc thắt chặt vào năm 2022 đã khiến nền kinh tế phải ‘trả giá’ bằng tốc độ tăng trưởng sụt giảm và nếu năm nay lại bằng mọi giá để kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng bằng chính sách tiền tệ thì rủi ro là lạm phát sẽ quay lại”, TS. Huân nói.

Vừa qua NHNN đã giảm 2% lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại cũng đang có động thái để hạ lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất cho vay chưa thể giảm mạnh ngay là bởi trước đó, các ngân hàng thương mại đã huy động lãi suất cao với kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng.

Nguồn vốn giá cao như vậy khiến chi phí vốn của ngân hàng cũng cao, kết hợp với chi phí vốn rẻ ở thời điểm hiện tại (lãi suất 6-7%) khiến chi phí vốn bình quân của ngân hàng vẫn ở mức khá cao.

"Đó là lý do vì sao, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay được mà phải đến quý III khi lãi suất huy động xuống thấp, lãi suất cho vay có điều kiện hạ thêm mà không gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng", TS. Huân cho biết.

Chuyên gia cũng dự báo, một chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ khoảng hai quý nên phải đến quý III/2023, lãi suất mới có thể giảm mạnh.

Hạ An