|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TS. Lê Xuân Nghĩa: Không nên nới room tín dụng trong bối cảnh hiện tại

10:26 | 14/09/2022
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng hạn mức tín dụng 14% ở hiện tại đã là phù hợp, không nên nới thêm room tín dụng trong bối cảnh áp lực lạm phát bên ngoài đang tăng cao.

 Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa. (Ảnh: Nhà đầu tư).

Chia sẻ tại một sự kiện mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho biết nới room tín dụng là vấn đề cần được cân nhắc kỹ càng ở thời điểm hiện tại vì áp lực lạm pháttừ bên ngoài đang tăng lên.

Vừa qua, NHNN không nới room tín dụng của toàn ngành mà mới chỉ có động thái phân bổ room tín dụng thêm cho các ngân hàng. Tính đến thời điểm sau bước phân bổ mới nhất hạn mức tăng trưởng tín dụng đã được nâng lên 13,6%, vẫn trong mục tiêu của cả năm là 14%.

"Về việc nới room, Chính phủ hiện chưa có chủ trương, NHNN chưa có chủ trương và cá nhân tôi nghĩ cũng không nên nới room trong bối cảnh hiện tại", TS Lê Xuân Nghĩa cho hay.

Chuyên gia phân tích, mặc dù giá cả hai tháng gần đây có giảm xuống một chút (nhất là giá nhiên liệu và lương thực thực phẩm) nhưng nhiều chuyên gia dự báo giá nhiên liệu và lương thực có thể tăng trở lại trong mùa đông.

Thị trường thế giới vẫn còn nhiều yếu tố bất định như xung đột Nga - Ukraine vẫn còn căng thẳng, cộng với hạn hán mất mùa ở Bắc Mỹ, Trung Âu, Trung Quốc, những thị trường rất lớn,...

Câu chuyện lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu, lạm phát tại Mỹ có giảm xuống một chút nhưng vẫn ở mức cao, còn lạm phát tại châu Âu có vẻ đang lên đỉnh. Các chuyên gia dự báo lạm phát của Đức có thể lên tới 10%, Anh có thể lên 13%, Thổ Nhĩ Kỳ có thể lên tới 80%. 

Chuyên gia nhận định hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay là 14% khônglà thấp, cao hơn con số của năm ngoái. Tại Mỹ thì room tín dụng năm nay cũng chỉ ở mức 13%.Trong khu vực Đông Nam Á thì hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đối thấp. Ví dụ tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 5% thì tăng trưởng tín dụng khoảng 8-9%, cao nhất là 10% tại Malaysia. 

"Chúng ta mong muốn vĩ mô ổn định trong dài hạn thì dứt khoát phải kiểm soát room tín dụng chặt chẽ hơn nữa. Như khuyến cáo của IMF thì 14% của Việt Nam vẫn là quá cao và nên giữ ở mức khoảng 12%", ông Nghĩa nói.

Trước tình hình nhu cầu tín dụng tăng cao, nhiều doanh nghiệp kêu không được ngân hàng cấp vốn, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào vốn tín dụng từ ngân hàng mà nên huy động vốn thêm trên các kênh khác như trái phiếu, cổ phiếu,…

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh các ngân hàng cần phải phân bổ hạn mức tín dụng sao cho hợp lý, không nên chỉ ưu tiên giải ngân cho các dự án của tập đoàn sân sau. Việc này phụ thuộc vào thanh tra giám sát của hệ thống ngân hàng. 

Diệp Bình

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.