|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

TS. Lê Xuân Nghĩa: 'Cần có quy định riêng cho trái phiếu xanh, trái phiếu phát triển bền vững'

09:58 | 08/09/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, khó thể kỳ vọng nhiều vào tín dụng xanh của ngân hàng để khuyến khích phát triển bền vững, vì nó lệ thuộc vào rất nhiều thứ. Trong tương lai, trái phiếu xanh mới là kênh huy động vốn an toàn, hiệu quả của các doanh nghiệp này. Vì vậy, cần có quy định riêng cho loại trái phiếu này.

'Phát biểu tại Hội thảo "Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn", TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, theo đánh giá của WB (2021), Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng gần 370 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) trong giai đoạn 2022-2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, với lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu trong đó 35% từ ngân sách, 65% từ nguồn tư nhân (trong và ngoài nước).

Hiện hai nguồn vốn chủ yếu cho doanh nghiệp phát triển theo mô hình này mới chỉ có "tín dụng xanh" và "trái phiếu xanh". Với tín dụng xanh, tính đến tháng 8/2022, có khoảng 70 tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng xanh; 9 TCTD có thiết lập các hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh; gần 20 TCTD xây dựng được sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế.

Tín dụng xanh tăng nhanh do điện gió, điện mặt trời nở rộ 

Dư nợ tín dụng xanh với các dự án xanh 451.000 tỷ đồng (chiếm 4,2% tổng dư nợ), gấp gần 6 lần mức 70,8 nghìn tỷ đồng năm 2015.

Tính đến hết quý I/2022, tổng dư nợ đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 1,31 triệu tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng dư nợ nền kinh tế. Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng cường hợp tác, thu hút vốn ODA từ các tổ chức quốc tế như ADB, IFC, ADF, IDFC … để tài trợ cho các dư án xanh, sản phẩm xanh như BIDV, VCB, Vietinbank, Agribank, SHB, HDBank, OCB ….  

 TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV (Ảnh: Nhà Đầu Tư).

TS. Cấn Văn Lực đánh giá, mặc dù dư nợ tín dụng xanh đã tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2016-2021, song quy mô vẫn còn khá nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế, hơn nữa chỉ tập trung vào một số NHTM lớn.

Nhiều NHTM chưa có hướng dẫn, vận hành cơ chế tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế, nguồn tài chính cho tín dụng xanh còn phụ thuộc vào các dự án, chương trình có tài trợ quốc tế (thường quy mô nhỏ và điều kiện khắt khe).

Mặc dù tín dụng xanh tăng rất nhanh trong những năm gần đây, tuy nhiên Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ ra một thực trạng rằng, tín dụng xanh tăng với tốc độ 63%/năm chủ yếu do điện gió, điện mặt trời nở rộ. "Nhưng không phải lúc nào cũng có dự án điện gió và điện mặt trời, còn vô số thứ "xanh" khác mà chúng ta cần ưu tiên phát triển", TS. Nghĩa nói. 

Trái phiếu phát triển bền vững mới chỉ chiếm 2,2%

Về trái phiếu bền vững, theo TS. Cấn Văn Lực, quy mô thị trường nợ bền vững, trái phiếu xanh của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD năm 2021 nhưng mới chỉ chiếm 2,2% tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam.

Công cụ nợ xanh ở Việt Nam được phát hành bởi Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tài chính và phi tài chính (đặc biệt là ngành vận tải và năng lượng). Một số đợt phát hành nổi bật là 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn của Vingroup trên thị trường quốc tế; 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh trong nước của EVNFinance.

Mặc dù, giá trị nợ bền vững và trái phiếu xanh năm 2021 của Việt Nam đã đạt giá trị gấp 5 lần năm 2020, trong đó riêng quy mô trái phiếu xanh Việt Nam đạt 1 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng giá trị trái phiếu bền vững, đứng thứ hai ASEAN sau Singapore. Tuy nhiên, so với quốc gia này, quy mô thị trường của Việt Nam vẫn thấp hơn tới 8 lần.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về ESG; chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về phát hành trái phiếu xanh, TS. Cấn Văn Lực lưu ý.

 Chuyên gia kinh tế - tài chính Lê Xuân Nghĩa (Ảnh: Nhà Đầu Tư).

Cần có quy định riêng cho trái phiếu xanh

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, so với tín dụng, nhiều quốc gia trên thế giới ưu tiên hơn cho trái phiếu xanh chứ không phải tín dụng vì tiền gửi của người dân khó "xanh".  

Dẫn chứng ví dụ về Thái Lan, quy mô thị trường trái phiếu xanh của quốc gia này gấp 14 lần tín dụng xanh, còn ở Việt Nam hiện nay, trái phiếu xanh chỉ chiếm 4% tổng tín dụng, nếu nói tín dụng xanh tính trên vốn trung dài hạn của ngân hàng thì chiếm khoảng 5 triệu tỷ, tín dụng xanh dành cho điện gió, điện mặt trời lên đến 500.000 tỷ đồng, khoảng 10% vốn trung và dài hạn.

"Chúng ta không thể kỳ vọng nhiều vào tín dụng xanh của ngân hàng, vì nó lệ thuộc vào rất nhiều thứ, riêng trong quá trình thẩm định dự án cho vay, việc thẩm định môi trường không khả thi và không thực tế", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Với trái phiếu xanh, cần làm thế nào để trái phiếu có kỳ hạn dài, lãi suất thấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đi theo mô hình phát triển bền vững, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. TS. Nghĩa dẫn chứng, như Thái Lan, họ thành lập quỹ phát triển xanh để bảo lãnh cho doanh nghiệp thực sự có dự án xanh, số trái phiếu này được phát hành dài hạn với lãi suất thấp, có bảo lãnh của quỹ, từ đó nhà đầu tư tin để mua các trái phiếu dài hạn, có thể mang đi cầm cố hoặc chiết khấu tại ngân hàng.

Trong tương lai gần, trái phiếu sẽ trở thành nguồn vốn trung và dài hạn chủ yếu, nếu đưa được trái phiếu xanh vào Nghị định 153 sửa đổi hay được bảo lãnh bởi quỹ thì loại hình này sẽ thành công, vị chuyên gia này nhìn nhận.

Hạ An

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.