|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trước Geleximco, những doanh nghiệp nào đã chọn cách bắt tay đối tác ngoại để lắp ráp ô tô điện trong nước?

17:00 | 06/11/2023
Chia sẻ
Trong khi Vingroup khởi nghiệp với hãng xe điện VinFast, nhiều tổ chức lựa chọn bắt tay với đối tác ngoại để gia công, lắp ráp.

Theo xu hướng toàn cầu, xe điện được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn hơn. Theo báo cáo của BMI Research, doanh số xe điện tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng ít nhất gấp đôi trong năm nay. “Vào năm 2023, chúng tôi kỳ vọng doanh số bán xe điện dành cho hành khách sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái để đạt khoảng 18.000 chiếc”, báo cáo nêu.

BMI kỳ vọng trong giai đoạn 2023 - 2032, doanh số xe điện tại Việt Nam có thể đạt khoảng 65.000 chiếc/năm. Tỷ lệ thâm nhập thị trường dự kiến tăng lên 13,6% vào năm 2030.

VinFast đang là đơn vị đi đầu và chiếm lĩnh thị trường với hơn 50% thị phần. Hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu dải sản phẩm đa dạng với các mẫu đã trình làng như VF e34, VF 5, VF 6, VF 8, VF 9. Hãng dự kiến sẽ tiếp tục ra mắt mẫu VF 7 và dòng xe mini VF 3.

Nếu như VinFast làm xe điện "Made in Vietnam" với sự hỗ trợ tiềm lực tài chính lớn của Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng, những doanh nghiệp Việt khác chọn hợp tác sản xuất, liên doanh lắp ráp, thay vì đầu tư thành lập hãng xe riêng.

Hồi đầu năm, Ô tô TMT (mã: TMT) ký hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) và SAIC - Wuling (Trung Quốc), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện của hãng tại Việt Nam. Đến tháng 5, TMT Motors đã bắt đầu xuất xưởng những chiếc xe điện cỡ nhỏ, Wuling HongGuang MiniEV đầu tiên tại thị trường. 

Theo JATO, đây là mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp là 2020, 2021, 2022. TMT đưa Wuling HongGuang về lắp ráp tại nhà máy ô tô thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm. Mẫu xe điện này từng gây chú ý với giới truyền thông trong nước, tạo thành chủ đề bàn luận khi nhắc tới một dòng ô tô điện có thể thay thế xe máy để di chuyển trong đô thị.

 Những chiếc Wuling HongGuang EV đầu tiên xuất xưởng bởi TMT Motors. (Ảnh: TMT Motors).

Ô tô TMT cũng đang có kế hoạch giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện khác trong tương lai, theo lộ trình hợp tác chiến lược với liên doanh GM - (Saic Wuling). Tại thị trường Việt, hãng này tập trung mẫu xe tải và xe đầu kéo.

So với VinFast, doanh số bán xe của Ô tô TMT khiêm tốn hơn rất nhiều. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TMT Motors là 1.973 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần 4.752 tỷ đồng.

Cũng chọn cách bắt tay với hãng xe Trung Quốc, tuần trước Tập đoàn Geleximco và công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú - Khu kinh tế tỉnh Thái Bình.

Mục tiêu của dự án là đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, bao gồm ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, xăng - điện hỗn hợp (PHEV) và ô tô thuần điện, từ xe phân khúc hạng trung đến hạng sang. Nhà máy liên doanh của Geleximco dự kiến công suất 200.000 xe/năm với khoản đầu tư 800 triệu USD.

Cũng tại Thái Bình, hồi tháng 6, CTCP Thái Bình Hưng Thịnh (Thái Hưng) và Công ty Roding Mobility (Đức) có thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển, sản xuất các dòng xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ tại Việt Nam. Theo đó, Thái Hưng sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ Roding để sản xuất thương mại các mẫu xe điện và ô tô điện cỡ nhỏ, phân phối tại Việt Nam, xa hơn nữa là tiến tới xuất khẩu.

Trong thời gian đầu, hai bên sẽ tập trung phát triển xe điện nội đô thị theo tiêu chuẩn L7e của châu Âu với sản lượng dự kiến trong ba năm đầu là 6.000 xe. Sau đó, công ty lên kế hoạch sản xuất và giới thiệu ra thị trường Việt Nam hai mẫu xe điện thuộc phân khúc A.

Cuối tháng 9, CTCP Cencon Việt Nam (mã: CEN), có trụ sở tại Lào Cai, đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc góp vốn thành lập công ty TNHH Ô tô điện Cencon, đánh tiếng tham gia vào cuộc chơi xe điện. Doanh nghiệp mới này có vốn điều lệ 80 tỷ đồng, Cencon dự kiến góp 38,4 tỷ đồng tương ứng 48% cổ phần.

Trước khi nhảy vào lĩnh vực ô tô, Cencon là đơn vị chuyên đầu tư kinh doanh các sản phẩm truyền thống như thực phẩm, hàng tiêu dùng. Đến năm 2019, doanh nghiệp mở rộng sang kinh doanh vàng bạc đá quý. 

Cencon có dự định sẽ bắt tay với hãng CHERY (Trung Quốc), thành lập liên doanh lắp ráp xe điện tại Việt Nam. Ban lãnh đạo Cencon cho biết, dự kiến quý IV/2023, công ty sẽ nhập lô ô tô điện CHERY đầu tiên về bán thương mại và đến năm 2025 sẽ lắp ráp trong nước. Theo đại diện công ty, doanh thu dự kiến ở mảng nhập khẩu và bán xe điện khoảng 600 - 800 tỷ đồng/năm.

Thùy Trang