|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trước cổ phần hóa, lãi sau thuế Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn sụt giảm ba năm liên tiếp

15:48 | 25/09/2019
Chia sẻ
Kết thúc năm 2018, lãi sau thuế của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đạt 136 tỉ đồng, giảm 55% so với 2015.

Lãi sau thuế sụt giảm liên tiếp ba năm còn 136 tỉ đồng

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn thuộc diện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần đến hết năm 2020.

Được biết, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (CNS) là doanh nghiệp trực thuộc UBND TP HCM, được thành lập năm 2010, hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu vào 4 ngành công nghiệp mũi nhọn gồm: Cơ khí chế tạo máy; Điện tử - công nghệ thông tin, bán dẫn, tự động hóa; Hóa chất – cao su – nhựa; Chế biến tinh bột, lương thực – thực phẩm và một số lĩnh vực công nghiệp khác có liên quan.

Kết thúc năm tài chính 2018, CNS ghi nhận kết quả kém tích cực khi lãi sau thuế đạt 136 tỉ đồng, giảm 55% so với 2015. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, lãi sau thuế của CNS liên tiếp sụt giảm.

gh-dd

Minh Anh tổng hợp (Đơn vị: Tỉ đồng).

Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản đạt 4.420 tỉ đồng, giảm 6,4% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng mạnh từ 800 tỉ đồng lên 1.081 tỉ đồng; khoản phải thu ở mức 584 tỉ đồng, giảm 38% và phải trả người bán ngắn hạn tăng mạnh từ 236 tỉ đồng lên 565 tỉ đồng

Xét về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 855 tỉ đồng, gấp 2,5 lần 2017. Trong khi đó, hoạt động đầu tư tiếp tục ghi nhận âm 56 tỉ đồng chủ yếu là tiền chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định.

Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 722 tỉ đồng chủ yếu tiền vay ngắn hạn, dài hạn nhận được nhận được giảm mạnh từ 1.094 tỉ đồng xuống 384 tỉ đồng.

Thoái vốn tại hàng loạt các công ty

Điểm sáng cho bức tranh tài chính của CNS là lỗ từ công ty liên doanh, liên kết giảm dần qua các năm. Riêng năm 2018, CNS ghi nhận khoản lỗ liên kết khoảng 25 tỉ đồng trong khi 2016 lỗ 34 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cũng chính việc thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết đã khiến doanh thu thuần cũng như lãi sau thuế của CNS sụt giảm ba năm liên tiếp.

Tính đến hết năm 2017, CNS đã tiến hành thoái vốn, chuyển nhượng cổ phần xong tại nhiều đơn vị.

Cụ thể, vào tháng 1/2016, CNS thoái vốn khỏi Công ty cổ phần nhựa Sài Gòn và Công ty cổ phần kỹ nghệ Đô Thành theo công văn số 184 và công văn số 334 của UBND TP.HCM.

Đến tháng 3/2016, CNS bắt đầu tiến hành thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty cổ phần TIE. Trước đó (giai đoạn 2013-2015), TIE sở hữu nhiều bất động sản có giá trị nằm ở TP HCM, Phú Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo TIE thời điểm đó đã quyết định chuyển nhượng tài sản, đem tài sản góp vốn đầu tư và các thỏa thuận hợp tác kinh doanh.

Vào tháng 9/2016, CNS cũng giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần bất động sản Đông Dương, chuyển công ty này từ công ty con sang công ty liên kết. Đây là doanh nghiệp là chủ đầu tư nhiều dự án như: Sunny Plaza, Trung tâm thương mại và căn hộ quận 9, dự án khu đô thị quận 9…

Ngoài ra, CNS còn tiến hành bán cổ phiếu trong kỳ tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long và Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam.

Tính đến quí I/2017, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn đã thực hiện thoái vốn xong Công ty cổ phần sản xuất thương mại May Sài Gòn (SaigonGarmex - Mã: GMC), Công ty cổ phần Tie, Ngân hàng Eximbank (Mã: EIB), Công ty cổ phần Nhựa Sài Gòn, Công ty cổ phần kỹ nghệ Đô Thành, Công ty cổ phần Hoàng Long Long An, Công ty cổ phần Điện tử và Dịch vụ Công nghiệp Sài Gòn.

Trong năm 2017, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn cũng thực hiện đấu giá 2,5 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển Gia Định. Ngoài ra, CNS đã thoái toàn bộ vốn Công ty cổ phần đầu tư thương mại Bến Thành.

Hiện tại, CNS có 5 nhà máy trực thuộc, 8 công ty con và 10 công ty liên kết.

Minh Anh